Nỗi buồn từ trận thua ngược 2-3 trước Iraq phải gác lại sau lưng, bởi thầy trò HLV Park Hang Seo chuẩn bị đương đầu với đối thủ còn lợi hại hơn nhiều ở bảng D, đó là Iran. Không cần phải nói nhiều về sức mạnh của thầy trò HLV Carlos Queiroz, khi Iran từng khiến cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha phải vô cùng chật vật ở World Cup 2018.
Đội bóng có biệt danh là "Team Melli" cũng đứng ở hàng ngũ đệ tứ anh hào châu lục với thành tích đáng nể ở vòng loại World Cup: bất bại và giữ sạch lưới 9/10 trận. Trước đội bóng công thủ toàn diện và cực lợi hại trong những tình huống đấu tay đôi, tuyển Việt Nam cần đối phó thế nào để hy vọng có điểm?
Iran là đối thủ quá mạnh. |
Hạn chế phạm lỗi nguy hiểm
Nhiều người bàn luận về sai sót của Văn Lâm trong quả đá phạt cuối trận của Ali Adnan, song phải thừa nhận: nếu Văn Lâm có lỗi 1, thì Hồng Duy - tác giả của pha phạm lỗi nguy hiểm phải chịu trách nhiệm 5, 6 lần. 3/4 bàn thua của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018 đến từ các pha bóng cố định. "Phòng cháy" hơn "chữa cháy", tức phải hạn chế phạm lỗi dẫn đến các pha bóng cố định ở vị trí nguy hiểm, thay vì chỉ tập trung tập luyện để chống được nó.
Đối diện với những đối thủ Tây Á có cái chân khéo léo và sút bóng uy lực, nhiều khi phạm lỗi rồi, có cố chống thế nào cũng không được. Quả đá phạt của Ali Adnan là ví dụ. Muốn không bị sút phạt thủng lưới, tốt hơn hết là đừng để đối phương có cơ hội đá phạt.
Tuyển Việt Nam cần hạn chế phạm lỗi nguy hiểm. |
Cũng như Iraq, Iran có nhiều chân sút phạt lợi hại, đủ sức làm rung lưới Văn Lâm ở bất cứ thời điểm nào như Jahanbakash - ngôi sao đang chơi bóng cho Brighton & Hove Albion hay Sardar Azmoun - tiền đạo sinh năm 1995 thuộc biên chế Rubin Kazan (Nga). Ban huấn luyện cần căn dặn kỹ cầu thủ cách khóa chặt đối phương ở những vị trí nguy hiểm.
Cầu thủ Việt Nam thua Iran ở thể hình, sức mạnh, nên nhiều khi bị đẩy vào thế khó ở các pha 1 đối 1. Tư duy phạm lỗi cũng "ăn vào máu" nhiều cầu thủ khi chơi tại V-League, nên muốn giải quyết vấn đề không thể đợi ngày một ngày hai. Các cầu thủ Iran cũng thừa tinh quái để câu kéo các quả đá phạt, nên muốn đứng vững, không còn cách nào khác, toàn đội phải giữ được sự tỉnh táo và bọc lót cho nhau thật tốt.
Tập trung, tập trung, tập trung
Tuyển Việt Nam đã chơi rất tốt trước Iraq, điều đó không thể phủ nhận, nhưng Quang Hải cùng các đồng đội chỉ đá hay trước đối thủ trong hiệp 1. Bước sang hiệp 2, khi đối thủ thực hiện điều chỉnh và gây sức ép mạnh ở hai biên, tuyển Việt Nam đã bộc lộ sai lầm. 15 phút cuối, các học trò của HLV Park Hang Seo dù nỗ lực lên bóng với số lượng lớn, song cũng không thể tổ chức các pha phản công bài bản như trong hiệp 1.
Duy trì sự tập trung trong cả trận đấu là thách thức lớn. |
Chiến lược gia người Hàn Quốc luôn yêu cầu toàn đội giữ sự tập trung. Đá Asian Cup mà không tập trung 200% thì coi như cầm chắc phần thua. Trong khi tuyển Việt Nam có đội hình trẻ nhất giải, Iran hay Iraq lại sở hữu không ít cái tên dày dạn kinh nghiệm, sẵn sàng tung đòn trừng phạt khi đối phương có sơ hở. Do đó, việc duy trì nền tảng thể lực ổn định trong suốt cả trận là yếu tố tiên quyết.
