Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vừa có văn bản hướng dẫn và khuyến cáo hành khách mua vé xe Tết Kỷ Hợi 2019 tránh tình trạng bị nhiều xe hợp đồng, xe trá hình cùng một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lợi dụng nhu cầu đi lại tăng cao để bán gấp đôi so với giá niêm yết tại bến xe.
Giá cao, khó đặt chỗ
Bến xe Miền Đông đang tổ chức bán vé trước cho hành khách đi lại dịp Tết với thời gian đi tương ứng từ ngày 24 đến 28 tháng chạp (tức từ ngày 29-1 đến 2-2). Lãnh đạo bến xe cho biết loại vé này sử dụng cho các doanh nghiệp bán vé trước, xe tăng cường trái tuyến, xe buýt và xe hợp đồng tăng cường. Vé được bán trực tiếp tại quầy và online, áp dụng cho các tuyến từ TP.HCM đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định (Bồng Sơn và Quy Nhơn) - loại xe từ 29-45 chỗ. Giá vé loại 1 của chặng xa nhất từ TP.HCM - Đà Nẵng là 800.000 đồng/vé.
Bến xe Miền Đông bảo đảm cung ứng đủ phương tiện phục vụ hành khách trong dịp Tết 2019 |
Theo ghi nhận của PV ngày 13-1, tại quầy bán vé, lượng người tới mua rất ít, đa số chỉ tìm kiếm thông tin và mua vé của các hãng như Phương Trang, Chín Nghĩa… nhưng cũng khó được, nhất là các tuyến về miền Trung. Đơn cử với hãng xe Phương Trang, các tuyến từ TP.HCM tới Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế..., thời gian cao điểm Tết từ ngày 24 tới 29 tháng Chạp hiện chỉ bán online nhưng cũng đã kín.
Hiện vé tàu Tết còn nhiều nhưng rất khó đặt mua đi các tỉnh, thành miền Trung |
Anh Nguyễn Văn Quân (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết ngày 11-1, anh "canh" máy tính và đặt được vé xe Phương Trang về Đà Nẵng ngày 30-1 (tức 25 tháng Chạp) với giá 592.000 đồng. "Khi thanh toán thì hệ thống báo lỗi sai mã xác thực giao dịch và lúc chọn lại thì ghế đó đã có người khác đặt" - anh Quân lo lắng.
Trong khi đó, nắm bắt tình hình đi lại tăng đột biến và nhiều người không mua được vé xe, trên nhiều website, những tuyến "nóng" về miền Trung, giá vé được áp dụng cao gấp nhiều lần ngày thường và gấp đôi giá niêm yết tại bến xe. Cùng chặng từ TP.HCM về Đà Nẵng ngày 25 tháng Chạp, nhà xe Hoàng Long hiện bán khoảng 1,9 - 2,15 triệu đồng/vé. Một số hãng xe khác như Khánh Nhân, Hoàng Anh... tuyến về các tỉnh, thành miền Trung, giá vé cũng được áp dụng cao hơn so với giá ở bến xe và trung bình gấp đôi ngày thường.
Trong khi đó, khá nhiều hãng xe không công bố giá vé chính thức mà yêu cầu liên hệ nhà xe nhưng giá vé cũng tăng chóng mặt. Thử liên hệ với nhà xe Chơn Mỹ, tuyến từ TP.HCM về Quảng Ngãi ngày 25 tháng Chạp, loại xe Limousine, giá vé hiện được nâng lên hơn 1 triệu đồng/vé, trong khi ngày thường khoảng 400.000-500.000 đồng.
Huy động tối đa phương tiện
Theo ông Kiều Nam Thành, Giám đốc Bến xe Miền Đông, dịp Tết Nguyên đán 2019, lượng khách qua bến xe dự báo tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách tập trung vào các ngày từ 22 tới 28 tháng Chạp, cao nhất với khoảng 55.000 khách/ngày, tương ứng 1.800 lượt xe (gồm cả xe buýt tăng cường).
Với tình hình trên, lãnh đạo bến xe cho biết thời gian phục vụ đi lại dịp Tết sẽ bắt đầu từ ngày 26-1 tới 14-2 (tức từ ngày 21 tháng Chạp đến hết mùng 10 tháng Giêng). Riêng những "điểm nóng" về các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, thời gian triển khai sớm hơn, từ ngày 17-1 (12 tháng Chạp). Lãnh đạo bến xe này cũng cho biết sẽ huy động tối đa phương tiện, bao gồm tất cả xe hoạt động trên tuyến, xe hợp đồng, du lịch, trung chuyển và cả xe vận chuyển người nội bộ để tăng cường giải tỏa khách. Riêng đối với giá vé, ông Kiều Nam Thành khẳng định mức tăng áp dụng từ 20% đến tối đa 60% trong dịp Tết, tùy chặng đường và thời gian áp dụng cũng khác nhau.
