Lúc đầu ngày, Tập đoàn DOJI đưa giá mua và bán vàng SJC xuống 43,82 - 43,92 triệu đồng. Nửa tiếng sau, niêm yết tiếp tục hạ còn 43,76 - 43,86 triệu đồng một lượng. Tổng cộng so với sáng qua, giá hạ khoảng 250.000 đồng.
Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng đã đưa giá vàng xuống dưới 44 triệu đồng. Trong đó giá bán ở 43,98 triệu đồng, cao hơn 180.000 đồng so với thu mua.
Còn tại Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý ở Hà Nội, so với cuối ngày hôm qua giá hạ 140.000 đồng, xuống lần lượt 43,79 - 43,89 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước hạ nhẹ xuống 3,9 triệu đồng trong sáng nay.
Giá vàng mất mốc 44 triệu đồng sáng nay, sau 2 ngày ở trên ngưỡng này. |
Tại các ngân hàng thương mại, nơi giá đôla tăng, nơi lại điều chỉnh giảm. Ví dụ tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, nếu như hôm qua giá bán USD là 20.960 đồng, sáng nay tăng lên 20.985 đồng. Chiều mua tăng ít hơn, có thêm 10 đồng lên 20.910 đồng ăn một đôla Mỹ.
Một số ngân hàng chỉ tăng nhẹ 5 đồng ở chiều mua USD, trong khi giữ nguyên giá bán lên 20.960 như ACB. Trong khi đó, một số ngân hàng lại giảm niêm yết như Vietinbank, hạ nhẹ 10 đồng chiều bán xuống 20.960 đồng.
Thị trường vàng quốc tế đi xuống trong ngày hôm qua, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh không đưa ra tín hiệu nào về chương trình nới lỏng mới trong các bài phát biểu của mình.
Tại Mỹ, tình hình thị trường lao động tiếp tục có tin lạc quan, góp phần kéo giá vàng xuống 0,5%. Đến sáng nay, giá giảm thêm, mất 0,6 USD, xuống 1.578 USD tính đến 9h27.
Hiện nhà đầu tư vàng chờ đợi thông tin quan trọng khác sẽ công bố cuối ngày hôm nay là bảng lương lao động phi nông nghiệp của thị trường Mỹ trong tháng hai. Nếu bản tin này khả quan, giá vàng có thể đi xuống trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần. Việc làm tốt lên đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang có thể sẽ dừng hoặc cắt giảm gói nới lỏng sớm hơn dự kiến. Suốt trong vài năm qua, các gói nới lỏng, kích thích kinh tế là "người đồng hành" của giá vàng.
Theo VnExpress