Bí mật giờ mới kể về các VĐV tại Asiad 2014

Thứ ba, 14/10/2014, 09:35
Ngôi sao thể dục dụng cụ Hà Thanh run lẩy bẩy, mồ hôi vã ra như tắm, không dám nhìn phần thi của các đối thủ. Xạ thủ trẻ Hoàng Phương chỉ ước mình giành HCB với viên đạn cuối để khỏi mang tiếng bắn rơi Vàng.

Ngôi sao thể dục dụng cụ Hà Thanh

Ngôi sao thể dục dụng cụ Hà Thanh.

Võ sĩ boxing hai con Lê Thị Nhung vẫn thi đấu tưng bừng trong tiếng cổ vũ “cô ơi cố lên” của các đồng đội. Tuyển thủ karatedo Hoàng Ngân nói tiếng Anh như gió...  Đó là những lát cắt kỳ lạ mà cũng rất đỗi đời thường, dễ thương phía sau chiến dịch Asiad 2014 của TTVN không hề gói gọn ở 36 tấm huy chương.

50 phút run rẩy và hãi hùng của Hà Thanh

Rất xuất sắc ở chung kết cầu thăng bằng, vốn không phải là sở trường, tuyển thủ thể dục dụng cụ này đạt điểm số cao thứ hai trong số ba người thi đấu, có nghĩa là còn phải chờ phần trình diễn của năm đối thủ khác, trong đó có hai ứng viên đến từ Trung Quốc.

Và khoảng thời gian 50 phút chờ đợi từ bên ngoài với Thanh thực sự dài như thế kỷ, với sự hồi hộp, âu lo lên tới đỉnh điểm. Với mỗi phần thi của các đối thủ, Thanh thở khẽ, chỉ thi thoảng mới dám nhìn len lén, luôn phải nép vào người HLV mà có thể nhìn thấy rõ sự run rẩy và những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt. Cứ sau mỗi lần kết quả của từng người được công bố, và đều thấp hơn mình, cô trò Thanh lại ôm chặt lấy nhau.

Tất cả chỉ vỡ òa khi hảo thủ Trung Quốc dù thi cực hay song lại mắc lỗi nghiêm trọng ở động tác tiếp đất, và cô gái Hải Phòng đã chính thức đoạt tấm HCB lịch sử. Sau đó, Thanh đã bước lên bục nhận huy chương với bộ trang phục ướt đẫm mồ hôi như vừa mới dầm mình ở bể bơi.

Hoàng Ngân xuất sắc song ngữ

Các tuyển thủ Việt, kể cả diện “sao” bị kêu ca rất nhiều về khả năng xuất hiện trước công chúng, đặc biệt tiếng Anh; song “nữ hoàng” kata Hoàng Ngân hoàn toàn khác.

Dù rất buồn sau thất bại ở trận chung kết song trong buổi họp báo, võ sĩ Hà thành đã khiến tất cả phải choáng vì phong cách duyên dáng, sự ứng xử sắc sảo và đặc biệt trình độ tiếng Anh rất siêu. Ngân đã có thể trả lời rành rọt, thanh thoát, rất trúng và sâu các câu hỏi. Cô cũng gây ấn tượng đầu tiên bằng việc nói lời chúc mừng nhà vô địch cùng hai đối thủ đoạt HCĐ.

Chưa hết, chị còn hỗ trợ võ sĩ người Nhật Shimizu Kiyou dịch từ tiếng Nhật ra tiếng Anh. Không phải ngẫu nhiên, các phóng viên đồng hương khi ấy đều thấy nở mày nở mặt, vì hoa khôi làng võ nói tiếng Anh như… tiếng Nhật, và tiếng Nhật cũng chẳng khác mấy tiếng Việt.

Cha, con và niềm vinh dự độc nhất vô nhị của ông Trưởng đoàn VN

Đến theo dõi ĐTQG soft-tennis thi tài, Trưởng đoàn TTVN Lâm Quang Thành đã liên tục nhận được những cái bắt tay và lời chúc mừng từ đại diện các đoàn khác khi họ biết trong số các tuyển thủ Việt Nam của môn này có một trường hợp đặc biệt - Lâm Quang Trí, con trai ruột của ông.

