|
Trong trường hợp thành công, như HLV Mauricio Pochettino ở Tottenham, đội bóng phải lo mời chào bản hợp đồng mới khi hợp đồng cũ còn chưa đáo hạn. Và dĩ nhiên, phải tăng lương trong trường hợp ấy. Pochettino giỏi thật. Nhưng thành công của ông sẽ luôn ổn định, trong ít nhất 4 mùa sắp tới? Bạn cứ mặc sức dự đoán. Với Pochettino thì điều quan trọng là bản hợp đồng của ông (mức lương 5,5 triệu bảng/năm - nằm trong Top 10 thế giới) đã được gia hạn đến năm 2021.
Thoạt nghe, có vẻ giới chủ CLB ở Premier League điên hết, hoặc họ không biết phải làm gì với sự giàu có. Nhưng trên thực tế, chỉ thấy Premier League ngày càng bỏ xa các giải đấu khác về mức độ giàu có. Điên mà để trở nên giàu hơn, một cách ổn định, chỉ sợ muốn điên như Premier League cũng chẳng được.
So sánh có hơi khập khiễng, nhưng ở mức độ nào đó giải Premier League của Nga và Super League của Trung Quốc cũng đều nổi tiếng về sự giàu có, về sức chi tiền. Nhưng các giải này đâu có phát triển chút nào - về chuyên môn cũng như khả năng sinh lãi từ chính sự giàu có.
Lui tới cũng chỉ là nguồn tiền “vô đối” của giới tài trợ, bỏ ra mà không có khả năng thu lại bằng con đường bóng đá. Còn nếu đồng tiền chi ra ở Trung Quốc và Nga đem lại cho giới tài trợ những lợi ích bí ẩn khác thì xin miễn bàn - đấy không còn là chuyện bóng đá, hoặc kinh doanh bóng đá nữa.
Ở Italia, đa số các đội trung bình trả lương cho nhà cầm quân không cao. Trong đa số trường hợp, “HLV mới” thật ra chỉ là một trong những người bước ra từ ngay nội bộ đội bóng. Họ đều làm nghề huấn luyện, với các cương vị khác nhau, và khi cần thì họ thay thế lẫn nhau. Nội trong năm 2016, đội Palermo dùng đến... 8 HLV khác nhau, nhưng không hề thâm hụt ngân sách vì khoản chi lương cho HLV. Nhưng tóm lại, cách ấy cũng chẳng dẫn tới kết quả tốt đẹp.
Ở Đức, người ta chủ trương bán vé giá rẻ để lôi kéo khán giả đến sân. Các trận đấu thuộc Bundesliga (và cả Bundesliga II - giải hạng Nhì của Đức) khi nào cũng đông nghẹt khán giả. Lập luận: khi một khán giả đến sân thì anh ta không chỉ chi tiền mua vé, mà còn ăn uống hoặc mua sản phẩm phụ mang hình ảnh CLB.
Cách này “độc” đến mức đã có một bộ phận cổ động viên Anh mua vé nguyên mùa ở Đức. Tính ra, chi phí đi lại, ăn ở, xem bóng đá và cổ vũ đội Dortmund ở Đức mỗi kỳ cuối tuần vẫn rẻ hơn chi phí để họ cổ vũ tại chỗ cho một đội bóng Anh. Nhưng tóm lại, Bundesliga cũng đâu nổi tiếng về sự giàu có!
Bóng đá Anh vốn không nổi tiếng về đẳng cấp chuyên môn, và đây không chỉ là kết luận của hiện tại. Xưa nay, quê hương bóng đá chỉ mới đăng quang một lần ở các giải đấu quan trọng - chức vô địch World Cup 1966, cách nay đã hơn nửa thế kỷ. Nhưng, càng mờ nhạt về đẳng cấp chuyên môn, càng phải thấy rõ cái hay của người Anh trong việc phát triển môn chơi mà họ nghĩ ra.
Thế giới cứ việc bắt chước cái “điên” của Premier League, nhưng chỉ e bắt chước... không giống. Tìm con đường khác, lại cũng chẳng hơn con đường phát triển kỳ lạ của Premier League. Chưa có nơi nào dám... cấm truyền hình trực tiếp bóng đá vào mỗi chiều thứ Bảy, như điều mà nước Anh đã làm hàng chục năm nay. Bỏ qua vấn đề thành tích, bóng đá Anh luôn là “duy ngã độc tôn”.
Theo BongdaPlus