Sau chấn thương hồi 2018, Tuấn Anh đứng trước nguy cơ giã từ sự nghiệp khi mới 23 tuổi. Song, tiền vệ sinh năm 1995 đã có quá trình hồi phục thần kỳ để trở thành tiền vệ trung tâm hàng đầu Việt Nam hiện nay.
|
Tuấn Anh là chấm phá khác biệt ở đội tuyển Việt Nam nhờ lối chơi đầy tài hoa nhưng cũng không ngại va chạm khi cần thiết. |
Vòng 2 V.League 2018, Tuấn Anh ra sân ở trận HAGL làm khách trước Hải Phòng trong sự chờ đợi xen lẫn phần lớn sự hồi hộp của người hâm mộ. Tiền vệ tài hoa người Thái Bình mang trong mình "bộ sưu tập chấn thương" từ cấp độ đội tuyển trẻ.
3 năm lứa cầu thủ khóa một HAGL được đôn lên chơi tại V.League, Tuấn Anh ra sân rất ít lần và luôn xuất hiện với hai chiếc đầu gối băng kín. 22 tuổi, Tuấn Anh phải phẫu thuật cả hai đầu gối với những chấn thương đe dọa trực tiếp tới sự nghiệp của bất cứ cầu thủ chuyên nghiệp nào trên thế giới.
Sau 22 phút có mặt trên sân Lạch Tray ngày 17/3/2018, Tuấn Anh va chạm với đồng đội trong nỗ lực phòng ngự. Anh lập tức được cáng rời sân và đưa đi thăm khám tại bệnh viện 108 ngay trong đêm. Kết quả là bác sĩ chẩn đoán tiền vệ này bị đa chấn thương như rạn sụn lồi cầu ngoài khớp gối phải, phù nề dây chằng chéo trước, phù nề trước sụn chêm ngoài, tổn thương gân cơ kheo.
Khi mới 17 tuổi, Tuấn Anh được HLV Wenger giới thiệu thử việc tại CLB Olympiacos của Hy Lạp. Song, trước ngày lên đường, tiền vệ tài hoa này bị đứt dây chằng chéo trước đầu gối trái và lỡ luôn cơ hội ở trời Âu.
6 năm sau đó, Tuấn Anh "Nhô" làm bạn với nạng, các bài tập phục hồi nhiều hơn sân bóng. Tổng cộng, Tuấn Anh gặp 12 chấn thương các loại, từ những chấn thương ở mức độ vừa như cơ lưng, cơ đùi, gân khoeo cho đến những chấn thương rất nghiêm trọng như dây chằng đầu gối hay sụn chêm.
Trước khi có được chỗ đứng nhất định trong đội hình của HLV Park, Tuấn Anh phải vật lộn với chấn thương và từng đứng trước nguy cơ giải nghệ. |
Với tiền sử chấn thương hành hạ ở cả hai chân, Tuấn Anh từng đứng trước nguy cơ giã từ sự nghiệp. Những câu chuyện truyền tai bên lề kể lại ông Nguyễn Văn Dung - bố đẻ Tuấn Anh - từng khuyên con mình giải nghệ khi chứng kiến cậu con trai vật lộn với chấn thương suốt thời gian dài. "Một lần này nữa thôi, nếu không được con sẽ giải nghệ", Tuấn Anh đáp lời.
Một tháng sau chấn thương trên tại vòng 2 V.League 2018, Tuấn Anh được đưa sang Hàn Quốc chữa trị chấn thương. Song, anh không trở về Việt Nam sau ca tiểu phẫu dây chằng bị giãn của mình mà ở lại phục hồi cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn đọng từ những chấn thương trước đây.
Quá trình này khiến "Nhô" không thể góp mặt ở phần còn lại của V.League 2018. Anh cũng không thể tham dự AFF Cup năm đó, nơi đội tuyển Việt Nam lên ngôi sau 10 năm chờ đợi.
Tháng 5/2019, Tuấn Anh được triệu tập chuẩn bị King's Cup trên đất Thái Lan cùng đội tuyển Thái Lan. Ngay ở trận ra quân gặp chủ nhà Thái Lan tại. Anh cùng Đỗ Hùng Dũng tạo thành bộ đôi tiền vệ trung tâm của tuyển Việt Nam.
Sự xuất hiện của Tuấn Anh đem theo sự hồi hộp cùng bao lo lắng như cách đó hơn một năm trên sân Lạch Tray. Dẫu biết rằng anh đang chơi tốt tại V.League, nhưng ở một trận đấu cấp độ đội tuyển quốc gia, trước đối thủ đầy duyên nợ lại là câu chuyện rất khác.
