Tương lai nào cho Đoàn Văn Hậu ở Hà Lan?

Thứ hai, 17/02/2020, 12:40
Giải vô địch quốc gia Hà Lan Eredivisie còn 11 vòng, nhưng cơ hội vào sân của hậu vệ đội tuyển Việt Nam Đoàn Văn Hậu ngày càng mờ mịt.

Văn Hậu chưa được trao cơ hội không hẳn là do chuyên môn kém. Hàng thủ Heerenveen chơi không tồi ở mùa này, với 34 bàn thua qua 23 trận - nhiều hơn chỉ một bàn so với đội đứng thứ ba là Feyenoord. Họ cũng đang ở vị trí tương đối an toàn. Đứng thứ 10 trong 18 đội, Heereveen nhiều hơn bảy điểm so với đội phải đá play-off xuống hạng nhưng cũng chỉ kém đội được đá play-off dự Europa League sáu điểm. Chính vì vậy, điều HLV Johnny Jensen bận tâm từ nay đến cuối mùa chỉ là hiệu quả ở hàng công, để cải thiện thứ hạng, và vì thế, sẽ khó có sự thay đổi ở hàng phòng ngự.

Nhưng, cho dù là lý do nào, chuyến đi sang châu Âu của Đoàn Văn Hậu, nếu chưa được xem là thất bại thì vẫn là một hành trình sai hướng.

Văn Hậu sang Hà Lan hơn nửa năm, nhưng chỉ ra sân ở các trận thuộc cấp độ trẻ, Cup Quốc gia và giao hữu, chứ chưa được đá chính trận nào tại giải VĐQG Hà Lan

Với những người đưa Văn Hậu sang Hà Lan, cũng như với những ai yêu mến anh, có thể lạc quan nói rằng "không bổ ngang thì cũng bổ dọc". Hà Lan là một trong những lò luyện lừng danh, và là bước đệm cho các tài năng trẻ ở bóng đá châu Âu. Tư duy huấn luyện và các điều kiện dành cho cầu thủ trẻ ở đó chắc chắn bổ ích với cá nhân Văn Hậu. Thực tế, sau hơn nửa năm sang Hà Lan, những chuyến trở về làm nghĩa vụ quốc gia của Văn Hậu đều rất đạt yêu cầu. Những thay đổi đáng kể về thể hình, sự già-rơ trong thi đấu, chắc chắc có tác động từ nỗ lực tìm vị trí chính thức ở Heerenveen.

Nhưng sẽ chẳng nói làm gì nếu đây chỉ là một chuyến "du học". Với tài năng, thể chất và tuổi trẻ, Văn Hậu mang sứ mệnh của một người tiên phong trong giới cầu thủ Việt Nam, đến châu Âu thi đấu theo đường chính ngạch, tìm chỗ đứng ở nơi mọi tài năng trên khắp thế giới đều mong muốn và mọi nền bóng đá bé nhỏ cũng đều thấy tự hào khi cầu thủ của họ được chấp nhận. Vì vậy, vấn đề của Văn Hậu là phải được vào sân, đá vài trận chính thức. Bản chất bản hợp đồng của Văn Hậu với Heerenveen là "mượn" kèm điều khoản mua đứt. Nếu anh không được thể hiện, thì CLB sẽ "mua đứt" bằng cách nào? Nếu Heerenveen không mua, liệu có đội bóng nào ở châu Âu có cùng đẳng cấp sẽ mua Văn Hậu, khi bản lý lịch năng lực thi đấu tại châu Âu của anh chỉ là con số 0, chưa kể điểm trừ vì "không được Heerenveen sử dụng".

Nếu quyết tâm ở lại châu Âu để khẳng định bản thân, có lẽ Văn Hậu cũng sẽ tìm được bến đỗ mới. Nhưng nhiều khả năng đội bóng đó sẽ ở một nền bóng đá thấp hơn Hà Lan rất nhiều. Và câu hỏi đặt ra: Nếu vậy, cất công sang châu Âu làm gì?

Cơ sở để bầu Hiển của Hà Nội FC cho Văn Hậu ra đi là muốn tài năng người Thái Bình có cơ hội phát triển ở đẳng cấp cao hơn. Một khi xác định "chiếc áo V-League" đã chật chội với Văn Hậu, thì chẳng ai đưa cầu thủ mình đi "du học" với mục đích quay về đá ở V-League cả.

