HLV Hoàng Anh Tuấn cũng có lúc bị chỉ trích. Đấy là khoảng thời gian ông Tuấn không thể đưa U19 Việt Nam vào chung kết giải U19 Đông Nam Á năm ngoái.
Nhưng đến khi HLV Hoàng Anh Tuấn thành công tại giải U19 châu Á, giúp U19 Việt Nam vào bán kết giải đấu này, đồng thời giành luôn suất dự VCK World Cup U20 năm nay, mọi thứ đảo ngược, chính những người từng chỉ trích HLV Hoàng Anh Tuấn ở giải Đông Nam Á quay lại khen ông (người từng chê mà còn như vậy, dĩ nhiên số khán giả trung lập khen HLV Hoàng Anh Tuấn thì không kể hết).
Tức là, rốt cuộc thì thành tích vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong bóng đá, là thước đo đầu tiên để người ta đánh giá năng lực của các nhà cầm quân. Đấy cũng là tiêu chí chung trong thể thao đỉnh cao: Thể thao là để ganh đua, và thể thao khác với thể dục ở chỗ thể thao không thể tách rời chuyện thành tích, nếu thành tích đấy được đua tranh một cách trong sáng và sòng phẳng.
HLV Hoàng Anh Tuấn (bìa trái) quan trọng đích đến chứ không quá chú tâm vào đường đến đích |
Sau thành công ở giải châu Á năm ngoái, HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết giải Đông Nam Á trước đó chỉ là bước đệm cho sân chơi châu lục. Người ta lập tức đồng tình với lập luận này của ông Tuấn, thậm chí còn khen HLV Hoàng Anh Tuấn biết nhìn xa, trông rộng, biết chọn điểm rơi tại giải đấu.
HLV Hoàng Anh Tuấn có thức thời hay không là chuyện hạ hội phân giải. Chí có điều có thể thấy ngay rằng ông Tuấn đang chứng minh quan điểm thành tích cuối cùng mới là quan trọng nhất, chứ không phải là cách thức bước đi trên chặng đường đến đích.
Ông Tuấn cũng chưa bao giờ bó buộc đội tuyển U19 rồi U20 của ông phải chơi theo một lối mòn nhất định, mà cách chơi sẽ tuỳ thuộc vào đối thủ, và diễn biến trận đấu.
HLV Nguyễn Hữu Thắng thì ngược lại, ông Thắng rất quan trọng cách thức hướng đến chiến thắng. Các đội tuyển quốc gia dưới triều đại của HLV Nguyễn Hữu Thắng kiểu gì cũng phải đá đẹp, đá ban bật nhuyễn, nhỏ.
HLV Nguyễn Hữu Thắng (trái) thích đá đẹp nhưng lại chưa tạo được thành tích ấn tượng từ lối đá đấy |
Mỗi HLV có một phong cách cầm quân và một triết lý huấn luyện. Chỉ có điều phong cách của HLV Hữu Thắng chưa mang lại thành công, nên triết lý của HLV Nguyễn Hữu Thắng chưa thuyết phục được phần đông người hâm mộ và giới chuyên môn.
Rồi hoá ra, việc HLV Hoàng Anh Tuấn thành công trong thời gian gần đây, giúp U20 Việt Nam gây tiếng vang tại World Cup U20 chứng minh một điều rằng không phải ai cũng khoái cái quan điểm “đá đẹp có thua cũng sướng”, vốn có thời nổi đình nổi đám trong bóng đá nội.
Hoá ra, vẫn còn rất đông người hâm mộ khác quan tâm đến thành tích, quan tâm đến chuyện các đội bóng Việt Nam làm được gì, đi đến đấu ở các giải đấu lớn, chứ không quan trọng những đội bóng vừa nêu đến đấy bằng cách nào. Vì nói cho cùng thành tích vẫn là yếu tố giúp cho người ta dễ tự hào nhất.
Người ta dễ tự hào về chuyện bóng đá Việt Nam lần đầu có đại diện tham dự một VCK World Cup (đối với sân cỏ 11 người), với chuyện lần đầu cả Đông Nam Á giành điểm tại World Cup U20, hơn là mãi theo đuổi những điều mang tính trừu tượng đá đẹp hay không đẹp, nhưng kết quả là thất bại.
Về mặt này thì các HLV Hoàng Anh Tuấn và Miura làm được, rồi để lại dấu ấn, còn HLV Nguyễn Hữu Thắng thì chưa, vì ông Thắng chưa có thành tích gì nổi bật.
Cái đích cuối cùng dành cho HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn còn ở phía trước, đấy là chiến dịch SEA Games lần 29 vào tháng 8 năm nay. Từ kinh nghiệm của HLV Miura và HLV Hoàng Anh Tuấn, chắc chắn một điều rằng dư luận nói chung sẽ không quan tâm đến chuyện đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng đá như thế nào tại giải đấy? Có đẹp hay không? Cũng không quan trọng ông Thắng sử dụng lực lượng cầu thủ như thế nào? Mà sau cùng, người ta chỉ quan tâm đến chuyện ông Thắng thành hay bại, trước khi quyết định tương lai của ông này trong vai trò HLV các đội tuyển!
Theo Dân Trí