Dấu hiệu bất thường tại một công ty

Thứ sáu, 05/07/2013, 07:12
Báo Thanh Niên đã nhận được đơn kêu cứu của nhiều công nhân và 5 thành viên góp vốn của Công ty TNHH sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hiệp Tiến, tố cáo giám đốc công ty này đã “xù” tiền bảo hiểm của công nhân và giả mạo chữ ký các thành viên để chiếm đoạt công ty.

công ty hiệp tiến

Trụ sở công ty Hiệp Tiến.

Công ty TNHH sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hiệp Tiến (ấp Tân Tiến, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM) được ông Nguyễn Việt Hùng thành lập vào năm 2002. Vào thời điểm năm 2005, công ty phát triển mạnh với gần 800 công nhân. Đến đầu năm 2008, ông Hùng chuyển nhượng công ty cho bà Đặng Thị Oanh. Bà Oanh kêu gọi thêm một số thành viên khác góp vốn vào để mua công ty với tổng giá trị góp vốn 35 tỉ đồng. 

Nợ bảo hiểm, trốn thi hành án...

Nhưng sau khi chuyển nhượng thì tình hình hoạt động của công ty đi xuống rõ rệt, chỉ hoạt động cầm chừng rồi ngừng hẳn, khiến hàng trăm công nhân bị mất việc mà không hề được hưởng một chế độ nào.

Điều đáng nói là kể từ năm 2008, công ty đã không đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) cho công nhân dù hàng tháng vẫn trừ tiền bảo hiểm. Đến 2009, Cơ quan BHXH H.Củ Chi đã khởi kiện và TAND H.Củ Chi đã ra phán quyết buộc công ty phải thanh toán hơn 470 triệu đồng tiền bảo hiểm. Tiếp theo đó, Chi cục Thi hành án dân sự H.Củ Chi ra quyết định thi hành án buộc công ty phải chấp hành theo bản án trên nhưng đến nay công ty vẫn phớt lờ. Thậm chí công ty đã ngưng hoạt động từ năm 2010 đến nay, làm gần 200 công nhân bị mất việc. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Anh Kiệt, Phó giám đốc cơ quan BHXH H.Củ Chi, cho biết: Dù bản án đã có hiệu lực pháp luật hơn 3 năm nay nhưng bà Oanh không chịu hợp tác. “Không trả tiền bảo hiểm đã đành, bà Oanh cũng không chịu trả sổ bảo hiểm cho người lao động”, ông Kiệt bức xúc. Để tạo điều kiện cho công nhân tiếp tục làm việc, BHXH H.Củ Chi đã phải chốt sổ và cấp sổ BHXH mới.

 “Các cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần mời bà Oanh lên làm việc, thậm chí cử đoàn công tác liên ngành đến trụ sở công ty nhưng không thể tiếp xúc được”, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động H.Củ Chi cho biết thêm.

Những giám đốc bị cấm cửa

 
 

Chuyển hồ sơ vụ việc sang công an

Ngày 2/7, Sở KH-ĐT TP.HCM đã có công văn chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an TP.HCM để xác minh xử lý theo thẩm quyền. Công văn nêu rõ: Sở Sở KH-ĐT TP.HCM đã liên tục nhiều lần có thư mời bà Đặng Thị Oanh, bà Đoàn Thị Hiền và ông Cao Văn Phú (bà Hiền và ông Phú là những người có liên quan trong việc thay đổi tên các thành viên công ty - PV) nhưng bà Oanh, bà Hiền và ông Phú không đến làm việc và cũng không thông báo lý do.

 

Trong thời gian đang giải quyết các vấn đề về lao động tại công ty, các thành viên góp vốn cho biết họ đã bị bà Oanh tìm cách đẩy ra khỏi công ty một cách trắng trợn.

Bà Tôn Nữ Tuyết Vân, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên sáng lập công ty, người có số vốn góp gần 18 tỉ đồng, bức xúc: “Sau khi cầm giấy chủ quyền nhà xưởng, giấy phép kinh doanh, tháng 4/2008, bà Oanh đã đem thế chấp ngân hàng vay 20 tỉ đồng nhưng lại dùng số tiền đó cho việc riêng. Một số thành viên góp vốn như bà Vân, bà Trần Thị Kiều Oanh và bà Võ Thị Mỹ Dung thắc mắc thì đến đầu năm 2009, bà Oanh cho bảo vệ cấm cửa tất cả các thành viên vào công ty”. Dù lúc đó, bà Dung đang là giám đốc tài chính còn bà Kiều Oanh đang giữ chức danh giám đốc nhân sự.

Bức xúc trước tình hình tại công ty, các thành viên đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Ngày 21/5/2013, Sở KH-ĐT TP.HCM mời các thành viên lên làm việc.

Tại buổi làm việc không có mặt bà Đặng Thị Oanh, các thành viên “tá hỏa” khi biết công ty đã được đăng ký thay đổi giấy chứng nhận kinh doanh từ tháng 9/2012. Theo đó, bà Oanh đã không còn là giám đốc mà thay vào đó là tên của một người lạ khác có hộ khẩu tận Hà Nội. Những thành viên góp vốn cũng không còn tên trong danh sách. Đối chiếu với các chữ ký trong hồ sơ, tất cả các thành viên này đều khẳng định không phải chữ ký của họ.

Để tìm hiểu thêm sự việc, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với bà Oanh nhưng cả 3 lần đều bất thành. Theo thông tin chúng tôi có được, diện tích 25.000 m2 nhà xưởng tại Củ Chi đang được một số công ty khác thuê lại. Nếu cơ quan chức năng chậm trễ vào cuộc thì rất có thể nó sẽ được tiếp tục sang nhượng cho người khác. Và lúc đó tình hình lại càng trở nên phức tạp hơn nhiều.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn