"Chúng tôi đang tăng tốc chuẩn bị trong bối cảnh sự kiện chỉ còn cách 177 ngày, với nhiệm vụ kiên quyết kiềm chế chủng virus corona mới (nCoV) nếu không muốn phải hối tiếc", thị trưởng Tokyo Yuriko Koike phát biểu hôm 29/1. "Tôi sẽ làm hết sức, phối hợp chặt chẽ với mọi người nhằm khắc phục vấn đề mới này".
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 3/2 cũng khẳng định chính phủ sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với tất cả nhóm liên quan, bao gồm Ủy ban Thế vận hội Quốc tế (IOC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhằm tiến hành những bước thích hợp và đảm bảo không để nCoV ảnh hưởng đến Olympic mùa hè năm nay.
Bộ trưởng Olympic Nhật Bản Seiko Hashimoto cho biết ban tổ chức không có kế hoạch hủy sự kiện dự kiến khai mạc vào ngày 24/7 này. Trước đó, một tờ báo của Đức dẫn các nguồn tin tiết lộ Olympic có khả năng bị hủy. Mặc dù bà Koike cũng đã bác bỏ thông tin này, nhiều người vẫn lo lắng về mức độ an toàn của sự kiện.
Người dân chụp ảnh trước biểu tượng của Olympic tại Tokyo, Nhật Bản hôm 29/1. (Ảnh: AP). |
Một loạt câu hỏi được đặt ra, như mối đe dọa với các khán giả khi ngồi cùng đông đảo người xa lạ giữa sân vận động chật kín, trong khi nCoV lây lan rất nhanh, hoặc không khí sự kiện sẽ thế nào nếu các nhà thi đấu toàn những người đeo khẩu trang, và liệu Olympic có thể diễn ra mà không có khán giả từ Trung Quốc hay không.
Khi dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát hồi năm 2002-2003, cũng do một chủng virus corona gây ra với những triệu chứng tương tự dịch viêm phổi cấp lần này, các nhà chức trách mất khoảng 6 tháng để kiềm chế dịch. Trong khi chưa đầy 6 tháng nữa Olympic sẽ khai mạc, số ca nhiễm nCoV đã hơn 31.000 người cùng hơn 600 người chết, vượt quá con số trong dịch SARS.
Nhật Bản hiện có hơn 60 ca nhiễm nCoV, trong đó đa số là người Trung Quốc từ Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh. Thủ tướng Abe quyết định nâng mức cảnh báo về căn bệnh truyền nhiễm lên cấp độ 2, kêu gọi công dân tránh những chuyến đi không cấp thiết đến Trung Quốc và hủy toàn bộ kế hoạch tại tỉnh Hồ Bắc.
Virus corona cũng gây gián đoạn các sự kiện thể thao tại Trung Quốc, bao gồm một số vòng loại Olympic, khiến chúng phải chuyển sang những nước khác. Giải vô địch điền kinh thế giới trong nhà, dự kiến tổ chức ở Nam Kinh vào tháng 3, bị hoãn một năm, trong khi giải trượt tuyết thế giới tại Bắc Kinh bị hủy bỏ. Tuy nhiên, việc chuyển địa điểm hoặc trì hoãn sự kiện lớn như Olympic gần như bất khả thi.
Giới chức Nhật Bản cho biết họ đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch trong trường hợp dịch bệnh chưa bị đẩy lùi. "Bệnh truyền nhiễm luôn là vấn đề nghiêm trọng", một quan chức giấu tên cho hay, gợi nhắc những lo ngại trước đây về virus Zika trước thềm Olympic mùa hè 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil, hay sự bùng phát norovirus, loại virus gây tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng, giữa lúc Olympic mùa đông 2018 đang diễn ra ở Pyeongchang, Hàn Quốc. "Vì vậy, chúng tôi vẫn cảnh giác".
Các nước có bệnh nhân nhiễm virus corona. |
Nhật Bản vẫn còn một niềm hy vọng, đó là các loại bệnh về phổi thường không tồn tại và khó lây lan trong mùa hè. "Chủng virus corona có xu hướng theo mùa. Mọi người từng lo sợ lây nhiễm virus Zika hồi Olympic năm 2016, nhưng điều đó không xảy ra", Ikuo Tsunoda, giáo sư về vi sinh tại Đại học Kindai ở Nhật Bản, cho hay.
Một số người phản bác lập luận này, bởi mọi virus đều khác nhau và vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng về chủng nCoV. Yuen Kwok-yung, chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Hong Kong - Thâm Quyến, cho biết các virus đường hô hấp từng nhiều lần biến mất khi nhiệt độ tăng lên, nhưng họ không chắc nCoV có tương tự hay không.
Không có ca bệnh nào do virus Zika liên quan tới Olympic ở Rio de Janeiro. Hơn 200 người bị chẩn đoán nhiễm norovirus ở Pyeongchang chủ yếu là nhân viên an ninh và hỗ trợ sự kiện, chỉ có hai người trong số đó là vận động viên. Virus cúm lợn H1N1 cũng từng gây hoang mang trước thềm Olympic mùa đông ở Vancouver, Canada hồi năm 2010, nhưng không gây gián đoạn sự kiện.
IOC nhấn mạnh các biện pháp chống lây lan virus là một phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị của Tokyo. "Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 sẽ tiếp tục phối hợp với tất cả bên liên quan, theo dõi cẩn thận phạm vi các bệnh truyền nhiễm, đồng thời xem xét tất cả biện pháp ứng phó có thể cần thiết. Ngoài ra, IOC đang liên lạc với WHO, cũng như các chuyên gia y tế riêng", IOC cho hay.
Theo Koji Wada, giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế ở Tokyo, có lẽ không đủ thời gian để phát triển một loại vắc-xin ngăn ngừa nCoV, nhưng các biện pháp phòng tránh khác có thể được vạch ra dựa trên những phân tích về cách virus lây lan.
"Việc đó đòi hỏi sự hợp tác từ cả vận động viên và khán giả, nhưng chúng ta nên hành động nhằm hướng tới mục tiêu tổ chức một kỳ Olympic an toàn", Wada cho hay, nói thêm rằng biện pháp có thể bao gồm đo nhiệt độ những người đi vào các địa điểm thi đấu.
Hitoshi Oshitani, giáo sư virus học tại Đại học Y khoa Tohoku, cho biết vẫn còn quá sớm để biết nCoV sẽ tồn tại bao lâu, nhưng ông đánh giá đây là tình huống đáng lo ngại. "Chúng tôi thậm chí có thể thấy một đợt bùng phát khác giữa Olympic, nên phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho khả năng này".
Nhật Bản đang dốc sức chuẩn bị cho Olympic, thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể, đồng thời giữ vững niềm tin. Ban tổ chức đã bán 4,5 triệu vé xem các môn thi đấu cho cư dân Nhật Bản, nhưng nhu cầu quá cao, lên tới 80 triệu yêu cầu đặt vé.
Theo VNE