Trên CNBC, Andrew Zimbalist - Giáo sư Kinh tế tại Đại học Smith cho biết: “Họ đã chi 13 tỷ USD và sẽ thu về khoảng 2,5 tỷ USD. Cách duy nhất để khắc phục sự mất cân đối khủng khiếp này là kỳ vọng trong dài hạn, Olympic sẽ kích thích du lịch, thương mại và đầu tư nước ngoài”.
Tuy vậy, không nhiều thành phố đăng cai Olympic Mùa Đông làm được điều đó. Pyeongchang mới chỉ bán được khoảng 60% số vé. Cách lựa chọn địa điểm tổ chức cũng là một vấn đề.
Công nhân đang hoàn thiện một sân vận động phục vụ Olympic ở Pyeongchang. Ảnh: AFP |
“Kể cả khi có đường sắt cao tốc, Pyeongchang cũng cách Seoul gần 2 giờ di chuyển. Đây đúng là một vấn đề, vì họ đã phải chi tới 13 tỷ USD để xây nhà cửa, cơ sở hạ tầng kết nối với Seoul”, ông nói, “Trừ phi có rất nhiều người thường xuyên qua lại giữa hai thành phố này, nếu không, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là không hợp lý. Gần như toàn bộ việc xây dựng đường sá, địa điểm thi đấu đều không hợp lý”.
Trước đó, Olympic mùa Hè 1988 tại Seoul (Hàn Quốc) là một trong các sự kiện thể thao thành công nhất từng được tổ chức trên thế giới. Trong giai đoạn 1981 - 1988, số người có việc làm của Hàn Quốc đã tăng lên hơn 300.000, thu nhập cả nước thêm 12,4% và GDP bình quân đầu người tăng từ 2.300 USD lên 6.300 USD. Tăng trưởng ấn tượng sau sự kiện này đã đưa Hàn Quốc vào nhóm các nước công nghiệp mới (NIC).
Dù vậy, Zimbalist cho rằng mọi chuyện giờ đã khác rất nhiều, và ông không mấy lạc quan về lợi ích kinh tế của kỳ Olympic lần này. Giới chuyên gia đã nghiên cứu về tác động của các Olympic hàng thập kỷ nay, và việc tổ chức sự kiện thường khiến nước chủ nhà thâm hụt, từ đó làm gánh nặng nợ càng thêm lớn.
Nếu trừ chi phí cho các địa điểm chuyên dụng, tiền tổ chức sự kiện, đặc biệt là an ninh, nguồn thu từ Olympic hay du lịch rất khó bù đắp. Ví dụ điển hình nhất là Olympic Athens 2004. Nó đã để lại cho Hy Lạp khoản thâm hụt ngân sách gấp hai lần giới hạn của eurozone và nợ công cao nhất Liên minh châu Âu (EU). Đến nay, quốc gia này vẫn còn chật vật sau gần 10 năm khủng hoảng.
Theo VNE