Alvaro Morata tưởng như sẽ kiểm tra y tế tại Old Trafford, giờ bị Real hét giá tới gần 80 triệu bảng. Inter Milan thà không bán Perisic cho MU chứ quyết không mất người nếu chưa nhận đủ 50 triệu bảng. Và Fabinho gần như sẽ được thỏa ước mơ chơi bóng cho MU, trước khi Paris Saint Germain nhảy vào và chuẩn bị cho anh này một ước mơ mới.
Từ một viễn cảnh rất đẹp khi sở hữu đội hình trong mơ, giờ đây Manchester United và Mourinho lại đứng trước nỗi lo không có được những con người mình cần. Nếu điều này vẫn tiếp diễn khi mùa giải bắt đầu, cổ động viên MU nên chuẩn bị tinh thần đội bóng nằm ngoài top 4 là vừa.
Nguyên nhân bởi huấn luyện viên của họ. Mourinho thường có thói quen phải mua thêm những ngôi sao để thành công, và thường là ở mùa giải thứ 2 khi ông làm việc tại một đội bóng. Đơn giản là vì khi đã có mùa giải đầu tiên không thành công, “Người đặc biệt” biết phải làm gì, mua ai để giành chiến thắng.
Thực tế chứng minh chỉ cần đội bóng mua đúng những người Mourinho cần, ông chắc chắn thành công. Inter mua về Pandev, Sneijder và sát thủ Milito cho Mourinho, họ có cú ăn 3 lịch sử. Real Madrid tuy không mua sắm rầm rộ ở mùa thứ 2 của “Người đặc biệt” nhưng trước đó Perez cũng đã chiều lòng Mourinho khi tậu về hàng loạt hảo thủ như Ozil, Khedira, Di Maria và Ricardo Carvalho. Thành quả là Real lật đổ thế thống trị của Barcelona khi vô địch với hơn 100 điểm.
Mourinho cần những cầu thủ đã có tên tuổi như Sneijder. |
Chelsea nhiệm kì 2 của “Người đặc biệt” cũng vậy. Ông đưa về chân chuyền Fabregas, tiền đạo Diego Costa và trước đó là Matic từ kì chuyển nhượng mùa đông. Chelsea năm đó vô địch thuyết phục thế nào, ai cũng đã rõ.
Nói vậy để thấy, chỉ cần được mua về những cái tên ưng ý, Mourinho sẽ đem về danh hiệu. Điều này phản ánh phong cách của chính vị HLV này: ăn xổi. Tức là Mourinho muốn những cầu thủ đã thành danh, để có thể thành công ngay. Bằng không, ông sẽ khó làm được gì với những con người cũ, đã cùng ông đi qua một mùa bóng có thể coi là thất bại nếu tính ở đấu trường quốc nội.
Chính vì vậy, MU ngay lập tức bổ sung những cái tên mà Mourinho cần. Hơn nữa, việc cứ chuyển nhượng là thành công biến nhà cầm quân người Bồ Đào Nha trở thành một trong những HLV mát tay và có con mắt nhìn người chuẩn xác nhất châu Âu hiện nay. Rất ít bản hợp đồng được Mourinho mua về mà trở nên thất bại.
Tuy nhiên, với MU thì mọi thứ vẫn ở thì tương lai, với một tiền đạo biết ghi chừng 20 bàn mỗi mùa như Morata, một cầu thủ chạy cánh theo phong cách ưa thích của Mourinho là Perisic hay những máy quét Matic và Fabinho. Đơn giản bởi những đội bóng chủ quản biết khách hàng là MU, đang rất khát danh hiệu và rất cần người nếu không muốn nói là buộc phải mua người. Vậy tại sao không ép giá?
Hơn nữa, các đội bóng biết MU rất giàu có. Do vậy, MU bị đặt vào tình thế cứ ra chợ là bị “chặt chém”. Điều này đã xảy ra từ nhiều năm nay kể từ khi Sir Alex giải nghệ. Nhưng có lẽ, Mourinho và MU vẫn sẽ chi thật đậm để sở hữu những cái tên họ cần.
