Kỳ lạ chiếc vé tàu Hà Nội - Sài Gòn giá 1.000 đồng

Thứ sáu, 01/02/2013, 14:24
Sự mập mờ trong cách bán và hành động khó hiểu của nhân viên trên tàu đã khiến hành khách nảy sinh nhiều nghi ngờ xung quanh 3 chiếc vé tàu: Liệu có sự móc ngoặc, trục lợi của những người liên quan?

Vé tàu 1.000 đồng

Theo anh N.C. một hành khách ở Nam Định cho biết, vào ngày 4/1 anh có nhờ người thân mua 3 vé loại giường nằm cứng tầng 1 (có mức giá niêm yết là 1.630.000 đồng), của tàu SE1 chạy tuyến Hà Nội – Sài Gòn, xuất phát tại Hà Nội lúc 19h, ngày 7/1.

Tới tối ngày 7/1 anh N.C. cùng hai người đi cùng ra ga Nam Định và nhận vé từ người thân để lên tàu. Khi nhận vé, anh N.C. đã cảm thấy “ngờ ngợ” bởi chúng được in khá cẩu thả. Tuy nhiên thời gian đã muộn nên anh N.C. không thắc mắc mà tiếp tục lên tàu.

Sau khi làm xong các thủ tục tại cổng soát vé và để nhân viên toa tàu kiểm tra xong, anh N.C. mới lấy vé ra xem kỹ thì phát hiện trên vé có nhiều điểm bất thường. Để so sánh sự khác biệt này anh đã mượn một chiếc vé của hành khách cùng toa và chụp lại.

vé tàu
3 chiếc vé anh N.C. đã mua (dưới cùng bên phải là chiếc vé thật dùng để so sánh)

Theo đó 3 chiếc vé của anh N.C. nhìn khá “xấu” bởi những dãy chữ bị mất nhiều nét, thêm vào đó là một số dòng thông tin không giống chiếc vé được so sánh, đặc biệt ở phần “Giá vé”, thay cho mức 1.630.000 đồng như niêm yết là con số chỉ… 1.000 đồng.

Khó hiểu trước điều này, anh N.C. đã gọi điện cho người mua giúp vé và được biết, vào khoảng 14h30 ngày 4/1, người này đã tới ga Nam Định để hỏi mua vé, tuy nhiên nhân viên tại đây nhiều lần bảo ngồi đợi vì hiện tại ga Hà Nội chưa mở cửa(?).

Sau khi ngồi chờ khá lâu, người này được một người “mách” rằng mua tại đại lý sẽ nhanh và dễ hơn. Nghe vậy người này đã tới một cửa hàng tạp hóa (trong khuôn viên nhà ga) để hỏi. Sau khi gọi điện đi nơi khác nói chuyện, chủ cửa hàng này cho biết đang có loại vé cần mua, hôm nay chỉ cần đặt cọc khoảng 100.000 đồng/vé, ngày mai sẽ lấy vé, bất ngờ hơn, chủ cửa hàng cho biết sẽ giảm hơn so với giá vé trong ga.

Theo đó, với vé giường nằm cứng tầng 1 sẽ chỉ còn 1.250.000 đồng thay vì 1.630.000 đồng, tầng 2 còn 1.100.000 đồng thay vì 1.560.000 đồng. Thấy vậy người thân anh N.C. đã mua 1 vé tầng 1 và 2 vé tầng 2 với số tiền 3.450.000 đồng.

Về phần anh N.C., dù nghi ngờ chiếc vé nhưng thấy nhân viên soát vé không nói gì khi kiểm tra, các dịch vụ trên tàu cũng không có gì khác biệt nên vẫn yên tâm.

Mọi việc diễn ra bình thường cho đến khoảng 21h30 ngày 8/1, một người đàn ông mặc đồng phục ngành đường sắt bất ngờ bước vào và xin đổi lại 3 vé anh N.C. đã mua ở Nam Định. Khi anh N.C. thắc mắc thì được trả lời với nội dung, 3 vé anh mua là để đi tàu, còn 3 vé người đàn ông mang tới đổi là để ra cửa tại ga Sài Gòn (?).

vé tàu
3 chiếc vé do người đàn ông mặc đồng phục nhân viên tới đổi lại

Tuy nhiên 3 chiếc vé anh N.C. mới nhận có nội dung khác hẳn, dù có cùng điểm đến là Sài Gòn nhưng các điểm lên lại bắt đầu từ ga Quảng Ngãi, Tam Kỳ và Nha Trang (?). Đến khi tới ga Sài Gòn, anh N.C. cùng hai người đi chung đã qua khỏi cổng kiểm soát bình thường.

Có sự móc ngoặc?

Đem sự việc “kỳ lạ” này hỏi một cán bộ trong ngành đường sắt thì được biết, hình chụp lại cho thấy 3 chiếc vé anh N.C. mua là vé dành cho nhân viên ngành đường sắt, con số 1.000 đồng không phải giá mà là “phí bảo hiểm hành khách”.

Cũng theo người này, để sử dụng được 3 chiếc vé trên phải là người đang công tác, hoặc có người thân (bố, mẹ) làm việc trong ngành đường sắt, và bắt buộc phải có “giấy đi tàu” do ngành đường sắt cấp kèm theo mới là hợp lệ.

Ông cũng cho biết, qua hình ảnh được chụp lại, nhiều khả năng 3 chiếc vé anh N.C. mua đều là vé giả, và có thể đã có sự móc ngoặc để trục lợi giữa nhân viên trên tàu và người bán vé.

Sự phối hợp trơn tru của những người liên quan khiến người ta nghĩ đến sự bất minh của nhân viên mà ngành đường sắt bị "qua mặt" trong việc kinh doanh vé tàu kiểu này.

Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn