Xăng dầu lãi hàng chục tỷ/ngày từ tiền túi của người dân

Thứ năm, 28/03/2013, 10:26
Giá xăng dầu thế giới liên tiếp giảm mạnh, trong khi giá trong nước vẫn chưa được điều chỉnh giảm, tỷ lệ trích quỹ bình ổn cũng giữ nguyên giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang được hưởng lãi lớn. Chỉ tính riêng phần chênh lệch từ khoản tiền trích quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giúp doanh nghiệp đầu mối kiếm lời hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.

Nhận xét về thực tế trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nó thể hiện cơ quan quản lý giá đang kém nhạy bén, không kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xăng dầu kiếm lợi lớn trong khi nền kinh tế thiệt hại nặng.

“Dù dùng quỹ nào, nguồn của người dân đóng góp hay nhà nước hỗ trợ (giảm thuế - PV) nhưng giá đã giảm vẫn để trích quỹ như cũ là không được, trong khi nguồn quỹ đã cạn kiệt vẫn phải chi, doanh nghiệp khó khăn do chi phí đầu vào lớn, người tiêu dùng sức mua cạn kiệt nhưng khi có cơ hội ta lại không giảm giá, mà vẫn bán giá như vậy để móc hầu bao của dân là việc điều hành không tốt”, ông Long nhấn mạnh.

Chỉ tính riêng phần chênh lệch từ khoản tiền trích quỹ bình ổn giá xăng dầu đã
giúp doanh nghiệp đầu mối kiếm lời hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.

Những ngày qua dù giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, nhưng giá trong nước vẫn chưa có điều chỉnh, thậm chí, từ 26/2 tới nay Bộ Tài chính cho doanh nghiệp trích từ Quỹ bình ổn ở mức 2.000 đồng/lít xăng, 800 đồng/lít với dầu DO và 1.150 đồng/lít với dầu hỏa.

Tính tới nay giá cơ sở bình quân 30 ngày của xăng A92 đã giảm mạnh, mức lỗ của doanh nghiệp đầu mối đã giảm xuống từ khoảng 2.000 đồng/lít nay chỉ còn khoảng 1.000 đồng/lít, với mức trích quỹ như trên doanh nghiệp đang bỏ túi 1.000 đồng/lít xăng từ quỹ.

Còn giá dầu DO hiện đã tương đương nhau, doanh nghiệp không lỗ, nhưng vẫn được trích 800 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá. Với dầu hỏa, doanh nghiệp chỉ còn lỗ khoảng 300 đồng/lít, nhưng vẫn được trích 1.150 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá, tính ra doanh nghiệp được hưởng hơn 800 đồng/lít.

Bàn về quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Long lưu ý ba vấn đề là: Nguồn hình thành từ đâu, sử dụng làm sao, quản lý sử dụng thế nào?

Ông Long phân tích, về nguồn quỹ, hiện tại vẫn lấy của người tiêu dùng với mức trích là 300 đồng/lít xăng. Trong khi, trong cơ chế thị trường hoạt động kinh doanh luôn có rủi ro nên phải có quỹ bình ổn, lĩnh vực nào cũng thế, nên đáng lý doanh nghiệp phải trích một phần lợi nhuận của mình để lập quỹ này, nhưng ở ta hiện nay không thế.

Về việc sử dụng và quản lý quỹ bình ổn, dù người dân đóng góp nhưng hiện nay quỹ lại để ở từng doanh nghiệp đầu mối nắm giữ chứ không tập trung về một mối. Tổng số nguồn quỹ bình ổn còn bao nhiêu cũng không ai công bố, chỉ có các doanh nghiệp nắm quỹ và cơ quan quản lý nhà nước biết được con số đó.

Vì để doanh nghiệp giữ quỹ nên doanh nghiệp có sử dụng tiền quỹ dùng vào mục đích khác cũng đâu ai biết được. Nên cần minh bạch, công khai để người dân nắm rõ.

“Để doanh nghiệp nắm quỹ rất bất hợp lý, Bộ Tài chính cũng từng đề nghị Chính phủ cho tập trung quỹ bình ổn về một mối, nếu có gửi ngân hàng không kỳ hạn vẫn có lãi suất, không để doanh nghiệp cầm như hiện nay, nhưng Chính phủ không đồng ý”, ông Long cho biết thêm.

Theo Phunutoday

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích