Cuộc sống nghẹn ngào và lê lết với chiếc “chân voi”

Thứ ba, 16/04/2013, 07:30
Gần 30 tuổi đời, nhưng chưa bao giờ anh rời khỏi nhà được nửa cây số bằng chính đôi chân của mình. Suốt 28 năm qua, con người tội nghiệp ấy đã phải sống trong nỗi đau thể xác lẫn tinh thần vì căn bệnh quái ác ấy. Bởi lẽ, chiếc “chân voi” mà anh phải mang nó, phải lết nó cứ lớn dần theo tuổi của anh.

Chiếc “chân voi” đeo bám cuộc đời

Chúng tôi về huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) để tìm anh Phạm Văn Loan (thôn Hồng Sơn, xã Thúy Sơn). Lối về nhà anh Loan ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, khiến tôi phải dừng xe đôi ba lần để hỏi đường. May thay, khi đến đầu thôn gặp được người trong xóm đi ra, vừa nghe hỏi tên anh Loan, ngay lập tức chúng tôi được một người phụ nữ chỉ đường cặn kẽ.

Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng của mẹ con anh Loan nằm chênh vênh trên đồi, lối lên bé tẹo, rậm rì, trơn tuột nên khách phải để xe máy dưới đường, rồi leo bộ. Thấy có khách lạ đến nhà, anh Loan vội vàng lết chiếc “chân voi” của mình vào trong nhà rồi quýnh quáng gọi em gái trải chiếu, mời khách ngồi. 

chan voi

Hai anh em Phạm Văn Loan, Phạm Thị Bảy.

Kỳ thực, lúc bước vào căn nhà ấy, mấy anh em phóng viên hơi “choáng”, bởi trước mắt là một người đàn ông nhỏ thó, cao chừng hơn mét rưỡi, gầy trơ xương, khuôn mặt chằng chịt những mụn thịt to nhỏ; còn chiếc chân phải từ đầu gối trở xuống đến bàn chân là cả một khối thịt bùng nhùng, chỗ thâm đen, chỗ đỏ au, nơi tím tái... Mỗi khi anh Loan bước chân trái lên trước, thì phải gồng người để lấy sức kéo lết chiếc chân phải.

Dường như đoán được tâm lý của khách, người anh họ của anh Loan là anh Phạm Văn Thắng (48 tuổi) cất tiếng trầm ngâm, bảo: “Loan sinh năm Ất Sửu (1985), là con thứ sáu trong nhà, nên cả nhà ai cũng gọi là chú Sáu. Lúc mới lọt lòng, chú ấy cũng bình thường như những đứa trẻ khác. 

Thế rồi, khi bắt đầu chập chững tập đi, người nhà phát hiện ở phần bắp phía trên ống chân phải của chú ấy có một cái mụn như quả trứng, quả cau, còn ngón chân cái cứ choãi ra.

Tưởng chuyện đó là bình thường nên bố mẹ chú ấy cứ để vậy. Không ngờ, khi chú Sáu càng lớn thì cái mụn thịt đó càng to dần lên, rồi dần dà cả cái bắp thịt ấy cứ sưng phồng lên, nặng trịch. Đến lúc nó phát triển to quá thì gia đình không có điều kiện để đưa chú ấy đi khám, chữa trị. 

Hồi chú Sáu 14 tuổi, có một đoàn y tế nước ngoài về phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em ở địa phương, chú ấy cũng được gia đình đưa xuống kiểm tra thì các bác sĩ bảo đó là bệnh chân voi. Mặc dù biết được bệnh, nhưng do hoàn cảnh khốn khó quá nên không có tiền để chữa trị. Từ đó, chú ấy cứ lê lết cái “chân voi” này cho đến bây giờ”.

Khi chúng tôi đang nói chuyện với anh Thắng, thì anh Phạm Văn Hợp (41 tuổi, anh trai của anh Loan) về nhà. Anh Hợp bảo rằng: “Nghe nói có nhà báo đến thăm chú Sáu, nên tôi vội về xem…”. Qua lời kể của anh Hợp, gia đình anh có tất thảy 7 anh chị em. Anh Hợp là con thứ hai trong nhà, nhưng là con trai cả.

Ngày bố anh còn sống, trên cơ thể ông cụ cũng có những mụn thịt như ở mặt anh Loan bây giờ. Từ người chị gái cả đến người em thứ tư thì ai cũng bình thường, khỏe mạnh. Đến người con thứ năm trở đi, người nào cũng có biểu hiện bệnh giống bố.

“Chú Năm hiện nay cũng có một vài cái mụn thịt ở lưng, bắp chân phải dưới đầu gối chú ấy cũng đã xuất hiện một cục thịt, to như quả trứng gà so. Còn cô út hiện nay cũng đã có biểu hiện nổi mụn thịt ở người. Ống chân phải của cô ấy lại bị cong, nên đi lại không bình thường. Tội nghiệp nhất và phải chịu đau đớn, nặng nề nhất là chú Sáu” - nói với chúng tôi xong, anh Hợp quay mặt đi nơi khác…

Mơ được bình thường dù chỉ một ngày

Tận mắt chứng kiến gia cảnh của anh Loan, chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi số phận, hoàn cảnh của gia đình con người này quá bi đát. Trong căn nhà cấp bốn, ba gian thấp lè tè, không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi. Ba chiếc giường cũ nát được kê ba góc. Một chiếc của bà mẹ, hai chiếc còn lại dành cho hai đứa con tật nguyền. 

chan voi

Anh Phạm Văn Loan đã 28 năm luôn phải lết chiếc “chân voi” của mình.

