Ludovic Casset (trái) chủ yếu chỉ được ngồi trên khán đài khi khoác áo Đà Nẵng - Ảnh: Bạch Dương
Từ chuyên môn
Như đã nói ở bài trước, mảnh đất V-League không phải là thiên đường đối với các cầu thủ Việt kiều, bất kể đó là ai và ở thời điểm nào, tính tới hiện tại.
Cách đây bảy mùa bóng, đội bóng đại gia Đà Nẵng đã đưa Ludovic Casset về V-League với rất nhiều hy vọng. Thế nhưng, ngay trong ngày ra mắt, màn trình diễn nghèo nàn của Mã Trí (tên Việt của cầu thủ người Pháp) chỉ nhận được cái lắc đầu và nụ cười nhếch mép của ông thầy Hải “lơ”.
Không thể vượt qua được phần ra mắt ấy, nhưng nhờ vào lãnh đạo đội bóng sông Hàn, Mã Trí vẫn được ở lại đội. Phải tới khi, HLV Lê Thụy Hải quyết định để cầu thủ này vào sân thi đấu trước hàng vạn khán giả nhà, ban lãnh đạo Đà Nẵng mới tin rằng cầu thủ người Pháp này… không biết đá bóng, và nhanh chóng bị thải hồi.
Hoặc mới đây nhất là Emil Lê Giang. Anh cũng thất bại ê chề khi trở về thử việc ở quê nội. Đánh giá về Emil, nhiều cầu thủ khẳng định đây là một đồng nghiệp có kỹ năng cơ bản, thế nhưng thể lực thì lại có vấn đề.
Để rồi, bất chấp những lời có cánh trước khi trở về, Emil cũng đành từ bỏ giấc mơ quay trở về đất mẹ chơi bóng với lý do thuộc về chuyên môn…
Lee Nguyễn (áo trắng) có tài nhưng cũng là một tay chơi - Ảnh: Bạch Dương
Đến những câu chuyện khác…
Không giống như những cầu thủ có cùng cội nguồn như mình, Lee Nguyễn lại thất bại bởi những điều nằm ngoài chuyên môn nhiều hơn. Như đã nói, cầu thủ người Mỹ này đã có những màn trình diễn trên sân vô cùng ấn tượng, tuy nhiên điều đó không thể kéo dài được lâu bởi lối sống… rất Mỹ của mình.
Nhiều người gần cầu thủ này kể rằng, Lee Nguyễn sống thoải mái tới mức gần như không có hàng rào kỷ luật nào có thể kìm được anh. Chơi đủ món, thế nên không ngạc nhiên khi càng về sau cầu thủ từng được gọi vào đội tuyển xứ cờ hoa… càng yếu.
Cộng thêm chấn thương khá nặng và không biết giữ gìn, sự nghiệp của Lee Nguyễn suýt nữa bị chôn vùi tại V-League, nếu như không bị Bình Dương thanh lý hợp đồng sớm để về Mỹ chữa trị và tìm lại chính mình.
Đó là về chuyện "chơi" dẫn tới đánh mất chính mình. Ngoài ra còn vô vàn lý do khác khiến nhiều cầu thủ Việt kiều về nước không thể tìm được việc, đó là chuyện lương bổng, chế độ hoặc thể hình.
Điển hình là Emil, ngoài việc không được bất cứ đội bóng nào để ý bởi nền thể lực kém, thì số tiền để bỏ ra cho cầu thủ người Slovakia cũng không phải là nhỏ.
Chưa kể, nếu đặt lên bàn cân về thể hình, sự hiệu quả với một cầu thủ ngoại (trong khi Emil cũng sẽ thi đấu như một ngoại binh), rõ ràng tất cả các HLV đều chọn phương án một cầu thủ đến từ châu Phi, châu Âu hơn là “thần đồng” được nhiều người tung hô...
Do vậy, việc các cầu thủ Việt kiều về nước thi đấu không thành công cũng là điều... dễ hiểu.
Theo TNO