Trong khi đó, tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TP.HCM), lượng khách trong dịp Tết cũng được dự báo tăng 1%-2% so với cùng kỳ năm trước, cao điểm là các ngày từ 27 tới 30 Tết. Theo lãnh đạo Bến xe Miền Tây, các tuyến về miền Tây đường ngắn nên lượng khách dồn vào thời điểm giáp Tết. Trong đó, cao điểm nhất là ngày 28 tháng Chạp (tức ngày 2-2), với khoảng 60.200 lượt khách qua bến và 2.100 xe được huy động.
Trước tình hình này, đợt cao điểm Tết từ ngày 1 đến 4-2 (tức từ 27 đến 30 Tết), tại bến sẽ bán vé 24/24 giờ, đồng thời tổ chức bán vé trước từ ngày 15 đến 31-1 (tức từ ngày 10 đến 26 tháng Chạp). Giá vé sẽ không tăng quá 40% so với ngày thường, thực hiện trong 6 ngày, gồm 4 ngày trước Tết và 2 ngày sau Tết.
Trước nhu cầu của đa số hành khách đều chuộng xe thương hiệu, dẫn đến tình trạng dù chưa tới thời gian cao điểm Tết nhưng nhiều nhà xe lớn đã khan hiếm vé, theo lãnh đạo các bến xe, vấn đề này phụ thuộc vào việc kinh doanh của từng doanh nghiệp. Hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải chỉ đầu tư phương tiện để phục vụ ngày thường và bán vé theo năng lực sẵn có, dẫn đến khó đáp ứng nhu cầu cùng lúc dồn vào dịp Tết.
Ngoài ra, việc sắp xếp kinh doanh của các doanh nghiệp khác nhau nên thời gian bán vé Tết cũng không thực hiện cùng lúc, làm nhiều hành khách không mua được vé theo đúng nhu cầu. Tuy nhiên, đại diện các bến xe liên tỉnh trên địa bàn TP.HCM khẳng định các dịp Tết không hề thiếu xe cho khách bởi luôn có vé do các doanh nghiệp ủy thác cho bến. Các phương tiện hiện cũng được đầu tư tốt hơn, bảo đảm an toàn, tiện nghi để phục vụ hành khách.
Vé tàu còn nhiều nhưng không dễ mua Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, hiện vẫn còn khoảng 57.000 vé tàu cho cả thời gian đi trước và sau Tết. Trong đó, thời gian trước Tết tính đến ngày 12-1 còn khoảng 6.000 vé có ga đi là Sài Gòn, Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và ga đến từ Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tới Hà Nội. Vé trong thời gian này tập trung chủ yếu từ ngày 25 đến 29-1 và 3-2, với khoảng 5.800 chỗ. Riêng thời gian sau Tết, vé còn khá nhiều, với khoảng 51.000 vé có ga đi từ Hà Nội đến Nha Trang, ga đến là Biên Hòa và Sài Gòn. Vé tàu, theo thống kê, còn nhiều nhưng không dễ mua. Theo khảo sát trên hệ thống bán vé của ngành đường sắt chiều 13-1, các tàu xuất phát từ TP.HCM, Đồng Nai về nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung những ngày cao điểm Tết hầu hết đã kín chỗ. Một số toa còn chỗ thì hệ thống hiển thị là bán cho chặng dài hơn hoặc "chỗ nghiệp vụ không bán" nên khách cũng không thể đặt mua. Qua khảo sát, hiện chỉ còn một số ghế phụ mà khách có thể đặt chỗ nhưng cũng khá khan hiếm. Chị Nguyễn Lê Phương (công nhân ở quận 9, TP.HCM) cho biết do không đặt được vé tàu về Thanh Hóa nên chị đang tìm mua vé xe giường nằm để về quê do vé máy bay quá đắt. Tuy nhiên, vé xe cũng khó mua nên chị Phương đang phải cân nhắc nhiều hướng bởi về cùng chị còn có con nhỏ. Trong khi đó, theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, vé tàu hiện vẫn đang biến động do khách đặt giữ chỗ nhưng không thanh toán hoặc trả lại vé. Những vé này sẽ được cập nhật lên hệ thống, những người khác có nhu cầu có thể đặt mua. |
Theo NLĐ