Chương mới của bóng đá Việt Nam: Tiền không là vấn đề

Chủ nhật, 29/04/2012, 09:38
Ở thời buổi suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp lao đao tìm vốn thì gần như ngay lập tức, sau khi lấy được bản quyền truyền hình từ tay AVG, VPF đã huy động được mười doanh nghiệp đứng tên vào hội bảo trợ bóng đá Việt Nam. Ở mùa bóng đầu tiên, mỗi doanh nghiệp sẽ đóng góp 5 tỉ đồng.

Tin liên quan
>>
Gương mặt khác của VPF
>>Các ông lớn của DN Việt chen chân vào VPF

Đôi bên cùng có lợi

Như vậy VPF có thêm 50 tỉ đồng trong tay ngoài số tiền tài trợ hồi đầu mùa, số tiền vốn mà suốt thời gian VFF điều hành nền bóng đá Việt Nam chưa bao giờ dám nghĩ đến chứ đừng nói có đến.

Tất nhiên, chẳng ai cho không ai điều gì. VPF đã phải thương thảo với VTV, VTC, hai nơi có quyền lợi trong việc phân chia bản quyền truyền hình V-League, để mỗi trận đấu họ có được quyền khai thác ít nhất là 20 phút quảng cáo. Các nhãn hàng của những nhà bảo trợ sẽ được quảng cáo trong và sau trận đấu của giải V-League.

 

VPF đã huy động được 10 doanh nghiệp bảo trợ cho bóng đá Việt Nam

Thế nhưng, phải nhìn ra một điều rất quan trọng trong cách làm việc của VPF để thấy rằng nó không theo kiểu “chờ sung rụng” như VFF. Đó là chính những thành viên của VPF đã vạch ra được một bản kế hoạch đôi bên cùng có lợi để có thể thu hút nguồn tiền thay vì chờ các doanh nghiệp tự đến với bóng đá Việt Nam.

Có một thực tế, chính các đài truyền hình lớn như VTV, VTC đều đã từng thừa nhận rằng rất khó lấy quảng cáo cho giải bóng đá quốc nội. Suốt thời gian hoạt động vừa qua, AVG cũng đã chứng minh rằng điều ấy là đúng khi cứ phải móc túi để trang trải chi phí sản xuất.

Việc kêu gọi quảng cáo nếu làm theo cách thông thường, nghĩa là khi doanh nghiệp cần quảng bá sản phẩm mới tìm đến với truyền hình và ngược lại, khi doanh nghiệp tìm đến với truyền hình phía là nhà đài cứ thế mà áp giá thẳng thừng để tận thu.

VPF chọn cách làm cầu nối để đôi bên cùng có lợi. Mười nhà bảo trợ cho bóng vừa được tiếng thơm là đóng góp cho bóng đá Việt Nam, vừa thoả mãn nhu cầu quảng cáo trên truyền hình với “giá đặc biệt”.

Tất nhiên, phía nhà đài cũng có cái lợi khi chẳng phải loay hoay tìm kiếm khách hàng mà có sẵn một nguồn khách cố định nhiều người cũng biết rằng 20% khách quen sẽ tạo nên 80% lợi nhuận.

Làm sao để tiền hiệu quả

Số tiền gần cả trăm tỉ đồng thuộc về VPF, tất nhiên ngoài chuyện kiếm tiền thì tiêu tiền thế nào cũng là một điều được người hâm mộ quan tâm bởi nếu không, bóng đá chỉ là cỗ máy huy động vốn cho các ông bầu.

Hiện các ông bầu tham gia hội đồng quản trị công ty VPF đều từ chối nhận lương để chứng minh mình làm tất cả vì bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc những nhân sự còn lại của bộ máy VPF không tốn kém.

Ngoài ra, số tiền chi cho trọng tài, giám sát trận đấu từ đầu mùa đến giờ được coi là “khủng” nhất từ xưa đến nay khi mỗi tháng mức tiền dao động của các trọng tài nhận được từ 30 đến 50 triệu đồng.

Vào vòng 15 V-League khởi tranh lại sau giai đoạn nghỉ ngơi vào ngày 30.4 này, các trọng tài sẽ nhận được bộ tai nghe mà các trọng tài quốc tế đang sử dụng để hỗ trợ cho công việc.

Tiền thì đã chi cao, rất nhiều là khác nhưng sau 14 vòng đấu, V-League vẫn tồn tại những lùm xùm. Các trọng tài vẫn tiếp tục bị ca thán, trách móc thậm chí là bị kỷ luật. Buổi họp mới nhất trong tháng 4 này giữa các thành viên lãnh đạo đội bóng, đại diện VPF đã khẳng định vẫn còn những trò mèo như “chích” trọng tài diễn ra.

Như vậy, tiền nhiều không đồng nghĩa với việc giải đấu sẽ sạch như mong muốn “dùng tiền đọ tiền” mà các ông bầu nhắm đến. Hơn nữa, việc cánh tay nối dài của ban tổ chức – các giám sát trận đấu, giám sát trọng tài vẫn không thể hiện quan điểm rõ rệt của mình ở những trận đấu bị nghi ngờ.

Phương cách để làm sạch mùa giải đầu tiên do mình điều hành của VPF là nhờ đến cơ quan công an để giám sát. Ở khía cạnh nào đó, điều ấy chứng minh rằng VPF vẫn chưa thể tìm ra cách quản lý con người hiệu quả nhất như chính họ mong muốn.

Rõ ràng, sau khi VPF chiến thắng trong việc tranh bản quyền truyền hình, dẫu là kẻ đến sau, họ một lần nữa chứng minh kiếm tiền không là vấn đề với họ. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ điều hành thế nào để khác với thời VFF nhiều điều tiếng thì xem ra, chưa thấy rõ. Nhưng thôi, cứ tạm mừng vì có tiền trước thì việc gì mà chả thông.

Theo SGTT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn