Xem đội tuyển thời Miura khiến đa phần những người yêu bóng đá cảm thấy nghẹn thở và đau đớn. Tất cả những lý do ấy dẫn đến kết cục chia tay giữa ông với VFF. Không thể khác.
Tuy nhiên, xét cho cùng thì ông Miura có lỗi gì? Chả lỗi gì cả. Ông ấy chỉ làm hết quyền hạn cho phép của một HLV trưởng. Tức là, ông Miura hoạch định đội tuyển Việt Nam theo cách hiểu của mình, theo tư duy của mình và cả sự phó thác không mảy may đóng góp của VFF.
Ông Miura theo đuổi đến cuối cùng triết lý và cách dùng người của mình. Nhưng ông ta cô đơn trong vòng xoáy am hiểu chưa chuẩn về bóng đá Việt Nam, mà điều đó lại khiến phần đông phẫn nộ.
Cái tốt của ông Miura là tận tâm đến phút cuối cùng, ngay cả khi VFF bỏ mặc ông giữa muôn vàn "gươm giáo" ở chiến trường Qatar. Ông thầy Nhật vẫn miệt mài làm việc, không dùng lời biện hộ, không nịnh nọt gỡ tội. Thế nên, đối với chúng ta, HLV Miura vẫn cứ là một người bạn chân thành.
Xét về mặt con người, ông Miura là người có văn hóa và đáng trọng. Hôm ông chia tay, người ta thấy rõ những dòng tâm sự thống thiết của cầu thủ dưới quyền ông. Họ tiếc, họ buồn, họ ấm ức. Rõ ràng, ông ta đã làm được ít nhiều cho bóng đá Việt Nam. Chỉ tiếc là cách VFF sa thải ông không như sự niềm nở mà họ tiếp đón lúc ký hợp đồng. Chỉ bằng điện thoại, e-mail, tin nhắn và truyền thông, ông Miura đã không còn tại vị. Nhiều người tưởng, sau cú trảm kiểu VFF, ông Miura sẽ xách vali lên và đi ngay vì lòng tự trọng.
Nhưng không, ông ấy vẫn nán lại chia tay các cộng sự, nán lại thăm thú Việt Nam như một cách đi tìm kỷ niệm cuối cùng. Thậm chí, ông còn mỉm cười thật hiền trong ngày nhận… kỷ niệm chương vì sự đóng góp cho bóng đá Việt Nam!
Vấn đề then chốt là khi HLV Miura bị sa thải, người ta không còn quá bức xúc với đội tuyển nữa. Ông thầy Nhật trở thành là tấm lá chắn hữu hiệu cho làn sóng căng thẳng nhắm vào VFF, mà cụ thể là những người ra quyết định thuê ông.
Cho nên, từ vụ sa thải HLV Miura, người ta lờ mờ nhận ra một sự thật: HLV Nguyễn Hữu Thắng hay bất cứ ai ngồi vào ghế HLV trưởng cũng không quan trọng. Quan trọng là VFF sẽ thay đổi thế nào và ứng xử ra sao, nhất là khi thất bại?
HLV Hữu Thắng chắc hẳn ý thức được cả niềm vinh dự lẫn đe dọa khi nhận lời từ VFF. Nhưng có thể, những đe dọa sẽ bị phủ kín bởi thuyết khách ngọt ngào từ VFF, những người đang buộc phải tìm người ngồi vào ghế nóng khi nhiệm vụ của đội tuyển đã đến rất gần.
VFF phải cam kết bảo vệ ông trong mọi hoàn cảnh, từ việc lựa chọn nhân sự cho đến các phương án ngắn hạn và dài hạn. Hữu Thắng “được” thất bại bao nhiêu trận, được sử dụng quỹ thời gian bao lâu để tái thiết đội tuyển? Đấy là câu hỏi có lẽ, không chỉ của riêng HLV Hữu Thắng. Vì biết đâu, chỉ trong vòng vài nốt nhạc, khi đội tuyển không như ý, họ lại gọi ông lên và gợi ý từ chức?
Việc VFF chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với ông Miura là bài học quý báu cho HLV Nguyễn Hữu Thắng. |
Trong quá khứ, HLV Hoàng Văn Phúc đã "dính chưởng" theo cách hủy hoại từ ông chủ tịch Lê Hùng Dũng. Chỉ một trận đấu không ưng cái bụng sếp trưởng, tướng Phúc bị gán tội tiêu cực và đẩy lên khán đài không thương tiếc. Sau đó, vì sức ép từ dư luận và chính các cầu thủ trong đội, ông chủ tịch mới xoa dịu tình hình bằng các bao biện mà chỉ ông Phúc hiền lành mới chịu làm tiếp. Câu chuyện đó, hẳn những người làm nghề có cá tính và nhạy cảm như Hữu Thắng chưa quên.
Cho nên, giờ này quá sớm để nói cựu trung vệ SLNA sẽ thành công với nhiệm vụ cấp Tuyển, bất chấp ông đã thuyết phục được số đông khi cầm quân ở CLB. Nó phụ thuộc phần lớn vào thái độ của VFF!
Theo Zing