Dù không muốn so sánh, vẫn phải nhìn sang cách làm của bóng đá Thái Lan trong việc đưa cầu thủ ra nước ngoài. Mới đây, hai cầu thủ của họ là thủ thành Kawin Thamsatchanan và tiền đạo Teerasil Dangda trở thành các cầu thủ Thái Lan thứ tư, thứ năm khoác áo các CLB J-League 1. Thành công của Chanathip đã trở thành một biểu tượng, mở toang cánh cửa đi vào "thị trường" Nhật Bản cho các cầu thủ Thái Lan. Nhưng trên thực tế, Chanathip chỉ là trái ngọt của cả một quá trình, với hơn 20 cầu thủ Thái Lan đã và đang sang Nhật Bản thi đấu dưới nhiều cấp độ.

Nếu xem "xuất khẩu cầu thủ" là một ngành kinh doanh, việc xác định thị trường, tìm các nhà môi giới thương mại và xây dựng chất lượng phù hợp là những yếu tố quan trọng luôn cần một tầm nhìn chiến lược để hướng đến mục đích cuối cùng là "sản phẩm" sẽ được chấp nhận. Hơn 10 năm trước, Thái Lan đã chọn Nhật Bản làm mô hình để học hỏi, khởi đầu bằng thuê dài hạn một Giám đốc Kỹ thuật người Nhật Bản, ưu tiên chọn mua cầu thủ Nhật Bản cho Thai-League và tiến hành các cuộc trao đổi nhân sự, kể cả các bản hợp đồng mang yếu tố thương mại. Ngay cả khi các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào bóng đá châu Âu, có đủ khả năng để "ký gửi" những cầu thủ nước nhà ở đó - như trường hợp của Dangda đến Man City mùa 2007-2008, họ vẫn kiên trì con đường sang Nhật Bản.

Bất kỳ hoạt động chuyển nhượng nào cũng phải xuất phát từ năng lực thi đấu trên sân, nghĩa là yếu tố "vào sân thường xuyên" phải được đặt lên hàng đầu. Vai trò của các mối quan hệ, hay tài năng của người đại diện chỉ giúp ích trong việc thương thảo một bản hợp đồng tốt. Cầu thủ Thái Lan không phải không muốn được chơi bóng ở châu Âu, nhưng để tiếp cận được đẳng cấp ấy, việc vào sân thường xuyên tại J-League có đẳng cấp tiệm cận châu Âu, là lựa chọn thông minh. Nếu phải thực hiện một thương vụ cầu thủ châu Á, các tuyển trách viên châu Âu sẽ luôn nhìn đến giải J-League và K-League đầu tiên. Điều đó bảo đảm cả yếu tố chuyên môn lẫn mục tiêu chinh phục thị trường đông dân nhất hành tinh. Nên thật khó tin rằng một đội bóng đến từ Hà Lan lại quan tâm đến bóng đá Việt Nam, ngoại trừ đó là sự quan tâm mang yếu tố thương mại hoặc có mối quan hệ nào đó nằm ngoài bóng đá.

Hãy thử tưởng tượng việc Văn Hậu khởi đầu cuộc hành trình tuần tự từ Thai-League, sang J-League hoặc K-League và được chơi bóng thường xuyên. Một ngày đẹp trời, người đại diện của anh sẽ nhận được một cuộc gọi từ châu Âu và chính CLB Nhật Bản hoặc Hàn Quốc mà Văn Hậu đang khoác áo sẽ là nơi bảo đảm cho anh có một cuộc đàm phán hợp đồng đầy giá trị. Bởi, chuyển nhượng Văn Hậu với giá cao cũng là lợi ích của họ. Nhưng lộ trình ấy không tồn tại.

Giờ đây, cơ hội chơi bóng của Văn Hậu tại châu Âu là con số 0. Về V-League để thi đấu không phải là lựa chọn thông minh khi môi trường của giải đấu số một Việt Nam không có gì tốt hơn lúc Văn Hậu ra đi. Nhưng anh sẽ đi đâu khi kết thúc hợp đồng với Heerenveen? Nơi nào mới thực sự phù hợp?... Hy vọng, bầu Hiển lẫn người đại diện của Văn Hậu sẽ không nôn nóng ở lần quyết định kế tiếp.

Theo VNE

Các tin cũ hơn