* 23h00 ngày 23/6, sân Corinthians.
Không hoàn toàn là sự xấu xí, nhưng người Hà Lan đang thay đổi, về tư duy lẫn cách thi đấu.
“Chết” quá nhiều vì khái niệm đẹp
“Kẻ thất bại vĩ đại” là khái niệm mang tính chất thổi phồng, chỉ nhằm an ủi những kẻ thất bại. Đã thất bại thì không thể vĩ đại. Hai từ “vĩ đại” chỉ được dùng cho những người chiến thắng. Chỉ cần một lần vô địch là sẽ được lưu danh, và hàng tá lần giành ngôi á quân cũng chẳng ý nghĩa gì.
Đó cũng là lý do mà Hà Lan từng có rất nhiều huyền thoại được xem là vĩ đại về mặt cá nhân, nhưng tập thể vẫn chưa thể ngồi chung mâm với Brazil, Italy hay Đức trên sân chơi World Cup. Ngay như Tây Ban Nha chỉ mới nổi gần đây, sau thời gian làm “ông vua vòng loại”, cũng đã vượt qua mặt Hà Lan.
Ngược về quá khứ, từ thập niên 1960. Ngay khi bắt đầu sự nghiệp cầu thủ, Johan Cruyff trở thành nhà truyền giáo đáng nhớ nhất của bóng đá tổng lực, mà người Hà Lan vẫn gọi là “totaalvoetbal” (Total Football). Từ Ajax đến Barca, những chiến thắng mà Cruyff giành được là cách quảng bá tốt nhất cho “totaalvoetbal”. Ông tiếp tục truyền bá thứ bóng đá lãng mạn ấy khi trở thành HLV. Cho đến ngày nay, tư tưởng của “Thánh Johan” vẫn ảnh hưởng cực lớn với bóng đá thế giới.
Nhưng Cruyff không có chút vinh quang nào cùng ĐTQG, và nhiều thế hệ sau ông cũng vậy. Hà Lan từng thất bại hai trận chung kết World Cup liên tiếp, 1974 và 1978. Đã có những vấn đề chính trị, nhưng công bằng mà nói, họ chết vì quá lãng mạn. Trên mặt trận EURO, Hà Lan từng 4 lần gục ngã ở bán kết. Đôi khi, để chiến thắng trong bóng đá không phải là ghi bàn, mà trước hết phải không thủng lưới.
Danh hiệu EURO 1988, với “dị nhân” Marco van Basten, là quá ít với thứ “totaalvoetbal” mà cả thế giới ngưỡng mộ trong hơn nửa thế kỷ.
Thay đổi để chiến thắng
“Cái chết đẹp” gần nhất của “totaalvoetbal” là EURO 2008. Hà Lan của HLV van Basten lần lượt khuất phục Italy và Pháp đầy ấn tượng. Đây là hai đối thủ đá trận chung kết World Cup 2006. Họ hạ tiếp Romania với đội hình hai. Nhưng cái đẹp bị bóp chết không thương tiếc ở tứ kết bởi Nga, do chính người Hà Lan dẫn dắt, “phù thủy” Guus Hiddink.
Hà Lan thay đổi ngay sau thất bại ấy, với Bert van Marwijk mang đến sự thực dụng và thứ bóng đá xấu xí theo đúng nghĩa đen. Sau 32 năm, họ vào chung kết World Cup (2010).
Van Marwijk đã phải sống chung với những chỉ trích khi thay đổi Hà Lan. Bây giờ, tư tưởng đã thay đổi, và người Hà Lan chấp nhận một hình ảnh khác từ Louis van Gaal. “Totaalvoetbal” được thay bằng làn gió thực dụng.
Không hề có xe buýt tồn tại. Chỉ là cách chơi thay đổi, với 5-3-2 (nhưng ngay lập tức có thể biến thành 4-3-3 quen thuộc). Với van Gaal, “Oranje” chiến đấu nhiều hơn. Hạn chế phối hợp ngắn, phản công nhanh nhất có thể, nhờ chiến binh De Jong, tốc độ của Robben, hiệu quả của van Persie, Hà Lan đã làm nhục TBN và hạ Australia. Cách chơi mới giúp Robben - van Persie đang là cặp tiền đạo tốt nhất, với 6 bàn.
Trước Chile, một trong những đối thủ đá đẹp nhất World Cup, không bất ngờ nếu Hà Lan lại thắng bằng những pha phản công. “Trên tất cả, chiến thắng mới là điều đáng tự hào”, Robben kết luận.
6 - Robben và van Persie đang là cặp tiền đạo hiệu quả nhất. Cả hai đóng góp 6 bàn, trong tổng số 8 bàn của Hà Lan sau hai lượt trận đầu tiên. 1 - Danh hiệu duy nhất trong lịch sử của Hà Lan là EURO 1988. Hà Lan đã thua 3 trận chung kết World Cup và 4 lần bị chặn ở bán kết EURO. 60,87% - Dưới sự dẫn dắt của van Gaal, Hà Lan đang chiến thắng 60,87% số trận đấu, vượt xa 53,33% với nhiệm kỳ đầu (2000-2002). Hà Lan chỉ thua hai trong 23 trận với van Gaal. Đội hình dự kiến Hà Lan: Cillessen – Janmaat, de Vrij, Vlaar, Blind – Wijnaldum, De Jong, de Guzman – Robben, Huntelaar, Depay. Chile: Bravo – Jara, Medel, Silva – Isla, Diaz, Vidal, Mena – Valdivia – Sanchez, Vargas. Dự đoán: 2-1 |
Theo Thể thao & Văn hóa