Hệ thống thi đấu hời hợt
Có lẽ không ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, người ta sở hữu một đội bóng đơn giản như ở Việt Nam. Có lẽ cũng không có ở đâu trên thế giới, người ta có thể đá ở giải VĐQG đơn giản như đá ở V-League.
Một đội bóng khi mới hình thành, thay vì phải đá ở hạng Ba, sau đó lên từng cấp, rồi mới đến được giải VĐQG, thì ở ta, chỉ cần mua lại một suất V-League là có thể đàng hoàng đá ở hạng cao nhất. Thêm vài động tác sang tên đổi chủ nữa, đội bóng ấy cũng khỏi lo chuyện rớt hạng (các đội bóng của bầu Kiên từng sử dụng chiêu này).
Chuyện thăng hạng của bóng đá Việt Nam cũng quá dễ. Từ hạng Ba lên hạng Nhì đôi khi cũng không cần phải đá. Từ hạng Nhì lên hạng Nhất dễ vô cùng (VCK giải hạng Nhì năm ngoái có 6 đội tham dự, đã có đến 5 suất được thăng lên hạng Nhất), từ hạng Nhất lên V-League càng đơn giản (8 đội tham dự, năm ngoái có 3 suất thăng hạng, năm nay có 2,5 suất).
Chuyện V.Ninh Bình dễ dàng bỏ giải là sản phẩm của một hệ thống quản lý hời hợt trong bóng đá Việt Nam.
Với một ông bầu mới nhảy vào bóng đá, ông có thể dễ dàng leo từ hạng này lên hạng khác. Đạt được mục đích dễ thì người ta cũng dễ nảy sinh tâm lý không xem trọng vị trí mà họ có được.
Trường hợp của K.Kiên Giang là một ví dụ, tầm của đội này chỉ đáng được đá hạng Nhì như suốt chiều dài lịch sử của bóng đá Kiên Giang vẫn thế. Đùng một cái, họ có tài trợ và có điều kiện lên V-League. Khi hết tiền, họ tuyên bố giải tán, quay về với nơi từ đó họ bắt đầu. Có mất gì đâu! Cũng đâu tốn bao nhiêu công sức, vẫn được mang danh chuyên nghiệp như thường!
HV.An Giang lại là một ví dụ khác. Họ đã ở hạng dưới 16 năm nay, trước khi họ kiếm được tài trợ rồi quyết lên V-League bằng mọi giá. Đến khi nhận ra đời không như là mơ, HV.An Giang có lúc còn đòi giải tán đội bóng, đòi nghỉ chơi, chấp nhận bị đánh rớt xuống hạng Ba, chứ không chịu rớt xuống hạng Nhất.
Đấy là một sự ảo tưởng về mặt đẳng cấp, mà không ai nhận ra rằng tầm của HV.An Giang cũng chỉ đáng đá ở giải hạng Nhất như chính họ vẫn ở đấy 16 năm trước đó vậy!
Những nhà quản lý đang bán... cái danh
Nếu đã nói đến chuyện nhiều đội bóng đang ảo tưởng về đẳng cấp thực sự của chính mình, thì cũng phải hỏi những nhà quản lý bóng đá nội đã làm gì để nuôi dưỡng sự ảo tưởng ấy?
Thay vì phát triển theo hình tháp, càng lên cao càng sàng lọc kỹ và ít đội, thì bóng đá nội lại tồn tại theo kiểu tháp ngược. Số đội đang đá ở V-League nhiều gần gấp đôi so với số đội ở hạng Nhất rõ ràng là một nghịch lý.
Các đội bóng thay vì tồn tại nhờ chất lượng, lại tồn tại cho đủ số lượng, theo tiêu chí… “cào bằng” của những nhà tổ chức.
Năm nào VPF và BTC giải cũng kiểm tra tiêu chí chuyên nghiệp của các CLB, nhưng năm nào họ cũng để “lọt sổ” không ít đội không đủ chuẩn, đặc biệt là không đủ năng lực tài chính. Điều đó chứng minh những đợt kiểm tra đấy mang nặng tính hình thức.
Mà những nhà quản lý càng dễ dãi với việc cấp phép cho các CLB chuyên nghiệp, thì càng tạo điều kiện cho người ta nhảy vào đấy mua danh, rồi làm loạn bóng đá Việt Nam.
TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình cho biết không thể “sờ” vào chuyện tài chính của các CLB, nên không thể đánh giá chính xác năng lực tài chính của mỗi đội bóng đến đâu trong các đợt kiểm tra đầu mùa.
Nhưng nếu tài chính không rõ ràng thì cũng phải đặt câu hỏi rằng dòng tiền mỗi năm chảy vào từng CLB từ đâu?
Sự dễ dãi của những nhà quản lý bóng đá với sự tồn tại của các CLB còn nguy hiểm ở chỗ ấy: Bản thân họ không quản lý được các đội bóng đã đành (thích thì vào chơi, không thích thì nghỉ), việc tồn tại các CLB trên danh nghĩa những công ty cổ phần mà nguồn tài chính không công khai với chính VPF, còn có thể tạo ra sự thiếu minh bạch trong việc luân chuyển dòng tiền của một vài ông bầu bóng đá!
Theo Dân trí