Khi xây dựng kế hoạch cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và tuyển Olympic (U23) trong năm nay, vòng loại Olympic 2012 và vòng loại World Cup 2014 chỉ được nhắc đến với vai trò là “sân chơi cọ xát”. Sau khi ĐTQG giành kết quả ấn tượng tại vòng loại thứ nhất World Cup 2014, những nhà hoạch định chiến lược cho bóng đá Việt Nam lại đứng trước câu hỏi: “Tiếp tục cọ xát hay đặt mục tiêu chiến thắng?”.
Nhiều năm qua, VFF vẫn xác định rất rõ ràng rằng mục tiêu của tuyển Việt Nam nằm ở AFF Cup, còn đích nhắm của tuyển Olympic luôn nằm ở SEA Games, nghĩa là gói gọn trong “ao làng” Đông Nam Á. Xác định là vậy nhưng cũng đã nhiều phen bóng đá Việt Nam tạo nên “địa chấn”, lập thành tích vượt xa mục tiêu đóng khung kia: ĐTQG lọt tới vòng tứ kết của Asian Cup 2007 khi chúng ta đóng vai trò chủ nhà một bảng và cùng năm đó, tuyển Olympic cũng vượt qua được vòng loại thứ hai Olympic Bắc Kinh 2008. Thành Lương (trái) và nhiều tuyển thủ đối mặt nguy cơ quá tải trước khi cùng đội tuyển sang Qatar đấu trận lượt đi vòng loại World Cup 2014 vào ngày 23-7. Ảnh: MINH NGỌC
Hai chiến tích năm 2007 đã làm cho VFF phấn khích tới mức quay sang dồn toàn lực cho hai sân chơi tầm cỡ kia. Ngày ấy, HLV Rield sử dụng công thức đội tuyển 2 trong 1 và được VFF thừa nhận là hợp lý nhưng cuối cùng với thất bại tại SEA Games cuối năm 2007, nhà cầm quân người Áo phải gánh mọi trách nhiệm. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khi ấy nói rằng: “Chúng ta thất bại là vì định hướng chưa đúng và không xác định được mục tiêu nào là chính, mục tiêu nào là phụ”.
Hiện tại, sau màn trình diễn ấn tượng của ĐTQG ở vòng loại thứ nhất World Cup 2014 khu vực châu Á, ông Hỷ chia sẻ: “Trước khi gặp Macau, không ai nghĩ chúng ta có thể thắng đậm họ với tổng tỉ số 13-1 như thế”. Có lẽ chính vì lý do này mà ngay từ khi xây dựng các kế hoạch của V-League và kế hoạch tập trung ĐTQG, VFF không dành bất kỳ sự ưu tiên nào cho thầy trò HLV Goetz ở vòng loại World Cup.
Chuyện phải điều chỉnh lịch thi đấu V-League thực ra là vấn đề rất nhỏ mà VFF đương nhiên phải làm, thậm chí phải tính toán từ đầu chứ không phải đợi đến khi có thành tích mới nói chuyện “ưu tiên”. Ở thời điểm này, khi hỏi một số vị lãnh đạo VFF về mục tiêu của ĐTQG ở vòng loại thứ hai World Cup 2014, tất cả các câu trả lời đều là: “Không có mục tiêu cụ thể, đội tuyển phải thể hiện được sức mạnh bóng đá Việt Nam”. Tuy nhiên, khái niệm “sức mạnh bóng đá Việt Nam” cũng hết sức mơ hồ. Chuyện V-League chỉ đá sớm và lùi ngày chứ không hoãn vòng nào vì lo ảnh hưởng lây đến kế hoạch của tuyển U23 cuối năm, cho thấy VFF nửa muốn có thành tích ở sân chơi vòng loại World Cup, nửa sợ kịch bản năm 2007 tái diễn.
“Ai cũng hiểu giấc mơ Olympic và World Cup với bóng đá Việt Nam là quá xa vời nhưng nếu xác định rõ ràng và có đích ngắm cụ thể thì kể cả thất bại chúng ta cũng thu hoạch được nhiều bài học”- HLV Goetz nói. Nhận định này của nhà cầm quân người Đức có thể là một gợi ý hay cho lãnh đạo VFF trong việc định hướng chiến lược bóng đá nước nhà. Để câu chuyện buồn của năm 2007 không tái diễn, VFF cần xác định rõ “đá vì cái gì” trước khi mơ chuyện tạo ra cú sốc nhờ may rủi.
(Theo NLĐ)
Lê Trung