>>Những chuyện chỉ có ở Việt Nam
>>Thể thao Việt Nam tại Olympic London 2012: Tăng lượng nhưng khó đổi chất
>>Đấu kiếm Việt Nam giành vé Olympic 2012
Tuy được lãnh đạo đoàn thể thao VN nhận định là một trong những môn có hi vọng đoạt huy chương nhưng theo các chuyên gia, HLV, chỉ cần có VĐV Việt Nam vào vòng chung kết (tám VĐV xuất sắc nhất thế giới mỗi đơn môn) đã là quá giỏi.
Thật vậy, trong quá trình chuẩn bị Olympic 2012, các VĐV được kỳ vọng đoạt huy chương chỉ được đầu tư tương đương các VĐV phấn đấu đạt chuẩn Olympic, chứ chưa có sự chú trọng đặc biệt để tạo bứt phá trong chuyên môn.
Thiếu HLV, thiếu cả dụng cụ
Tháng 10/2011, sau khi Hà Thanh đoạt vé dự Olympic London, ngay trong đợt tập trung cao điểm đầu năm 2012 cô đã không có HLV và chuyên gia dẫn dắt. Nguyên nhân là do chuyên gia Trung Quốc Cao Vân Đoạn phải về Trung Quốc đột xuất do mẹ ốm.
Chưa hết, HLV Thùy Giang của đội TDDC nữ phải xin nghỉ vì con bệnh. Không có HLV, việc nâng độ khó bài thi của Hà Thanh không được thực hiện. Ngoài ra, việc không có kế hoạch đi tập huấn nước ngoài khiến VĐV không có điều kiện tập luyện với dụng cụ đủ tiêu chuẩn (hầu hết trang thiết bị môn TDDC tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã cũ nát).
Với độ khó chỉ đạt mức trung bình, cửa vào vòng chung kết của Hà Thanh là rất hẹp
Đầu tháng 4/2012, ba VĐV TDDC và một số VĐV khác được đưa sang Vũ Hán (Trung Quốc) tập huấn, HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hải Phòng) được gọi dẫn dắt đội tuyển nữ cùng một chuyên gia Trung Quốc mới.
Tuy nhiên trong thời gian này do bị tái phát chấn thương, VĐV Ngân Thương phải trở về VN. Một HLV của đội TDDC cho biết thời gian ở Vũ Hán cũng chỉ đủ để Hà Thanh, Phước Hưng lấy lại cảm giác và làm quen với động tác khó. Sau đó, Hà Thanh, Phước Hưng tham dự Giải TDDC World Cup Challenge Cup 2012 tổ chức tại Gent (Bỉ) rồi đến Hàn Quốc tập huấn hai tuần trước khi về lại VN.
HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: “Tại Hàn Quốc, các VĐV VN được tập luyện cùng VĐV của Hàn Quốc dự Olympic và dụng cụ tập luyện ở đây cũng là dụng cụ sẽ thi đấu tại Olympic. Đáng tiếc, do chỉ có hai buổi tập với thiết bị chuẩn nên việc tiếp xúc, phát lực, độ nảy... với những dụng cụ này không được nhiều lắm. Nếu sớm được tập lâu dài với thiết bị ở Hàn Quốc, Hà Thanh sẽ nâng được bài khó của mình và tự tin hơn nhiều”.
Hà Thanh gặp nhiều khó khăn
Theo kết quả bốc thăm tại Olympic, Hà Thanh sẽ thi đấu ở nhóm 5, nhóm thi cuối cùng tại vòng loại diễn ra khoảng 20g ngày 29/7. Nhóm này có các VĐV nổi tiếng của Slovakia, Chile, Hà Lan, Ai Cập và Hà Thanh sẽ là VĐV đầu tiên thi đấu trong nhóm 5.
Theo tổng thư ký Liên đoàn Thể dục VN Nguyễn Hồng Minh và trưởng bộ môn thể dục Nguyễn Kim Lan, đây là bất lợi lớn bởi các trọng tài đã nhắm được các vị trí vào chung kết trong các nhóm thi đấu từ sáng tới tối. Hà Thanh thi nhóm cuối cùng lại là VĐV thi đầu tiên trong nhóm nên sẽ bị áp lực tâm lý. Ngoài ra theo ông Minh, Hà Thanh chỉ đạt độ khó trung bình khá trong bài thi của mình.
Trong khi đó, VĐV Phạm Phước Hưng nằm ở nhóm 2 thi đấu vòng loại ngày 28/7 cùng các VĐV Kazakhstan, Bồ Đào Nha, Bulgaria, Belarus, Tunisia. Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng cơ hội của Phước Hưng cao hơn Hà Thanh bởi Phước Hưng có bài thi độ khó khá tốt, thi đấu rất hay trong những giải đấu gần đây. Dù vậy ông Minh cho rằng hi vọng giành huy chương của TDDC Việt Nam gần như không thể xảy ra.
Trao đổi với PV, HLV Thùy Giang - người phát hiện và huấn luyện Hà Thanh nhiều năm qua - cho biết: “Vòng loại tại Olympic sẽ là căn cứ để tuyển chọn vào vòng chung kết ở ba nội dung: đồng đội, toàn năng, đơn môn. Ban tổ chức sẽ chọn 12 đội xuất sắc nhất vào chung kết nội dung đồng đội (VN không có VĐV để đăng ký tham gia đồng đội). Sau đó sẽ xét đến các VĐV đạt chuẩn toàn năng, có 24 VĐV nam và 24 VĐV nữ xếp từ trên xuống được vào chung kết toàn năng.
Với các đơn môn còn lại, mỗi đơn môn ban tổ chức sẽ chọn tám VĐV xuất sắc nhất trong số 98 VĐV vào chung kết và mỗi quốc gia có không quá hai VĐV được chọn vào chung kết mỗi đơn môn.
Chỉ tính các cường quốc thể thao như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Romania... con số này đã lên tới trên 10 VĐV. Đó là chưa kể VĐV xuất sắc của các quốc gia khác. Với sự cạnh tranh khốc liệt này, việc vào một trong tám VĐV của vòng chung kết đã là quá xuất sắc với TDDC Việt Nam”.
Theo Tuoitre