Bà Phạm Thị Ưng (mẹ anh Loan) năm nay đã bước sang tuổi 73. Cả ba mẹ con hiện nay chỉ có 6 thước ruộng (gần 200m2), nên thu nhập không có gì đáng kể. Mỗi tháng, hai anh em Loan và Bảy được hưởng chế độ tật nguyền với mức 180.000 đồng/người.

Thế nên, dù năm nay đã ngoài tuổi 70, lẽ ra như người khác, bà Ưng đã phải được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, thì suốt ngày bà vẫn phải còng lưng, lặn lội dưới con suối Ngù ở gần nhà để bắt con cua, con ốc kiếm miếng ăn.

Ngồi nghe anh Thắng, anh Hợp kể chuyện, chúng tôi không dám nhìn thẳng vào mắt họ. Bởi lẽ, nghe giọng anh Hợp kể chuyện cứ ngày càng nghẹn lại. Anh bảo: “Dù là con trai trưởng, nhưng vì đời sống của gia đình và cả lối xóm ở đây ai cũng khổ, nên chẳng giúp gì được mẹ và hai em”. 

Ngày trước, khi bố anh Hợp vẫn còn sống, cả nhà có 7 anh chị em, nhưng cũng chỉ có 5 sào ruộng cho 9 khẩu. Khi các con lớn lên, được bố mẹ dựng vợ, gả chồng, rồi ra ở riêng, thì tài sản “hồi môn” quý giá nhất mà bố mẹ chia cho các con là mỗi đứa vài thước đất ruộng. Thế nên, bây giờ cứ sáng ra bà cụ Ưng lại phải tất tả ra con suối Ngù tìm kế sinh nhai cho mình và hai đứa con tật nguyền.

Điều đáng thương hơn nữa là khi nghe chúng tôi nói chuyện, hai tay của anh Loan cứ liên hồi gãi, nắn bóp và đấm thùm thụp vào khối thịt bùng nhùng ở chân. Thấy vậy, chúng tôi hỏi thì anh Loan bảo rằng, khối thịt bùng nhùng ấy luôn ngứa ở phía bên trong, càng gãi ở bên ngoài nhiều thì chỉ tổ càng xước da, chảy máu.

Nghe anh trai nói chuyện cùng khách, cô em gái Phạm Thị Bảy (sinh năm 1987) ngồi ở góc giường của mình phá lên cười khanh khách, khiến cho không khí trong căn nhà càng não nề hơn.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi hỏi ngày trước anh Loan có đi học không, anh Loan lắc đầu. Quay sang hỏi cô Bảy, cũng chỉ nhận được một nụ cười ngây ngô và lắc đầu lia lịa. Anh Loan cất tiếng: “Em cũng muốn được đi học lắm, nhưng cái chân này nó không cho đi và cũng chẳng có tiền đâu. Không biết chữ nên chỉ biết buồn thôi!”. Nói xong, anh Loan lại đưa tay gãi chân sột soạt.

Để phá tan bầu không khí nặng nề ấy, tôi buông lời hỏi anh Loan đã có bạn gái chưa? Anh Loan tủm tỉm cười, bảo: “Không có đâu. Cái chân này nó không cho em đi, nên chịu thôi”. Nói xong, Loan đưa đôi mắt trĩu buồn nhìn về phía vạt rừng xa xăm. 

Đoạn, bất chợt anh Loan cất giọng đều đều: “Nhiều đêm em buồn lắm, nhưng không biết phải làm gì, vì mình muốn đi chơi mà cái chân nó không cho đi. Thời gian gần đây, nó càng ngày càng to và đau hơn.

Nửa đêm đang ngủ cũng phải thức dậy để gãi và nắn bóp cho đỡ đau. Mẹ em thì già rồi, em gái lại không được như người khác, nên không giúp được nhiều. Mỗi đêm đi ngủ, em chỉ ước chiếc chân của mình được như người bình thường dù chỉ là một ngày, một giờ, hay một phút thôi cũng được”. Dứt lời, trong hai khóe mắt của anh Loan chực trào nước mắt.

Chiều vùng cao, mặt trời mau khuất sau rặng núi mà vẫn chưa thấy bà Ưng từ con suối Ngù trở về nhà. Tôi hỏi anh Hợp, anh bảo, thường ngày phải đến khi trời chập choạng tối, bà mới về để lo cơm nước cho hai anh em Loan và Bảy. 

Anh bạn đồng nghiệp của tôi đề nghị được chụp ảnh, anh Loan cười bảo: “Em xấu hổ vì cái chân của mình lắm!”. Còn em gái anh Loan thì cứ nhìn chúng tôi mà cười cười, rồi cà nhắc, cà nhắc đi vào đi ra. Khi đồng nghiệp của tôi mời cả anh Hợp, anh Loan và cô Bảy ra ngồi ở bậc thềm nhà để chụp ảnh, thì cô Bảy cứ giơ giơ một tay ra, luôn mồm “chúc chúc” gọi lũ chó con chạy lại để chơi và chụp ảnh cùng…

Theo Laodong

Các tin cũ hơn