Tuấn Anh bây giờ không cần phải ra sân với hai đầu gối băng kín do những chấn thương đầu gối trong quá khứ. Ảnh: Minh Chiến. |
Trước hàng tiền vệ vừa kỹ thuật nhưng cũng sẵn sàng chơi rắn của "Voi chiến" như Thitipan Puangchan, tiền vệ thi đấu tại J.League, Tuấn Anh mạnh mẽ và uyển chuyển. Tiền vệ HAGL đá gần hết cả trận, không mắc sai lầm nghiêm trọng nào. Anh tinh tế, mạnh mẽ và mang tới luồng gió mới cho tuyến giữa tuyển Việt Nam.
Liên tục những đợt tập trung về sau, Tuấn Anh trở thành cái tên không thể thiếu trong thành phần đội tuyển Việt Nam. Không những vậy, "Nhô" còn dần chiếm suất đá chính bên cạnh Đỗ Hùng Dũng. Trước đó, HLV Park Hang-seo luân phiên thử nghiệm Lương Xuân Trường, Phạm Đức Huy, Nguyễn Huy Hùng đá cặp cùng tiền vệ của CLB Hà Nội, nhưng không có phương án nào thực sự nổi trội.
Nhìn lại hành trình trước khi Tuấn Anh góp mặt, đội tuyển Việt Nam có tỷ lệ chiến thắng 40% ở Asian Cup 2019. 5 trận đấu, HLV Park thay đổi cặp tiền vệ trung tâm 4 lần. Sau khi cặp tiền vệ Tuấn Anh - Hùng Dũng được xây dựng, tuyển Việt Nam thắng 4/5 trận tại vòng loại World Cup. Trận duy nhất Tuấn Anh không ra sân là cuộc đối đầu Indonesia.
Tới V.League 2020, Tuấn Anh được trao chiếc băng đội trưởng và tiền vệ quê Thái Bình thể hiện rõ tầm ảnh hưởng ở đội bóng phố núi. Trước Viettel được thi đấu trên sân nhà, Tuấn Anh đá chính cùng Châu Ngọc Quang trong sơ đồ 3-4-3 thiên về phòng ngự - phản công của HLV Lee Tae-hoon.
HAGL dẫn trước 2-0 ngay trong hiệp 1. Tới phút 68, tiền vệ sinh năm 1995 được rút ra nghỉ, nhường chỗ cho Nguyễn Văn Anh. Thuyền trưởng người Hàn Quốc giải thích: "Tuấn Anh chưa có trạng thái tốt nhất, chưa đủ thể lực để chơi hết trận. Theo tính toán của ban huấn luyện, chúng tôi cho Tuấn Anh ra nghỉ sớm".
Kết quả, chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút cuối trận, HAGL thủng lưới liền 3 bàn vẫn với lối chơi phòng ngự lùi sâu. Cầu thủ đội bóng phố núi quên mất Tuấn Anh đã không còn đứng trên sân.
Ngoài cabin kỹ thuật, ban huấn luyện HAGL liên tục nhắc nhở vị trí của các tiền vệ, yêu cầu họ không lùi quá sâu. Bàn thua thứ 2 của đội khách xuất phát từ pha dứt điểm thoải mái của Hoàng Đức ngay trước vòng cấm, nơi mà lẽ ra Tuấn Anh sẽ xuất hiện để đánh chặn từ xa.
Sau trận đấu, HLV Lee Tae-hoon không cho rằng sự thiếu vắng Tuấn Anh là nguyên nhân khiến đội bóng của ông thủng lưới liên tiếp. Theo nhà cầm quân này, đội hình lùi sâu và tâm lý bảo toàn chiến thắng chính là vấn đề. Dù vậy, nhìn những gì diễn ra trên sân, có thể hiểu vai trò của Tuấn Anh quan trọng tới đâu trong lối chơi của HAGL với tấm băng đội trưởng trên tay.
V.League 2020 cùng các giải đấu quốc tế đang tạm nghỉ. Đây sẽ là thời cơ thuận lợi để Tuấn Anh lấy lại 100% thể lực. Khi đó, khả năng và vai trò của tiền vệ tài hoa này sẽ được phát huy tối đa và hứa hẹn tương lai với cả HAGL lẫn đội tuyển Việt Nam.
Theo Zing