Tại Asiad 2014, có rất nhiều trường hợp người thân cùng tham gia, song bố làm Trưởng đoàn con là tuyển thủ thì chỉ Việt Nam có. Lâm Quang Trí từng là chuyên gia đánh đôi của tennis, và một trong những VĐV soft-tennis đầu tiên của Việt Nam.

Nỗi oan để “vuột” Vàng của xạ thủ lạ mặt Hoàng Phương

Vui hết cỡ khi đoạt tấm HCB nội dung 50m súng ngắn bắn nhanh, song cả chục ngày sau xạ thủ Nguyễn Hoàng Phương vẫn ấm ức vì bỗng dưng chịu tiếng oan để “vuột” Vàng. Cơ sự của nó bắt nguồn từ việc trước hai viên đạn cuối, tay súng quân đội vẫn dẫn đối thủ Ấn Độ 0,7 điểm, chỉ có điều do tâm lý nên sau đó Phương bắn non tay và chỉ kết thúc ở vị trí thứ nhì. Từ đó, rất nhiều người mặc nhiên coi như anh đã để “mất” Vàng trong tầm tay.

Phương cay đắng trải lòng giá như anh đoạt HCB nhờ hai, hay một viên đạn cuối có khi tình thế lại khác hẳn, sẽ được ca ngợi chứ không bị trách oan. Theo xạ thủ mới ngoài 20, anh mới lần đầu dự Asiad, huy chương cũng chỉ dám mơ, có khi cả đời chưa chắc đã lặp lại được thành tích như thế, cho nên chẳng có thể đòi hỏi gì hơn.

Bà mẹ hai con khuynh đảo võ đài Boxing

Khi Lê Thị Nhung (ảnh) tranh tài trên võ đài, các khán giả người Việt đều tròn mắt ngạc nhiên vì không hiểu tại sao những người đồng đội trẻ liên tục cổ vũ “cô ơi cố lên”. Còn nhiều thành viên của các đoàn khác biết về trường hợp của Nhung cũng phải thán phục bởi đây mới là “number one”.

Quả thật khó tin, võ sĩ lọt vào tới tận tứ kết hạng cân dưới 80kg không chỉ đã ở tuổi “băm” mà đã là bà mẹ hai con. Thuộc lứa võ sĩ đầu tiên của boxing Hà Nội, Nhung đã từng đoạt HCĐ châu Á, và nghỉ một thời gian dài để thực hiện thiên chức làm vợ làm mẹ. Đến năm 2011, bà mẹ hai con này đã tái xuất với tư cách VĐV kiêm HLV.

Chị đã tập luyện, thi đấu “sung” đến mức không có đối thủ ở hạng cân của mình ở sân chơi quốc nội, từng suýt giành suất dự Olympic 2012 và giờ thi đấu tưng bừng ở Asiad 2014. Dẫu phải dừng lại ở tứ kết trước đối thủ Kazakhstan quá mạnh nhưng chỉ như thế thôi với Nhung vẫn được coi là một kỳ tích.

Boxing Việt Nam có cả HLV của... HLV

Nếu có chứng kiến trực tiếp mới thấy thương cho ông HLV ĐTQG boxing Nguyễn Như Cường (phải). Ở các trận đấu của ĐTVN, thay vì chỉ tập trung vào công việc của mình, chỉ đạo các học trò thi đấu bằng những lời nói, ông chắc cũng ù hết cả tai vì còn phải nghe những lời… chỉ giáo từ bên ngoài.

Trong khoảng thời gian ít ỏi nghỉ giữa các hiệp, HLV Cường vừa chăm sóc, chỉ bảo học trò vừa phải nghe hết chuyên gia này tư vấn đến lãnh đạo đoàn kia mách nước. Có người còn gọi ông như hét để yêu cầu phải như thế này hay thế khác.  Và càng khôi hài hơn vì đa số “tiếng nói” từ trên khán đài lại chẳng giống nhau, thậm chí còn ngược nhau.

Thấy cảnh hiếm có khó tìm ấy, nhiều người đã phải lắc đầu ngán ngẩm vì boxing VN lại có cả “HLV của…. HLV”.

Theo Bóng Đá Plus

Các tin cũ hơn