Montsho Amantle: Từ nông trại Botswana đến đường chạy London

Thứ hai, 09/07/2012, 14:13
Cô con gái 12 tuổi của Victor Nkape chạy vòng quanh những hàng rào ở bãi chăn thả gia súc của gia đình, giữa những con bò, dê, cừu và những đống rơm rạ. Trò chơi gần như duy nhất của Nkape và người em khi còn nhỏ là chạy đua cùng nhau trên những đồng cỏ rộng lớn ở bắc Botswana. 

>>Toàn cảnh công trình của Olympic London nhìn từ trên cao 
>>
Usain Bolt: "Tôi không thể thất bại tại Olympic London" 
>>
Đã có người nhanh hơn Usain Bolt 

Cô con gái của ông cũng thừa hưởng thú vui đó, cô chạy nhảy suốt ngày, nhưng với một sức mạnh và sự bền bỉ khác thường và giờ này đang trở thành ứng cử viên số một cho chiếc huy chương vàng ở Olympic London 2012.

“Con gái mày chạy chẳng kém gì bọn con trai”, người ông của Nkape từng nói. “Lúc đó tôi chẳng coi chuyện đó là điều gì nghiêm túc”, Nkape nhớ lại. Đó là 16 năm trước, khi mà hầu hết các cô gái ở Botswana chưa bao giờ biết tới một đường chạy đích thực.

Maun, một ngôi làng khoảng 50.000 dân, chỉ có một sân tập thể thao duy nhất. Nkape, với thu nhập khoảng 112 USD mỗi tháng nhờ nghề bán hàng rong, không hiểu nổi tài năng điền kinh kỳ lạ của con gái là từ đâu mà ra.


“Tôi cứ để nó chạy bằng thích”, ông nói. Ngày nay, cô gái đó, Amantle Montsho, 28 tuổi, là một trong những người phụ nữ nhanh nhất hành tinh. Đương kim vô địch thế giới cự ly 400 mét, cô là ứng cử viên số một cho chiếc huy chương vàng ở Olympic London mùa hè này, dù cô là một trong những vận động viên Olympic khó ngờ nhất.

Botswana, một đất nước ra đời 46 năm trước từ cơ sở là thuộc địa của Anh, chưa bao giờ giành huy chương ở Thế vận hội. Nếu Montsho kiếm được vị trí trên bục chiến thắng tại London mùa hè này, vị trí vĩnh cửu của cô trong lịch sử quốc gia chỉ có vỏn vẹn hai triệu dân này sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít người biết về hành trình kỳ lạ từ ngôi làng xa xôi hẻo lánh của Montsho đến sân khấu thể thao lớn nhất hành tinh.
 



Amantle Motsho đang hy vọng làm nên lịch sử- Ảnh Getty

Hai bàn tay trắng

Thể thao là một trong những ưu tiên cuối cùng ở một đất nước còn quá nhiều khó khăn. Botswana xếp thứ hai trong danh sách các nước có tỉ lệ người nhiễm HIV nhiều nhất thế giới, với một phần tư dân số tuổi từ 15 đến 49 là những người có AIDS, theo Chương trình AIDS Liên Hiệp Quốc.

Năm 1979, Ủy ban Olympic Botswana mới được thành lập và tham dự Thế vận hội lần đầu năm 1980. Đội Olympic đầu tiên của họ do các sĩ quan quân đội và cảnh sát dẫn đầu, theo lời Mooketsi Thari, chủ tịch Hiệp hội điền kinh Botswana.

Hội đồng thể thao Botswana được thành lập không lâu sau khi giành độc lập chỉ là một tổ chức nhỏ bé. Nhưng gần đây, chính quyền đã quan tâm hơn và tăng ngân sách cho hội đồng này, từ 5 triệu USD năm 2005 lên 9,6 triệu USD hiện giờ, bao gồm cả tiền cho Ủy ban Olympic quốc gia.

“Thể thao Botswana không có nhiều tiền”, Bobby Gaseitsiwe, quan chức trong hội đồng, phân tích. “Những con số đó chỉ là trò đùa so với ở Mỹ, nơi cả gia đình thường tham gia chơi thể thao. Những người trở thành vận động viên ở Botswana thường do cha mẹ sống trong hoàn cảnh khó khăn, nên họ hầu như khởi nghiệp với hai bàn tay trắng”.

Ngoài nguồn lực tài chính thiếu thốn, Montsho cũng chẳng có thần tượng nào để noi theo ở Botswana, đất nước chưa bao giờ sản sinh ra bất cứ vận động viên nữ tiếng tăm nào. Điền kinh là một môn thế mạnh của châu Phi, nhưng chủ yếu là Đông Phi, đặc biệt là Kenya và Ethiopia, những quốc gia sản sinh ra nhiều nhà vô địch thế giới chạy cự ly dài.

Chức vô địch của Montsho ở cự ly 400 mét càng giống một câu chuyện cổ tích bởi trước giờ đó là nội dung thống trị của những siêu cường điền kinh như Mỹ, Jamaica và một số nước châu Âu. Nhà vô địch Olympic gần nhất của nội dung này năm 1998, Christine Ohuruogu, là một người Anh.


Và cặp chân của nữ thần Phi châu

Châu Phi chưa bao giờ chiến thắng ở nội dung 400 mét nữ tại một kỳ Olympic. Về phần nam, người cuối cùng giành huy chương vàng ở nội dung đó là vào năm 1920. “Nếu Amantle chiến thắng ở London”, huấn luyện viên của cô, Anthony Koffi, nói. “Đó không chỉ là chiến thắng của Botswana, mà của cả châu Phi”.

Khi 13 tuổi, Montsho đã chuyển đến một trường cấp hai địa phương. Cô tiếp tục chạy không mệt mỏi và trong những năm thiếu niên, Amantle Montsho ngày càng mạnh mẽ và vạm vỡ, khiến cho cô bị bạn bè trêu chọc không ít. “Phụ nữ ở Botswana không thích thể thao”, Montsho nói. “Họ thích làm đẹp và không thích những người cơ bắp”.

Cô bắt đầu thu hút sự chú ý của Hội đồng thể thao quốc gia, những người chuyên đi săn lùng các tài năng mới. Năm 16 tuổi, Montsho học xong cấp hai và rời trường. Cô ở lại Maun làm việc cho một cửa tiệm nhỏ nhưng vẫn chạy đều khi có thời gian. Gaseitsiwe và các đồng nghiệp ở thủ đô Gaborone, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được một sân tập đúng chuẩn cho Montsho và những vận động viên khác tại địa phương.

Để vượt qua trở ngại, Hội đồng thể thao quốc gia và cô thu xếp một thỏa thuận, họ hỗ trợ cho Montsho chi phí đi lại từ Maun đi Gaborone, thường mất 8-10 tiếng đi xe, liên tục trong ba năm liền để cô có cơ sở luyện tập đúng chuẩn. Montsho ngày càng tiến bộ. Cô nhanh chóng phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 400 mét vài lần liền và vượt lên so với tất cả những nữ vận động viên khác của đất nước, theo lời huấn luyện viên Raj Rathedi.

Rồi ngay cả những cơ sở tốt nhất nước ở Gaborone cũng không còn là điều kiện đủ cho Montsho luyện tập. Gaseitsiwe lại cất công nộp đơn xin một học bổng Đoàn kết Olympic cho Montsho, giúp cô có điều kiện đến luyện tập ở những cơ sở hiện đại hơn tại Dakar, Senegal, một trong những đô thị lớn nhất trong vùng. Montsho gói ghém đồ đạc và bắt đầu chuyến hành trình tầm sư học đạo của mình vào năm 2006.

Giờ đây, với thành tích tốt nhất là 49,56 giây, mọi chuyện đã dễ dàng hơn với Montsho, cô có một hợp đồng tài trợ với Nike và sống được nhờ tiền thưởng, bao gồm 60.000 USD cho chức vô địch thế giới mùa hè năm ngoái, gần gấp bốn lần thu nhập bình quân đầu người ở Botswana. Cô về thứ tám trong nội dung 400 mét ở Olympic 2008 tại Bắc Kinh.

Dù vẫn còn khá vô danh ở bên ngoài châu Phi, Montsho đã trở thành một biểu tượng ở quê hương cô. “Amantle! Đó là cô gái của chúng tôi”, Tshepang Olerato Tlhako, một thanh niên 19 tuổi ở Gaborone. “Cô ấy đã đưa Botswana lên bản đồ thế giới và tạo cảm hứng cho chúng tôi. Hầu hết phụ nữ ở đây nghĩ thể thao là dành cho đàn ông. Tôi không hiểu tại sao, và Amantle đã giúp thay đổi điều đó”.

 

Theo Thethaovanhoa

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích