Ông vua chuyển nhượng
Trong giới cầu thủ Việt, không ai đọ lại với Lê Công Vinh về số tiền kiếm được từ bóng đá. Năm 2008, sau bốn năm cống hiến cho đội bóng quê hương Sông Lam Nghệ An (SLNA) tại V.League, Lê Công Vinh đến Hà Nội T&T với số tiền lót tay kỷ lục thời điểm đó là 8 tỷ đồng.
Tại đội bóng của bầu Hiển, mức lương mà Lê Công Vinh nhận được tăng lên gấp ba so với mức 14 triệu đồng/tháng ở SLNA. Bốn năm sau, anh bất ngờ gia nhập CLB Hà Nội của bầu Kiên dù trước đó tuyên bố như đinh đóng cột sẽ ở lại Hà Nội T&T.
Kể từ năm 2008 đến giờ ngoài tiền lót tay, Công Vinh còn nhận mức lương rất cao so với các cầu thủ nội khác. Tại SLNA, anh không nhận lương cao bằng khi ở Hà Nội T&T hay CLB Hà Nội nhưng cũng là loại 1, xấp xỉ 25-30 triệu đồng/tháng. |
Số tiền mà bầu Kiên chi ra để có được sự phục vụ của Lê Công Vinh lên đến 13 tỷ đồng cùng mức lương thuộc hàng kỷ lục là khoảng 70 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, Công Vinh cũng chỉ thi đấu cho CLB Hà Nội trong một năm và đội bóng không tham dự V.League 2013 sau khi bầu Kiên bị bắt. Anh trở lại khoác áo đội bóng cũ SLNA theo một bản hợp đồng cho mượn có thời hạn hai năm.
Trong thời gian thi đấu cho SLNA, Công Vinh được cho Consodale Sapporo mượn trong vòng 5 tháng để chơi tại giải J.League 2 của Nhật Bản. Số tiền mà đội bóng của Nhật chi ra để có được sự phục vụ của Công Vinh không dưới 60.000 USD (hơn 1,2 tỷ đồng).
Hết hợp đồng cho mượn tại SLNA khi V.League 2014 kết thúc, Lê Công Vinh tìm kiếm bản hợp đồng cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ. Anh mong muốn ở lại đội bóng quê hương nhưng tài chính của SLNA không đủ mạnh để trả cho anh một mức tương xứng.
B.Bình Dương đã thành công khi nhảy vào đúng lúc để có được chữ ký của Lê Công Vinh theo bản hợp đồng có thời hạn 3 năm, mức lót tay từ 8 - 10 tỷ đồng. Tổng cộng, sau hơn 10 năm thi đấu đỉnh cao với ba lần chuyển nhượng chính thức (không tính đi mượn), Lê Công Vinh đã kiếm được số tiền xấp xỉ 30 tỷ đồng. Đây là con số mà không cầu thủ Việt Nam nào có thể sánh được.
Ngoài tiền lót tay, tiền lương của Lê Công Vinh cũng rất cao. Ở Hà Nội T&T trước đây, Công Vinh kiếm không dưới 70 triệu/tháng từ tiền lương và thưởng. Trở về SLNA, Công Vinh bị giảm lương nhưng vẫn nhận từ 25-30 triệu đồng/tháng. Khi sang Sapporo đá thuê, tiền đạo này nhận mức lương cao kỷ lục đối với một cầu thủ Việt - 7.000 USD/tháng (khoảng 150 triệu đồng/tháng).
Ông vua ghi bàn và quảng cáo
Dĩ nhiên, để có được những vụ chuyển nhượng tiền tỷ như vậy, Lê Công Vinh phải có tài năng đặc biệt. Anh là cầu thủ có tác phong rất chuyên nghiệp và duy trì được phong độ ổn định trong suốt 10 năm qua - điều rất hiếm đối với một cầu thủ Việt Nam.
Lê Công Vinh hiện đang là cầu thủ giữ kỷ lục ghi bàn tại V.League với 108 bàn, ăn đứt những chân sút tài năng khác như Gaston Merlo, Antonio, Huỳnh Kesley, Almeida hay Evaldo. Tại các CLB V.League mà Công Vinh đã đi qua, anh đều là tiền đạo trụ cột.
Mối tình với Thủy Tiên giúp Công Vinh được biết đến nhiều hơn. Họ là cặp đôi nổi tiếng nhất trong giới cầu thủ tại V.League. |
Tài năng trên sân cỏ, ngoại hình bắt mắt, có tài ăn nói cũng như cặp với một ngôi sao thuộc giới giải trí - ca sĩ Thủy Tiên đã giúp Lê Công Vinh trở thành ông vua quảng cáo trong giới cầu thủ Việt Nam. Anh là gương mặt quen thuộc trong các show quảng cáo của Nike, dược phẩm Đông Á, MILO cũng như là đại sứ thương hiệu của hãng xe hơi Audi.
Tiền đạo của B.Bình Dương cũng là khách quen trên truyền hình hay các sự kiện lớn cần sự có mặt của một ngôi sao bóng đá. Tiền quảng cáo hay đi sự kiện dĩ nhiên không thể bì lại với số tiền Công Vinh kiếm được ở bóng đá nhưng đó là một khoản rất khá, lên đến hàng tỷ đồng.
Theo Zing