Đệ nhất kiếm chém Nguyễn Thị Lệ Dung
Những ngày này, tay kiếm 26 tuổi và đồng đội đang tập luyện tích cực tại Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội. Dung tính đến tháng 11 này kỷ niệm đúng tròn 10 năm gắn bó với đấu kiếm nên chuyến tham dự ở Indonesia kỳ này lại càng có nhiều ý nghĩa và quyết tâm cũng cao hơn. Ngoảnh lại hành trình 10 năm cầm kiếm, nghĩ cũng thấy thú vị vì trước đây, thời còn học ở quê Sóc Sơn, Dung chẳng biết gì về đấu kiếm. Ngay cả phim kiếm hiệp nhiều người say mê xem là thế nhưng Dung cũng chẳng mấy hào hứng. Ấy vậy mà chỉ trong ít ngày sau khi các cô chú ở trên Sở TDTT Hà Nội về trường tuyển quân cho đội đấu kiếm, chuẩn bị cho SEA Games 22, chỉ nghe đấu kiếm là môn thể thao Olympic, Dung và cô chị song sinh Hoài Thu líu ríu kéo nhau đi thi.
Chân dài, sải tay rộng, đúng theo tiêu chuẩn của một tay kiếm, Thu và Dung lọt vào mắt xanh của HLV đội kiếm Hà Nội và chuyên gia người Trung Quốc Dương Thắng Lợi. Hồi đầu, hai chị em vấp phải sự ngăn cản kịch liệt của gia đình. Ban đầu mẹ Dung tuyên bố “chỉ cho một trong hai đứa theo đấu kiếm” thế là cả hai chị em lại phải đi vận động các bác, chú bạn bè bố mẹ để mọi người tác động giúp, sau đó cả hai mừng rơn vì cuối cùng mẹ cũng đồng ý. Từ nữ sinh, chỉ quen cầm bút, nay chuyển sang cầm kiếm, lại khoác lên người bộ quần áo nặng tới mấy kg, ngày đầu Dung khá lóng ngóng và thấy cây kiếm sao mà nặng và khó điều khiển thế. Nhưng chỉ qua khoảng thời gian ngắn làm quen, và một lợi thế là có sải tay dài…miên man, Dung đã làm chủ được cây kiếm. Sau nửa tháng “thử thách”, chị em Lệ Dung và Hoài Thu đều được chọn vào đội tuyển đấu kiếm Hà Nội. Ban đầu Dung được BHL cho tập ở nội dung kiếm ba cạnh, nhưng nửa năm sau chuyển qua kiếm chém và tập luyện với chuyên gia Trung Quốc.
SEA Games 22 tổ chức ở Việt Nam, dù còn rất non trẻ nhưng đấu kiếm Việt Nam đã đoạt 3 HCV. Nguyễn Thị Lệ Dung mở đầu một buổi sáng tốt lành cho môn đấu kiếm khi giành 2 chức vô địch kiếm chém cá nhân và đồng đội.
Sự mở hàng thành công này còn tiếp tục diễn ra trong suốt ở hai kỳ SEA Games tiếp theo là SEA Games 23 (năm 2005 tại Philippines) và SEA Games 24 (Thái Lan-2007), nâng tổng số HC vàng Dung có được qua ba kỳ đại hội lên tới sáu chiếc. Ở các kỳ SEA Games sau, con đường đến ngôi vô địch của Dung khó khăn hơn bởi đối thủ đều rất mạnh. Trùng lặp là ở cả hai trận chung kết cá nhân, Dung đều vượt lên sát nút 15/13 trước các đối thủ Philippines và Singapore nhờ tâm lý vững vàng.
Không chỉ bất bại ở đấu trường SEA Games, trong các giải vô địch đông Nam Á, Lệ dung cũng nhiều lần giành vị trí cao. Ngoài ra, Dung hai lần góp công giành HCĐ giải vô địch và vô địch trẻ châu á ở nội dung đồng đội, chính vì thế mà danh hiệu “ Đệ nhất kiếm chém” đã gắn với Dung trong suốt nhiều năm qua.
Trước khi lên đường tới Indonesia, Lệ Dung dè dặt khi nhận định về khả năng cạnh tranh HC vàng: “SEA Games 25 ở Lào không có môn đấu kiếm, sau đó tôi lại nghỉ thi đấu một thời gian nên không có nhiều dịp tìm hiểu về đối thủ. Tuy nhiên, qua thông tin nhận được, khả năng ở SEA Games 26, đối thủ lớn nhất của tôi vẫn là các gương mặt cũ của Thái Lan và một số tay kiếm chủ nhà Indonesia”.
Kể từ đầu năm đến nay, Lệ Dung đã có hai đợt tập huấn tại Trung Quốc và dự hai giải quốc tế. Thành tích mới nhất của Dung ở giải vô địch thế giới diễn ra tại Italia vào tháng 10 vừa qua là xếp thứ 16 thế giới.
Liên tục toả sáng ở đấu trường khu vực, trong nước, nhưng với mức thưởng cũ (25 triệu/HCV SEA Games) và mức thu nhập của VĐV đấu kiếm cũng không mấy dư dả cộng với sự bất mãn vì một số chuyện ở đội năm ngoái, Dung đã quyết định nghỉ tập để lo học tại chức Đại học Ngoại thương, chuyên ngành quản trị kinh doanh. Nhưng chỉ được nửa năm, máu nghề lại níu Dung trở lại đội tuyển.
"Đời VĐV chỉ có chút ít tiền thưởng huy chương SEA Games nhưng có mấy ai giữ được đâu. Đến giờ tôi vẫn phải nhờ gia đình lo tiền ăn học. Nhưng theo tập 10 năm rồi, đấu kiếm giờ cũng đã trở thành niềm đam mê, muốn bỏ cũng khó lắm”, Dung tâm sự.
Thời điểm này đang trong giai đoạn cấm trại nên dù nhà ở ngay Sóc Sơn, đi xe máy chỉ hết vài chục phút về đến nhà nhưng cả tháng nay Dung vẫn chưa thể về thăm bố mẹ vì nội quy đã quy định. Việc học văn hoá cũng phải gác lại, chờ thi đấu SEA Games xong mới học”trả nợ”.
“Ước gì một lần nữa tôi lại lập cú đúp HCV”, đương kim vô địch SEA Games Nguyễn Thị Lệ Dung tâm sự.
Tại SEA Games 26, đấu kiếm Việt Nam sẽ dự đủ 12 nội dung. Tuy nhiên, sau khi “thế hệ vàng” với các tay kiếm Đỗ Hữu Cường (ĐKVĐ SEA Games 24 kiếm 3 cạnh nam), Nguyễn Lê Bá Quang (nay huấn luyện ở đội tuyển QG), Nguyễn Thị Thủy Chung, Nguyễn Thị Lý (Kiếm chém nữ), Hạ Thị Sen...nghỉ thi đấu tập trung cho gia đình, lực lượng trẻ hiện nay vẫn chưa phát hiện được nhiều nhân tố mới đủ sức kế cận. Dự báo việc cạnh tranh huy chương sẽ gặp khó khăn. Nhất là thời gian gần đây một số quốc gia trong khu vực như Indonesia, Singapore, Malaysia đang chuẩn bị một lực lượng hùng hậu. Các quốc gia này thường xuyên mời chuyên gia giỏi về đấu kiếm dẫn dắt đội tuyển. |
(Theo Vnexpress)