HLV trưởng đội tuyển Việt Nam: Cần chất 'phủi' của Calisto!

Thứ bảy, 26/04/2014, 08:32
Sau vương triều Falko Goetz (2011), bây giờ bóng đá Việt Nam lại quay về phương án thầy ngoại. Một câu hỏi tưởng cũ, nhưng thực chất lại luôn tươi rói: chúng ta thực sự đang cần một ông thầy như thế nào? 


Ông Falko Goezt phải ra đi chỉ sau hơn 6 tháng cầm quân ở Việt Nam - Ảnh: Khả Hòa

Một ông thầy thực sự giỏi chuyên môn chăng? Cứ nhìn vào hồ sơ của Falko Goetz và câu nói "Goetz là thầy ngoại tốt nhất mà chúng ta có được từ trước tới giờ" của ông cựu chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ sẽ thấy Goetz không hẳn là một gã bất tài như những gì người ta nói về ông sau này, khi U.23 Việt Nam do ông dẫn dắt chết thảm ở SEA Games 26.

Một cựu quan chức bóng đá Việt Nam từng "bám" Goetz đã đưa ra nhận xét: "Cái dở của ông ta là... cứng quá và chuyên nghiệp quá". Ví dụ như sau một chuyến bay dài từ Qatar về Hà Nội, Goetz vẫn bắt các cầu thủ phải chạy vài vòng quanh khách sạn trước khi lên phòng nghỉ ngơi, hay "ép" các cầu thủ phải tập giữa trời nắng, phải cách ly với truyền thông khi giải đấu cận kề.

Goetz đến từ nước Đức, từ một nền bóng đá thực sự chuyên nghiệp và trọng kỷ luật, nên thiết quân luật ông đưa ra là dễ hiểu. Nhưng khổ nỗi là ở một nền bóng đá mà "ghế thầy có 4 chân, cầu thủ nắm đến 3 chân" thì cái thiết quân luật ấy lại khiến nhiều cầu thủ khó chịu, và không khó "ngửi" thấy việc một bộ phận cầu thủ đã kể xấu Goetz rồi "phá" Goetz trên mặt báo (vâng, ít nhất là trên mặt báo).

Ngược hẳn so với một Falko Goetz nhìn đâu cũng "cứng" lại là một Calisto biết "cứng" biết "mềm" từng thời điểm. Gần một thập kỷ hành nghề ở CLB Đồng Tâm Long An giúp Calisto hiểu cầu thủ Việt Nam, hiểu văn hoá Việt Nam và biết phải làm gì để ứng xử với... phong cách Việt Nam.


HLV Henrique Calisto khá gần gũi với giới truyền thông Việt Nam - Ảnh: Khả Hòa

Thế mới có chuyện, khi cầm cương đội tuyển Việt Nam, Calisto đã thiết lập những mối quan hệ mang màu sắc cha - con với nhiều cầu thủ, ứng xử với các cầu thủ theo tư tưởng "lạt mềm buộc chặt" và ứng xử với VFF theo đúng tinh thần... nhập gia tuỳ tục.

Có một câu chuyện hậu trường ít người biết, đó là trước trận cầu sinh tử Việt Nam - Singapore ở vòng bảng AFF Cup 2010, khi thấy tuổi và mệnh của Calisto tương khắc với ngày thi đấu, các quan chức VFF đã đề nghị ông thầy "giải đen" bằng cách không ngồi xe bus đến sân Mỹ Đình cùng cầu thủ như mọi lần, mà đến bằng xe riêng, do phó chủ tịch truyền thông VFF Nguyễn Lân Trung cầm lái.

Lời đề nghị này đã được Calisto vui vẻ nhận lời, và như nhận xét của "thuyết khách" trong vụ việc có một không hai  này thì: "Nếu là một ông thầy châu Âu khác, tôi tin chắc ông ta từ chối ngay".

Tất cả những điều này nói lên cái gì? Nó nói rằng, bên cạnh một Calisto sắc sảo về chuyên môn, còn có một Calisto rất đời, rất bụi và rất phủi. Và chính từ một ông thầy ngoại rất phủi ấy (chứ không phải mẫu thầy kiểu Falko Goetz), bóng đá Việt Nam đã ghi được những chiến công chói lòa.

Trở lại với cuộc tìm thầy cho đội tuyển hiện nay, những ứng cử viên hàng đầu như cựu danh thủ Pháp Marcel Deisally, cựu HLV trưởng đội tuyển Malaysia Rajagobal hay những ông thầy người Nhật liệu có cái chất "phủi" giống Calisto ngày nào hay không?

Khổ cho VFF khi phải bơi trong đống hồ sơ của các ông thầy để tìm cho được một người vừa sắc chuyên môn lại vừa phải có nét phủi phủi, bụi bụi như kiểu Calisto ngày nào.

Vì bóng đá của ta chưa chuyên (dù cứ gắn cái mác "chuyên") nên chúng ta chỉ có thể thành công với mẫu thầy như thế!

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn