Có lãi chỉ sau 2 năm
Khoa đã bắt đầu bằng việc bắt tay với 2 người bạn cũng du học từ Mỹ về là Phan Duy (tốt nghiệp Đại học Dickinson, ngành Toán và Kinh tế) và Ngô Thùy Ngọc Tú (tốt nghiệp Đại học Stanford về Chính sách công) để chính thức ra mắt thương hiệu đào tạo Anh ngữ mang tên Yola tại TP.HCM.
Mô hình ban đầu là kết hợp công nghệ và giáo dục để đào tạo Anh ngữ qua mạng với tên gọi Your Online Learning Assistance (Yola). Nhưng họ đã phải nếm ngay quả đắng khi mới bước vào con đường lập nghiệp. Mô hình đào tạo qua mạng đã thất bại chỉ sau 6 tháng hoạt động.
“Có 3 lý do chính là tính cộng đồng khi học trực tuyến vẫn chưa có tại Việt Nam, hạ tầng chưa sẵn sàng và quan trọng nhất, phụ huynh không tin tưởng vào mô hình này”, Khoa bộc bạch.
Yola bắt đầu đi lên sau khi tìm được ngách hiểm là luyện thi Anh ngữ cho mục đích du học. |
Không nản chí, cả 3 tiếp tục động não để tìm ra ngách hiểm nhất là mô hình luyện thi Anh ngữ cho mục đích du học. “Nó có tỉ suất sinh lời cao nhất vì phụ huynh sẵn sàng trả học phí cao để con em luyện đủ số điểm theo yêu cầu của các trường nước ngoài”, Khoa giải thích.
Tháng 11/2009, Yola ra mắt 2 lớp luyện thi SAT (kỳ thi đầu vào đánh giá kiến thức tự nhiên và xã hội cho chương trình cử nhân của các trường đại học Mỹ) đầu tiên tại tòa nhà Citilight trên đường Võ Thị Sáu, Q.1, TP.HCM. Sản phẩm này như lọt thỏm giữa chuỗi sản phẩm đào tạo Anh ngữ dày đặc từ trẻ em đến người lớn của các thương hiệu lớn như Anh văn Hội Việt Mỹ, ILA, Apollo lúc bấy giờ.
Áp dụng chiến lược “chiếm từng thành một” do bị giới hạn về tiềm lực tài chính, Yola tịnh tiến dần từ chỉ 2 lớp luyện thi SAT lên mức 10 lớp chỉ sau 1 năm. Khi thành trì SAT bắt đầu có thể trụ vững, Khoa tiếp tục trình làng sản phẩm SSAT (kỳ thi dành suất học trung học tư thục nội trú ở Mỹ) và sau đó là sản phẩm giữ vai trò cốt lõi trong chiến lược phát triển dài hạn của Yola - luyện thi TOEFL.
“Yola bắt đầu có lãi sau 2 năm hoạt động. Tại mỗi thời điểm nhất định, chúng tôi luôn duy trì được ở mức khoảng 1.000 học viên. Dự kiến mức tăng trưởng trong năm nay là khoảng 100% so với 200% của năm 2012 vì Yola đã qua giai đoạn tăng tốc và đang đi vào ổn định”, Khoa cho biết.
3 khó khăn của Khoa
Tuy phát triển nhanh nhưng theo Khoa, Yola đang đứng trước 3 khó khăn chính. Trước tiên là vấn đề nhân lực. Yola cho biết không dễ tìm được người dạy đủ năng lực. “Hiện các bạn tốt nghiệp đại học trong nước chuyên ngữ văn Anh vẫn chưa thể vượt qua các vòng sát hạch của Yola”, Khoa nói.
Tiếp đến, thị trường đào tạo Anh ngữ trong nước đến nay vẫn chưa thể đạt được chuẩn quốc tế sau hơn một thập niên phát triển vì nhiều lý do.
Sau cùng là vấn đề quản trị nội bộ. Theo Khoa, với tập thể hơn 100 người gồm 3 nhóm khác nhau là người nước ngoài; du học sinh và sinh viên hầu hết tuổi đời còn khá trẻ, việc có chung một tầm nhìn là không hề đơn giản.
Năm 2014, Yola dự kiến sẽ mở thêm một trung tâm ở TP.HCM và một ở Hà Nội với vốn đầu tư khoảng 3 tỉ đồng/trung tâm, trước khi có thể tiến vào thị trường Đà Nẵng.
Theo Khoa, việc làm phình lớn Yola đã khó, nhưng giữ được định hướng theo chiến lược phát triển bền vững khó hơn nhiều.
Dạo này, ngoài điều hành Yola, Khoa tham gia Ban Chấp hành Tổ chức UNICEF Next Generation dành cho các bạn trẻ dưới 30 tuổi, có nguyện vọng đóng góp cho cộng đồng nơi mình đang sống. Tuần qua, Khoa đã gia nhập đoàn chuyên gia UNICEF đến Đồng Tháp nhằm triển khai 3 dự án cộng đồng là “Xóa cầu cá”, “Dạy bơi cho trẻ em” và “Phòng điều tra thân thiện”.
“Xứ mình còn nhiều việc phải làm lắm. Trong khi học viên của Yola đi du lịch hè trong và ngoài nước, ở khách sạn 4-5 sao thì các em ở Đồng Tháp vẫn phải vật lộn với cuộc mưu sinh. Tôi chỉ mong muốn góp phần cải thiện cuộc sống của các em để bớt nhọc nhằn và có thể tiếp tục đến trường”, Khoa chia sẻ.
Theo NCĐT