Ông Bình cho biết, tính đến chiều nay 29/3, các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội đã có đề xuất về việc tăng giá cước sau khi giá xăng tăng lên mức kỷ lục.
Theo ông Bình, hơn một năm qua, giá xăng có nhiều biến động nhưng nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội taxi Hà Nội không tăng giá. Lần cuối, các doanh nghiệp tăng giá cước là ngày 7/3/2012 khi giá xăng tăng lên 21.300 đồng/lít.
Giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cước vận tải
Tuy nhiên, lần này sau khi giá xăng tăng mạnh vào hôm qua, các hãng taxi trong hiệp hội sẽ buộc phải tăng giá dịch vụ. Dự kiến, mức tăng sẽ từ 600 - 1.000 đồng/km.
“Tăng giá cước là điều không doanh nghiệp nào mong muốn vì sẽ gây mất đi một lượng lớn khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi không còn cách nào khác do giá cước hiện nay không đủ để bù lại cho chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Trước khi có giá cước mới, các hãng taxi sẽ phải trợ cấp trực tiếp cho lái xe vì theo tính toán, giá xăng tăng sẽ khiến mỗi lái xe mất thêm từ 900 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng tiền xăng/tháng. Đây là khoản tiền lớn so với thu nhập của tài xế. Doanh nghiệp sẽ thực hiện trợ cấp bằng tiền mặt hoặc tăng phần trăm lợi nhuận mỗi đầu xe lên”, ông Bình nói.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cho hay, việc xăng tăng giá sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải hành khách, đặc biệt là các hãng taxi. Do giá xăng tăng mạnh cộng với chi phí điều chỉnh đồng hồ tính cước, giá cước taxi theo dự kiến của ông sẽ tăng khoảng từ 5 - 6%. Đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, do phương tiện chủ yếu sử dụng dầu diesel nên giá cước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Cũng theo ông Hùng, mặc dù giá xăng trong nước đang thấp hơn mặt bằng chung của khu vực khoảng 5.000 đồng/lít, nhưng việc tăng giá xăng để chống buôn lậu lại là điều bất cập khi chúng ta có cả một bộ máy chống buôn lậu thì trách nhiệm lại bị đẩy về phía người dân.
Theo Thanhnien