- Ông đánh giá thế nào về tương quan bảng đấu của Việt Nam?
- Đầu tiên, tôi muốn chúc mừng HLV Park Hang-seo vì không phải đương đầu đội bóng quê hương Hàn Quốc như ước nguyện của ông ấy. Còn theo phân nhóm của Liên đoàn Bóng đá châu Á trước lễ bốc thăm, sẽ không có bảng quá mạnh hoặc bảng quá yếu. Các đội bóng đều tương đồng nên việc Việt Nam chung bảng với Oman, Trung Quốc, Saudi Arbia, Australia, Nhật Bản là chuyện bình thường.
Nếu xét thứ tự FIFA hoặc số lần dự World Cup, bảng B có phần nặng hơn. Vì ngoài Oman và Việt Nam, tất cả các đội còn lại đều từng góp mặt ở vòng chung kết World Cup. Nhưng đã vào đến đây, đội nào cũng vậy thôi, thầy trò Park phải nỗ lực hết sức, và cũng phải hy vọng vận may nữa.
Công Phượng và đồng đội sẽ tái ngộ Nhật Bản, đội từng thắng Việt Nam 1-0 ở tứ kết Asian Cup 2019. Ảnh: Đức Đồng.
- Ông nghĩ sao về cơ hội của Việt Nam?
- Chúng ta mơ, nhưng cũng phải thực tế. Trình độ các đội rõ ràng đều vượt trội Việt Nam. Có chăng, chúng ta hãy tập trung để thắng được những đối thủ có trình độ tiệm cận như Oman, Trung Quốc trên sân nhà để hy vọng không đứng cuối bảng. Đó là tiền đề để Việt Nam định vị chính xác bản thân và hướng đến World Cup 2026, nơi châu Á sẽ có 8,5 suất thay vì 4,5 suất như hiện tại.
Việt Nam đang có lứa cầu thủ tài năng nhất từ trước đến nay, cùng sự đầu tư, tạo điều kiện của VFF, tôi chờ đợi và hy vọng vòng loại lần này là bước đệm để chúng ta cạnh tranh vé cho World Cup 2026. Đa phần những cầu thủ hiện tại vẫn còn khả năng thi đấu đỉnh cao sau đây khoảng ba - bốn năm
- Vậy, việc lọt vào giai đoạn ba vòng loại World Cup có ý nghĩa thực tế thế nào với bóng đá Việt Nam?
- Trước hết, phải nói rằng đây là một dấu mốc lịch sử, là thành công lớn nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Tầm vóc của nó vượt qua chức vô địch AFF Cup, SEA Games hay chung kết U23 châu Á năm 2018. Từ đó, nó sẽ tạo ra hiệu ứng về mặt chính sách, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển cho các giải đấu, các CLB cũng như cầu thủ Việt Nam.
Không doanh nghiệp nào có thể bỏ hàng chục tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất cho một CLB, nếu không có những chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Hãy xem niềm vui mà bóng đá mang lại cho người dân. Nó rõ ràng vượt xa các môn thể thao khác. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hay Thủ tướng Phạm Minh Chính đều gửi thư chúc mừng, khen thưởng thầy trò Park Hang-seo trong quá trình vượt qua vòng loại thứ hai. Hy vọng từ những sự quan tâm đó, Việt Nam sẽ có chính sách đặc biệt cho bóng đá, tránh tình trạng để các doanh nghiệp phải tự bơi.
Tiếp đó, thông qua việc thi đấu ở vòng loại thứ ba, Việt Nam sẽ đánh giá được bản thân trên bản đồ bóng đá châu Á. Chúng ta đang sở hữu một thế hệ tài năng, có thể nói là tài năng nhất, mang về nhiều vinh quang nhất cho bóng đá Việt Nam. 10 trận đấu sắp tới, chúng ta sẽ biết được ngưỡng trình độ của thế hệ này ở đâu. Khi đó, chúng ta sẽ có những giải pháp để đầu tư cho những thế hệ tiếp theo, bồi đắp những gì đã có và bổ sung những mặt còn khiếm khuyết.
- Vị thế của bóng đá Việt Nam trong khu vực và quốc tế thì sao?
- Lúc này, có thể nói bóng đá Việt Nam đang được nhìn nhận là số một Đông Nam Á. Các đội mạnh ở khu vực châu Á cũng sẽ đánh giá Việt Nam bằng con mắt khác, buộc phải dành sự tôn trọng và thi đấu với chúng ta ở tâm thế khác. Nhưng không nên vì thế mà ảo tưởng. Chúng ta nhìn nhận tấm vé này là thành công với một đất nước còn nhiều khó khăn, tiềm lực kinh tế còn hạn chế. Thành công này mang lại niềm vui cho người dân. Nhưng đấy mới là vào giai đoạn vòng loại thứ ba chứ không phải vào World Cup.
Qua trận gặp UAE, có thể thấy thực lực Việt Nam ở đâu và phía trước còn nhiều đối thủ mạnh hơn nữa. Nên nhớ, Thái Lan từng không ghi được bàn nào ở vòng đấu này khi họ giành vé tham dự lần trước.
- Vậy theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị thế nào trong ngắn hạn, vì vòng loại thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 9?
- Đầu tiên là khả năng thích nghi. Ở vòng loại thứ ba, các đội sẽ thi đấu theo lịch của FIFA, tức là sẽ không có thời gian chuẩn bị dài như vừa qua. Các cầu thủ khi đó phải phục vụ CLB ở giải vô địch quốc gia và chỉ có thời gian ngắn tập trung cùng đội tuyển. Đây là điều bình thường với cầu thủ trên thế giới và cầu thủ Việt Nam cần học thói quen đó để tiến vào môi trường chuyên nghiệp.
Tiếp theo, khi đi vào chi tiết, có thể thấy Việt Nam cần phương án để khắc phục sự vắng mặt của Hùng Dũng và Tuấn Anh ở hàng tiền vệ. Khi hai cầu thủ này vắng mặt, khả năng phòng ngự ở giữa sân của Việt Nam kém hẳn. Xuân Trường và Quang Hải đều đá tốt. Nhưng ở trận gặp UAE, với ba cầu thủ ở giữa sân, đối thủ dễ dàng bóp nghẹt hàng tiền vệ của chúng ta. Do đó, cần có những sự đầu tư, hỗ trợ để Hùng Dũng và Tuấn Anh mau chóng hồi phục và kịp trở lại. Nếu không, HLV Park nên mạnh dạn sử dụng một số nhân tố trẻ - những người ông đã mang theo ở chuyến đi UAE lần này như Hai Long hay Lý Công Hoàng Anh.
Tôi biết HLV Park rất ý thức việc tìm kiếm những tài năng kế cận và giờ là lúc ông cần mạnh dạn để sử dụng họ. Khi được đá với các đối thủ giỏi, những cầu thủ trẻ này sẽ càng phát triển và họ sẽ tạo ra sự cạnh tranh, làm động lực từ bên trong cho đội tuyển.