Cự ly đội hình cũng cần được duy trì để tổ chức phòng ngự cũng như phản công nhanh. Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, tuyển Việt Nam sẽ khó đá trước Iran, bởi "cố thủ" cũng không thể ngăn được nguy cơ thủng lưới. Bài học từ Yemen (thua Iran 0-5) vẫn còn rất rõ. Đội bóng của HLV Carlos Queiroz có thừa "bài" để xuyên phá hàng thủ Việt Nam, do các cầu thủ tấn công Iran có cả sức mạnh, tốc độ, kỹ thuật, khả năng càn lướt và phối hợp tuyệt vời.
Khóa chặt hai biên
Bóng bổng vẫn sẽ là vũ khí của Iran, giống như Iraq. Sở hữu đội hình với chiều cao trung bình tốt nhất giải (1m84), Jahanbakash cùng các đồng đội luôn chiếm thế thượng phong trong các pha tranh chấp trên không. Nếu liên tục đặt các trung vệ Việt Nam vào thế 1 đối 1 trên không, mành lưới Văn Lâm rung lên chỉ là vấn đề thời gian.
Iran có chiều cao trung bình tốt nhất giải. |
Nhìn lại trận đấu với Iraq, tuyển Việt Nam đã phòng ngự biên tuyệt vời trong 45 phút đầu tiên, song các hậu vệ là không đứng vững được trong 45 phút sau đó. Khi HLV Srecko Katanec tung Humam Faraj vào sân, cánh trái của tuyển Việt Nam trở thành "bình địa" để đối thủ khoan phá. Trong bối cảnh Trọng Hoàng và Duy Mạnh đã nhận thẻ vàng, Iraq liên tục khai thác điểm yếu này và thực hiện những quả tạt cầu âu có điểm rơi tốt. Bàn thua thứ hai đến khi Mohanad Ali đánh bại cầu thủ Việt Nam trong pha không chiến, tạo điều kiện để Humam Faraj sút tung lưới Văn Lâm.
Hồng Duy, Tiến Dũng đều là những hậu vệ có chiều cao không tốt, đặt cạnh những "gã khổng lồ" Iran không chiến còn giỏi hơn Iraq thực sự chênh lệch. Do đó, tuyển Việt Nam cần có cấu trúc đội hình hợp lý, ngăn chặn và bọc lót để ngăn các quả tạt từ hai biên, đồng thời phòng ngự trong vòng 16m50 với số lượng đông hơn để hỗ trợ cho các trung vệ. Thủ môn Văn Lâm cũng cần thể hiện vai trò chỉ huy hàng thủ và ra vào hợp lý để giảm áp lực cho các đồng đội phía trên.
HLV Queiroz biến Iran trở thành đội bóng tấn công biến hóa và đa dạng. |
Giữ vững niềm tin
Có điểm trước Iran là điều cực kỳ khó khăn, nhưng toàn đội phải có niềm tin. Nói như chuyên gia Vũ Mạnh Hải thì trong bóng đá, chẳng điều gì có thể nói trước. Có ai nghĩ tuyển Việt Nam ghi tới hai bàn vào lưới Iraq trong hiệp 1 hay Turkmenistan tối qua khiến Nhật Bản phải rất vất vả? Vốn dĩ trong bóng đá, điều bất ngờ luôn xảy ra.
Quan trọng là tuyển Việt Nam phải có hy vọng và chiến đấu cật lực vì hy vọng đó, thay vì nghĩ tới trận gặp Yemen ngay từ lúc này. Màn trình diễn quật cường của các đội "cửa dưới" như Ấn Độ, Kyrgyzstan, Turkmenistan hay cả Philippines sẽ tạo cảm hứng cho tuyển Việt Nam.
Khó, rất khó. Song các học trò của HLV Park Hang Seo từng làm được nhiều điều kỳ diệu, khó khăn gì để chúng ta không đặt niềm tin một lần nữa?
Theo VTC