Bầu Đức cho biết nếu giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA (hoặc có thể mở rộng hơn nữa là AFC – PV), thì Công Phượng đương nhiên được về khoác áo đội tuyển, không cần phải bàn cãi.
Nhưng hỡi ôi, các giải đấu hiện được người hâm mộ bóng đá Việt Nam quan tâm nhất, là đích đến quan trọng nhất của các đội tuyển Việt Nam trong từng năm, cụ thể là AFF Cup và SEA Games đều không nằm trong hệ thống của FIFA.
Lý do cực kỳ đơn giản, FIFA không quản lý, cũng không thừa nhận tư cách thành viên với các liên đoàn cấp khu vực. Liên đoàn bóng đá thể giới chỉ công nhận tư cách thành viên đối với các liên đoàn cấp châu lục (AFC) và cấp quốc gia (VFF). Mà FIFA đã không công nhận tư cách thành viên của AFF, tức là các giải đấu do AFF tổ chức hoặc phối hợp tổ chức như AFF Cup và SEA Games cũng đương nhiên không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA.
Chẳng biết sau khi sang Nhật, Công Phượng có thể thoải mái tập trung các đội tuyển như lúc còn đá bóng ở trong nước hay không? |
Thành ra, trong năm 2016, đặt trường hợp Công Phượng và Tuấn Anh vẫn còn hợp đồng với các CLB Mito Hollyhock (Công Phượng) và Yokohama FC (Tuấn Anh) đến tận tháng 11 (thời điểm bắt đầu AFF Cup 2016), thì 2 cầu thủ này phải xin phép CLB chủ quản nếu muốn về khoác áo đội tuyển. Vì AFF Cup nằm ngoài hệ thống thi đấu của FIFA, nên các CLB chuyên nghiệp có quyền không trả người có đội tuyển Việt Nam xung quanh giải đấu ấy.
Riêng trường hợp của Xuân Trường, do hợp đồng của anh với Incheon (Hàn Quốc) có thời hạn 2 năm, nên ngoài AFF Cup 2016, đội bóng của Hàn Quốc cũng có quyền không cần “nhả” Xuân Trường cho đội tuyển U23 Việt Nam trước SEA Games 2017, trong trường hợp Xuân Trường được gọi lên tuyển.
Một vấn đề khác nằm ở chỗ, phương thức tập trung của các đội tuyển Việt Nam không giống như các đội tuyển bóng đá trên toàn thế giới. Các đội tuyển trên toàn thế giới chỉ tập trung khoảng 1 tuần, hoặc có khi chỉ 3 - 4 ngày trước các trận đấu trong khuôn khổ các giải đấu thuộc hệ thống của FIFA. Ở chiều ngược lại, FIFA cũng chỉ quy định các CLB có nghĩa vụ trả người cho đội tuyển quốc gia trong vòng bán kính 1 tuần trước các trận đấu vòng loại World Cup, Asian Cup hoặc Euro.
Trong khi đó, các đội tuyển bóng đá Việt Nam lại thường tập trung trước cả tháng, thậm chí 1,5 – 2 tháng trước các giải đấu. Có nghĩa là nếu các CLB chuyên nghiệp ở Nhật, Hàn Quốc làm gắt, họ cũng không cần phải “nhả” những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường quá sớm, họ chỉ cần làm đúng theo luật FIFA, tức là nhả cầu thủ trong vòng bán kính 1 tuần xung quanh các giải đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam, hoặc đội tuyển U23 Việt Nam.
Đấy là vấn đề mà người ta chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, xung quanh thắc mắc rằng khi sang Nhật, Công Phượng nói riêng và các cầu thủ khác thuộc HA Gia Lai nói chung có đạt được thỏa thuận với đội bóng mới, về chuyện trở về nước khoác áo các đội tuyển quốc gia hay không? Hoặc các bên cứ việc theo đúng thông lệ FIFA mà làm, tức là quên đi chuyện đá bóng ở AFF Cup hay SEA Games nếu vẫn còn hợp đồng với các đội bóng nước ngoài?
Dĩ nhiên, đó là tính trong trường hợp những Công Phượng, Tuấn Anh, hay Xuân Trường thường xuyên được đá chính ở Mito Hollyhock, Yokohama FC hoặc Incheon United, là trụ cột không thể thay thế, đến mức các đội bóng ấy không thể tùy tiện trả họ cho các đội tuyển. Còn trong trường hợp ngược lại, nếu các cầu thủ nói trên chỉ đóng vai phụ ở đội bóng mới, thì các CLB của Nhật và Hàn Quốc có khi cũng không cần làm gắt trong vấn đề này, để “nhả” họ cho các đội tuyển Việt Nam lúc nào mà chẳng được!
Theo Dân Trí