Đơn giản bởi một đội bóng nếu muốn tìm lại vinh quang quá khứ hoặc muốn vươn tầm thì chỉ còn cách chi rất nhiều tiền. Real Madrid khi bắt đầu nhiệm kì 2 của Perez đã vung tiền tấn, và bị hàng loạt đội bóng ép giá trong đó có chính MU. Đội chủ sân Old Trafford năm đó (2009) đã bán Ronaldo cho Real nhưng chỉ khi nào nhận được mức giá kỉ lục thế giới là 80 triệu bảng, dù CR7 khi đó chỉ được định giá dưới 60 triệu bảng. Chưa kể năm đó, Real còn đưa về Kaka với giá 56 triệu bảng, dù giá trị thực của anh cũng “chỉ” xoay quanh mức giá 40 triệu bảng (theo Transfermarkt)
Tuy vậy, đó là mùa giải cuối cùng người ta thấy Real vung nhiều tiền như thế (227 triệu bảng, cũng theo Transfermarkt) và bị nhiều đội bóng làm giá tới vậy. Nguyên nhân là bởi những mùa giải sau, Real đã dần dần ổn định với bộ khung rất mạnh và không còn phải cắn răng chi quá nhiều tiền mua cầu thủ nữa. Thay vào đó họ thực hiện chính sách mỗi năm mua một ngôi sao và dù vẫn phải trả nhiều tiền, nhưng Real cũng không bị rơi vào tình thế ngặt nghèo như MU.
Real phải chi tiền tấn cho Ronaldo nhưng đã thu về quá nhiều từ anh trong 7 mùa giải gần đây. |
"Kền kền trắng" không còn ở tình trạng buộc phải mua người như MU bây giờ. Họ bước vào thị trường chuyển nhượng với tâm thế muốn mua người, nhưng không phải bằng mọi giá và nếu không được thì có thể chuyển hướng mục tiêu khác. Các đội bóng do vậy cũng chẳng thể ép giá Real “mãnh liệt” như trước. Những Bale, James Rodriguez hay Isco dù là sao số nhưng Real không quá khó khăn để đưa họ về.
Về trường hợp của MU, tại sao đến nay đội chủ sân Old Trafford vẫn bị các đội bóng ép giá dù đã bắt đầu quá trình “rải tiền” từ năm 2014. Tuy vậy, những bản hợp đồng của MU thường tỏ ra kém hiệu quả, và “Quỷ đỏ” suốt nhiều năm nay vẫn chưa có được sự ổn định như những gì Real đã làm được.
Nếu như Real khi ấy đã xác định được bộ khung với những Ramos, Alonso, Ronaldo thì MU trong vài năm trở lại đây vẫn không có một bộ khung nào như thế. Không ai biết trung vệ số 1 của “Quỷ đỏ” là ai, tiền vệ số 1 là ai (đến nay, có thể coi đây là Pogba) và chân sút hàng đầu là ai?
Những bản hợp đồng đắt giá được MU đưa về mùa hè năm 2014, phần lớn đều là nỗi thất vọng. |
Chính vì thế, nhiệm vụ cũng như mục tiêu hàng đầu của Mourinho hiện nay là làm cho MU có một bộ khung như thế, một bộ khung vững chắc để MU có thể chinh chiến nhiều mùa giải sau và biến đội chủ sân Old Trafford thành một đội bóng mạnh. Có được điều đó, MU sẽ trở lại sự ổn định như Real bây giờ và thậm chí như chính họ của thời Alex Ferguson. Và khi đạt được sự ổn định ấy, các đội bóng khác sẽ khó có thể ép giá cầu thủ khi MU cần mua người.
Đương nhiên, để hoàn thành kế hoạch ấy MU sẽ phải chịu cảnh ép giá và tốn rất nhiều tiền. Nhưng ai cũng biết MU giàu thế nào, và giám đốc Ed Woodward nổi tiếng với tài “xé hợp đồng” ra sao. Do vậy, đã giàu thì sao phải ngại giá?
Theo Zing