Mou và Tito được trắng án - Ảnh: Getty
Mức án mà RFEF đưa ra được xem là “trò hề”, bởi nó quá nhẹ so với bình diện chung của châu Âu. Ngoài án kỷ luật trên, Mou và Tito chỉ phải nộp phạt 600 euro. Do để xảy ra sự cố đáng tiếc này, hai đội Real và Barca cũng nộp phạt tượng trương 180 và 90 euro.
“Trò hề” ấy giờ đây chính thức được hủy bỏ. Chủ tịch RFEF, Angel Maria Villar, vừa thông qua quyết định xóa án với những nhân vật có liên quan. Ngoài ra, những cầu thủ bị truất quyền thi đấu trong trận lượt về tại Camp Nou cũng được xóa án, gồm David Villa của Barca, Mesut Oezil và Marcelo của Real. Điều đó cũng có nghĩa tất cả đều được góp mặt ở hai lượt trận tranh Siêu Cúp vào tháng sau (22, 29/8).
Nhìn vào mức án kỷ luật ban đầu, Real rõ ràng có lợi hơn nhiều so với Barca khi quyết định xóa án được thông qua. Bởi vì, đội bóng Hoàng gia sẽ không có sự chỉ đạo của Mou trong cả hai lượt đấu, còn Oezil và Marcelo phải vắng mặt trận lượt đi trên sân Camp Nou. Những mất mát này là rất khó bù đắp.
Riêng Dani Benitez không được giảm án phạt treo giò 3 tháng, do dùng chai nước ném trọng tài.
Chiêu bài của Villar
Trước khi quyết định của Chủ tịch Villar được thông qua, phía Barca - với đại diện Chủ tịch Sandro Rosell và người phát ngôn Freixa - đã liên tục đưa ra ý kiến phản đối. Các quan chức ở Camp Nou cho rằng RFEF phải giữ án phạt đối với Mou sau hành vi không thể chấp nhận trong thể thao.
Theo Chủ tịch Villar, việc xóa án phạt cho những người liên quan xuất phát từ những thành công lớn lao mà RFEF đạt được trong thời gian qua, nổi bật nhất là phòng truyền thống có thêm chức vô địch EURO 2012.
Dù vậy, đây thực tế chỉ là một chiêu bài để lấy lòng dư luận của người đứng đầu RFEF. Theo đó, có thể nói đây như một sự trả ơn của Villar cho những người đã bầu ông cho nhiệm kỳ Chủ tịch mới kéo dài đến tận 2016.
Trong những lần giành chiến thắng tại các nhiệm kỳ trước, Villar cũng từng đưa ra các quyết định xóa án. Chính Barca đã không dưới một lần được hưởng lợi từ điều này. Đáng chú ý nhất là vụ việc gây xôn xao từ năm 2002 khi các CĐV ở Camp Nou chào đón Luis Figo trở lại bằng một chiếc thủ lợn.
RFEF quyết định phạt “treo sân” 2 trận với Barca, và vụ việc rơi vào tranh cãi suốt 3 năm. Đến năm 2005, Villar đồng ý giảm án phạt, Barca không bị cấm đá sân nhà và chỉ nộp 4.000 euro.
Dù những người Barca không hài lòng, nhưng rõ ràng Villar vẫn chiếm được tình cảm từ một bộ phận rất lớn ở nền bóng đá TBN. Còn quá sớm để nói về nhiệm kỳ tiếp theo bầu cử năm 2016 (Villar tại vị từ 1988 đến nay).
Dù vậy, những gì diễn ra được xem như bước ngoặt quan trọng để vị Chủ tịch 62 tuổi của RFEF thuyết phục hai đối thủ Real và Barca chấp nhận kế hoạch mang Siêu Cúp đến Trung Quốc.
2&1 - Theo án phạt ban đầu, Mourinho bị cấm chỉ đạo 2 trận, và Tito Vilanova là 1 trận. Tất cả đều thuộc khuôn khổ Siêu Cúp Tây Ban Nha. 600 - Tổng số tiền nộp phạt của Mourinho và Tito sau hành vi không mấy đẹp tại Camp Nou chỉ là 600 euro mỗi người. 1988 - Angel Maria Villar giữ cương vị Chủ tịch RFEF kể từ năm 1988 đến nay. Villar cũng là Chủ tịch có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử RFEF, bắt đầu từ người đầu tiên Francisco Garcia (1913-1916). |
Theo Thethaovanhoa