Xét cho cùng nguyên nhân chính của “vấn nạn” này vẫn chỉ có một, đó là bệnh thành tích, căn bệnh của nan y của làng thể thao Đông Nam Á.
Như một luật bất thành văn ở vùng trũng này, hễ quốc gia nào đăng cai đều có quyền đưa những môn mới, sở trường của mình vào thi đấu và chỉ cần ba nước đồng thuận là… lên sàn chia huy chương. Ngược lại, những môn chủ nhà yếu hay muốn dìm đoàn bạn để tranh chấp huy chương chung cuộc thì tìm cách để bỏ môn đấy. Cho nên một môn thể thao hoàn toàn mới xuất hiện trong danh mục thi đấu mà nước chủ nhà là một việc hiển nhiên.
Chẳng hạn SEA Games 23, được tổ chức tại Philippines, nước này chưa bao giờ đứng đầu ở các kỳ trước trên sân khách, bỗng dưng nhảy vọt lên với 113 HCV, hơn cả Thái Lan (87 HCV), Việt Nam (71 HCV) đứng đầu tất cả các đoàn, kỳ SEA games đó, Philippines đưa các môn: võ gậy, bóng chày, bóng tường… mà hầu như chỉ mình Philippines biết chơi nhằm “hốt” huy chương.
Võ gậy được đưa vào thi đấu chính thức ở SEA Games 2005
Tương tự, chủ nhà SEA Games 24 Thái Lan cũng đưa vào danh mục thi đấu môn bóng gỗ trên cỏ, bóng quần… nhằm thách đố “đàn em” trong khi họ đã là “anh cả” của vùng trũng này. Nhờ vậy, “anh cả” gom được 183 HCV và lập kỷ lục là đoàn thể thao dẫn đầu với số HCV hơn gấp đôi đoàn về nhì (Malaysia 68 HCV).
Thể thao Việt Nam năm 2003 khi đăng cai đã nhảy lên dẫn đầu Đông Nam Á với 158 HCV, bỏ rất xa Thái Lan (90 HCV) nhờ thu hoạch vàng ở những môn ít người chơi trong đó có vài chục huy chương ở môn… lặn.
SEA Games 26 lần này cũng không là ngoại lệ, khi chủ nhà Indonesia đưa vào mấy môn dù lượn, leo tường và môn quyền pháp Thiếu Lâm tự… Nhật Bản. Bởi có những môn quá khó nên nhiều nước không thể chơi đầy đủ các thể loại, như Việt Nam chỉ thi đấu 31/43 môn. Gắng gượng lắm với môn ít tốn kém và… nhanh thuộc thì chúng ta cho vận động viên chơi cờ chuyển sang chơi… bài, học ở Nha Trang chỉ mất 10 ngày.
"Môn thể thao trí tuệ" đánh bài lần đầu tiên có mặt ở SEA Games (ảnh minh họa)
Mặt khác, ngoài việc thêm bớt nội dung thi đấu của nước đăng cai thì việc “sai số” của trọng tài vẫn là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Điển hình, tại kỳ SEA Games gần đây, vận động viên Lê Ngọc Anh đội Pencak silat Việt Nam đã bị xử ép thua 2-3 trước vận động viên Simbar Pengky nước chủ nhà Indonesia. Hay võ sĩ karate Hải Yến bị trọng tài xử ép trong trận tranh HCV với VĐV Philippines, qua đó khiến nữ võ sĩ không thể bảo vệ được chiếc HCV tại nội dung 55kg nữ.
Võ sĩ Ngọc Anh bật khóc khi bị trọng tài xử ép trắng trợn năm 2007
Chính vì vậy, việc HLV Pencak silat Việt Nam Huỳnh Ngọc Minh Tiến chỉ dám đặt chỉ tiêu 3 HCV cho kỳ SEA Games 26 đối với đội Pencak silat VN dù đội đã giành 8 HCV ở giải vô địch thế giới, 14 HCV ở giải vô địch Đông Nam Á trong năm 2010 mới nghe qua tưởng chừng như phi lý nhưng ngẫm nghĩ thì mới hiểu rõ chỉ tiêu mà HLV Minh Tiến đề ra là rất thực tế vì SEA Games 26 năm nay được tổ chức trên đất nước sản sinh môn Pencak silat.
Và cũng không là ngoại lệ khi SEA games 26 chưa diễn ra nhưng tất cả các đoàn đều xác định Indonesia sẽ nhất toàn đoàn và Thái Lan mạnh mấy cũng chỉ về nhì. Riêng đoàn Việt Nam thì thấy căng quá đã phải thay đổi chỉ tiêu từ hạng ba toàn đoàn vào top 5 những nước nhiều huy chương nhất.
Không biết đến khi nào “vùng trũng” mới có thể thành “vùng cao” của làng thể thao thế giới khi mà vấn nạn “tiểu xảo” và “sai số” trọng tài vẫn tiếp tục tái diễn!?
(Tổng hợp)
Lê Trung