Trọng tài Đinh Văn Dũng điều khiển một trận đấu V.League mùa giải 2014.
Bỗng dưng về nhà… đuổi gà
Trước thềm mùa giải 2015, khi các trọng tài tập huấn tại Đà Nẵng, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã đáp máy bay vào tham dự chỉ để nhấn mạnh mấy chữ: “Phải làm việc công tâm”.
Không những thế, ông chủ VFF còn ra một quyết định khiến cả giới trọng tài ngỡ ngàng: Thẳng tay loại trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng. Ngỡ ngàng, là bởi lý do “trảm” trọng tài xem ra rất mơ hồ, theo lý giải của ông Chủ tịch thì: “Nguyên nhân là bởi anh ta đã bắt không thể chấp nhận nổi trong trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Sinh viên Hàn Quốc”.
“Trọng tài Đinh Văn Dũng “đè ngửa” ĐT Việt Nam ra thổi. Bắt như vậy khán giả chịu không nổi và bản thân tôi cũng chịu không nổi, vậy tại sao chúng ta phải giữ lại, phải để hiện tượng đó tồn tại mãi như vậy? Tôi đã điện cho Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi nói trọng tài Đinh Văn Dũng dường như có vấn đề tư tưởng, mùa tới không thuê nữa”, ông Dũng chia sẻ với tờ báo là cơ quan ngôn luận của VFF.
Giới trọng tài nhìn nhau ngơ ngác nếu “dường như có vấn đề tư tưởng” mà đã bị hất nồi cơm đi như thế thì quả là làm trọng tài ở V.League như là đi trên dây.
Điều ngạc nhiên là khi lật lại trận đấu tuyển VN - SVHQ hồi tháng 11 thì cả trận đấu, trọng tài Dũng chỉ rút ra duy nhất… một thẻ vàng cho trung vệ Choi Kyu Baek khi vào bóng nguy hiểm với Mạc Hồng Quân.
Chắc Chủ tịch VFF “nhớ nhầm”, nhưng dẫu sao thì trọng tài Dũng đã bị “trảm”. Thậm chí khi nhận quyết định ấy, trọng tài Dũng chỉ viết được đúng hai chữ “quá sốc” trên trang facebook của mình.
Trọng tài vốn được ví như “vua sân cỏ”, nhưng ở giai đoạn này, nhiều người không thấy mình giống “vua”, ngược lại họ nghĩ mình là kẻ làm thuê cho BTC giải đấu, cao hơn là VFF. Giới trọng tài, ai cũng nhớ đến “nghi án” tiêu cực 100 triệu trong trận Thanh Hóa - HAGL (mùa giải 2013). Cả tổ trọng tài cũng bị nghe “dường như có vấn đề”, thế là họ bị “cất kho”, ngay cả khi cơ quan công an kết luận là không có cơ sở trọng tài tiêu cực. Từ chỗ “làm vua” ở V.League, những trọng tài như Hải Dương, Mạnh Hà đã phải xuống tận giải… phong trào để điều khiển các trận đấu.
Long đong phận… trọng tài
Làm trọng tài ở V.League giờ đây nhiều áp lực, giờ vào sân là mong “Ơn giời, cậu tha rồi” thì cũng còn may là được… nâng chế độ. Thông tin từ VPF (đơn vị chi trả chế độ cho trọng tài) ở mùa giải 2015, tất cả các trọng tài thuộc danh sách làm nhiệm vụ sẽ nhận được những khoản tiền hỗ trợ, coi như mức lương cố định trong tháng.
Cụ thể, đối với những trọng tài nằm trong danh sách tại V.League 2015, nếu không làm nhiệm vụ sẽ được VPF hỗ trợ 1 triệu đồng/1 vòng đấu. Còn đối với trợ lý sẽ là 700.000 đồng/1 vòng đấu. Tại giải hạng Nhất, mức hỗ trợ của VPF sẽ là 700.000 đồng/1 vòng đấu với trọng tài chính và 400.000 đồng/1 vòng đấu với trợ lý trọng tài.
Bên cạnh đó, VFF cũng quy định nếu bị kỷ luật hoặc “hình như có vấn đề tư tưởng” sẽ bị cắt toàn bộ số tiền hỗ trợ trong khoảng thời gian kỷ luật. Về chế độ, VPF vẫn đảm bảo trọng tài chính sẽ nhận 6 triệu đồng/1 trận đấu và trợ lý là 4 triệu đồng/1 trận đấu. Ở giải hạng Nhất, trọng tài chính làm nhiệm vụ nhận 4 triệu đồng/1 trận đấu, trợ lý trọng tài sẽ là 3 triệu đồng.
Nhưng, nếu chỉ “sảy còi”, “sảy cờ” là trọng tài sẽ… ăn đủ. Điều 58 Quy định kỷ luật của VFF ghi: “Trọng tài mắc lỗi nhận định làm ảnh hưởng đến chuyên môn trận đấu, tùy từng trường hợp cụ thể và mức độ vi phạm sẽ bị khiển trách và có thể bị đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất một trận và bị phạt tiền tối thiểu 3.000.000 đồng. Trọng tài điều khiển trận đấu không khách quan, thiếu trung thực làm ảnh hưởng đến chuyên môn trận đấu thì tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền 10.000.000 đồng hoặc/và có thể bị đình chỉ làm nhiệm vụ có thời hạn hoặc đến hết giải”.
Thoạt nhìn, có vẻ như thưởng phạt khá phân minh. Trọng tài làm tốt, sẽ có “quà”, tức là mức thu nhập sẽ khoảng 25 triệu (bao gồm cả khoản cứng hỗ trợ). Ngược lại, sẽ bị phạt tiền.
Song chính những người cầm cân nảy mực ở V.League lại đang thấy rất nhiều áp lực, nhất là từ những nhận định cảm tính, vội vàng từ phía lãnh đạo chóp bu VFF, khiến cái gông “có vấn đề tư tưởng” có thể “rơi” vào cổ họ bất kỳ lúc nào.
Theo Lao động