Mùa giải 2020, Fabio Lopez được bổ nhiệm làm HLV trưởng CLB Thanh Hóa thay thế Mai Xuân Hợp. Sở hữu hồ sơ ấn tượng khi từng làm việc tại AS Roma, Atalanta và Fiorentina, chiến lược gia người Italy được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo đội bóng xứ Thanh sau một mùa giải thi đấu bết bát.
Trả lời phóng viên Zing.vn, vị HLV này chia sẻ về những ấn tượng đầu tiên với đất nước, con người Việt Nam. Ông cũng thẳng thắn nhận xét, chỉ ra những điểm yếu mà cầu thủ Việt Nam cần khắc phục nếu muốn tiến xa hơn trong tương lai.
|
HLV Lopez có bằng Pro của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) và nhận nhiều kỳ vọng của ban lãnh đạo CLB Thanh Hóa. Ảnh: Thế Anh. |
- Lý do gì khiến ông quyết định nhận lời tới Việt Nam làm việc?
- Tôi yêu bóng đá và luôn muốn có những trải nghiệm mới. Khi đó, tôi cũng đang là HLV tự do. Bởi vậy, khi CLB Thanh Hóa ngỏ lời, tôi quyết định đồng ý và bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình tại Việt Nam.
- Ấn tượng đầu tiên của ông về đất nước, con người Việt Nam là gì?
- Tôi từng làm việc tại nhiều quốc gia châu Á như Indonesia, Malaysia hay Bangladesh. Tuy nhiên, tôi thực sự ngạc nhiên khi tới Việt Nam. Đất nước các bạn rất đẹp, còn con người Việt Nam luôn lịch sự, thân thiện và ấm áp.
- Vậy còn các cầu thủ Việt Nam thì sao?
- Thật khó để đánh giá bởi bất cứ quốc gia nào cũng sở hữu những cầu thủ tốt. Với tôi, chất lượng của cầu thủ Việt Nam không tệ. Tuy nhiên, vấn đề của họ nằm ở kiến thức và kỷ luật chiến thuật.
Họ cần chuẩn bị, tư duy cũng như duy trì nhận thức chiến thuật trước và trong mỗi trận đấu. Đây là điều không dễ thay đổi, và cầu thủ cần thêm thời gian. Còn với các học viện, họ nên bổ sung, dạy chiến thuật cho cầu thủ trẻ nhằm xây dựng thế hệ cầu thủ tốt hơn cho bóng đá Việt Nam.
HLV Lopez cùng trợ lý Orofino Salvatore còn rất nhiều điều phải làm để cải thiện thành tích của CLB Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Linh. |
- Trước khi tới Việt Nam, ông từng làm việc tại Malaysia và Indonesia. Ông đánh giá như nào về cầu thủ Việt Nam so với cầu thủ tại các quốc gia này?
- Không chỉ Việt Nam, Indonesia hay Malaysia, tôi nghĩ cầu thủ bản địa ở Đông Nam Á sở hữu những tố chất tương đồng. Tại Việt Nam, lứa cầu thủ mới của các bạn rất nhanh và sở hữu thể hình tốt hơn trước.
Tuy nhiên, như đã nói, nhận thức chiến thuật vẫn là vấn đề lớn nhất. Từ tư duy cá nhân, tư duy chơi bóng, phối hợp cùng đồng đội, rất khó để họ hiểu và áp dụng được hết. Nhiều cầu thủ thậm chí đã thi đấu 10 năm tại V.League nhưng vẫn không biết cách chạy chỗ như nào cho hợp lý.
- Ông đánh giá như nào về khả năng chuyển tới châu Âu chơi bóng của các cầu thủ Việt Nam?
- Cũng có thể, nhưng chỉ với những tài năng đặc biệt. Không phải thể chất hay kỹ năng chơi bóng, tinh thần mới là yếu tố quan trọng giúp cầu thủ chơi bóng được tại châu Âu. Tại Việt Nam, tôi cảm giác cầu thủ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho điều này.
Tuy nhiên, sẽ rất bổ ích nếu liên đoàn hay các đội bóng có thể giúp cầu thủ xuất ngoại sang châu Âu, dù chỉ là tập huấn, thử việc ngắn ngày. Tại đây, họ sẽ được trải nghiệm thứ bóng đá thực sự và ở đẳng cấp hoàn toàn khác biệt là như nào. Khi trở về, các cầu thủ sẽ có tâm thế và tư duy chơi bóng rất khác.
- Đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa môi trường bóng đá Việt Nam và châu Âu?
- Thật khó để so sánh, nó giống như so sánh giữa Spaghetti và Phở vậy. Việt Nam và châu Âu là 2 môi trường hoàn toàn khác biệt, từ văn hóa, tư duy, kiến thức tới cách huấn luyện. Ví dụ như tại Italy, chúng tôi bắt đầu nói về bóng đá và dạy chiến thuật cho cầu thủ trẻ từ khi mới 5 tuổi.
Mùa này, Việt Nam có 2 cầu thủ chơi bóng tại châu Âu. Tuy nhiên, để nói về lý do họ không thành công, có lẽ tôi không phải người phù hợp. Có thể đơn giản bởi họ chưa phát triển đủ tốt để trở thành những cầu thủ phù hợp tại đây. Nhiều cầu thủ Italy cũng không thành công khi thi đấu tại các môi trường bóng đá khác.
HLV Lopez thoải mái và không đặt nặng áp lực cho cầu thủ CLB Thanh Hóa ở mùa này. Ảnh: Thế Anh. |
- Trước ông, một HLV châu Âu khác là Marian Mihail đã thất bại tại CLB Thanh Hóa. Ông có lo lắng về khả năng thành công của mình tại Việt Nam không?
- Thành công hay không thành công, điều này còn phụ thuộc vào thực lực, kế hoạch và mục tiêu của đội bóng. Nếu đội bóng và HLV tuân theo kế hoạch có sẵn, quá trình thành công có thể sẽ lâu hơn.
Tôi biết ai cũng muốn giành thắng lợi, nhưng bạn không thể biến đội bóng thành cỗ máy chiến thắng chỉ sau 2 tháng, đặc biệt với những đội bóng hay những HLV bắt đầu từ con số 0.
Ví dụ như tại Juventus, họ luôn giành chiến thắng. Bạn tới và họ yêu cầu bạn phải giúp họ vô địch Champions League, đó mới là thành công. Tại CLB Thanh Hóa, bạn không thể yêu cầu tương tự như vậy.
- Vậy mục tiêu của ông cùng CLB Thanh Hóa ở mùa này là gì?
- CLB Thanh Hóa không phải Real Madrid, và tôi cũng không phải Jose Mourinho. Điều tốt nhất lúc này là đi theo kế hoạch tôi đã vạch sẵn. Tôi muốn xây dựng đội bóng dần trở nên mạnh hơn theo thời gian.
Hợp đồng của tôi với CLB Thanh Hóa có thời hạn 3 năm. Mùa giải này, tôi không muốn đặt nặng áp lực lên các cầu thủ. Chúng tôi sẽ cố gắng kết thúc mùa bóng với vị trí khả quan trên bảng xếp hạng.
Mục tiêu quan trọng nhất của tôi là xây dựng đội bóng phục vụ cho mùa giải 2021. Đó mới là mùa giải quan trọng, và chúng tôi sẽ cố gắng đạt được những thành tích tốt nhất.
- Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Theo Zing