Rời công ty truyền thông từ giữa năm ngoái nhưng đến nay anh Lâm mới ổn định vị trí trưởng phòng công nghệ thông tin ở công ty bảo hiểm của Italy, chi nhánh tại TP.HCM. Nhớ lại quá trình tìm việc cả năm qua, anh Lâm kể đã tới lui cả chục công ty nhưng không nơi nào làm quá 3 tháng. Chỗ thì môi trường làm việc quá kém, nơi lương thấp, có công ty chẳng tạo điều kiện cho người lao động phát huy hết năng lực.
"Tôi có kinh nghiệm hơn 10 năm mà tìm một công việc ưng ý quả rất khó khăn trong thời buổi này. Kể từ lúc ra trường tới nay, lần đầu tiên tôi thấm thía cảm giác chật vật khi xin việc", anh chia sẻ.
Thu nhập không phải là một trong những nguyên nhân chính khiến các sếp nghỉ việc. |
Cách đây 2 tháng, Adrian, giám đốc tiếp thị người Philippines làm việc ở một công ty dược phẩm, quận Tân Bình nhận được thông báo "khẩn" từ ban lãnh đạo.
Anh kể, người đứng đầu doanh nghiệp nói sẽ phải thu hẹp quy mô hoạt động và không còn đủ khả năng trả lương cho anh nữa, ở mức 4.000 USD một tháng. Anh chủ động rời khỏi nơi đã gắn bó 4 năm để nộp đơn sang công ty khác nhưng tới nay vẫn chưa nơi nào chính thức phản hồi.
Trong quá trình chờ đợi, anh vừa dạy thêm ở khoa quản trị kinh doanh vào buổi tối tại một trường quốc tế và làm tư vấn kinh doanh cho công ty dược phẩm. "Tình hình tài chính eo hẹp hơn nên tôi tìm đủ cách xoay sở và hiện cũng chỉ mới có được khoản thu nhập tương đương 30% so với trước. Riêng lĩnh vực tư vấn kinh doanh, tôi bị áp doanh số nhưng do có mối quan hệ sẵn nên cũng không tới nỗi nào", anh cho hay.
Trường hợp của anh Lâm, Phó giám đốc kinh doanh tại một công ty ô tô, quận Phú Nhuận lại tự gửi đơn nghỉ việc do bất đồng quan điểm với lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, anh tự tin vào năng lực, kinh nghiệm từng trải gần chục năm của mình nên dù bạn bè khuyên bảo "cố chịu đựng", anh vẫn quyết tâm ra đi.
Với anh, tiền lương không quan trọng mà trên hết là được thỏa mãn đam mê kinh doanh từ thời còn là sinh viên. Anh muốn tự chủ trong mọi quyết sách của lĩnh vực mình phụ trách, đôi lúc có chút táo bạo bởi nhiều khi "liều mới thắng". Chính vì vậy, quyết định đầu quân về một doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành này, lương thấp hơn nhiều và thua xa mức 40 triệu đồng ở công ty cũ nhưng anh vẫn hài lòng.
Còn công ty xuất nhập khẩu của chị Thủy, quận 8 đầu tư dàn trải vào bất động sản nên không đủ dòng tiền quay vòng vốn, cứ vay chỗ này đắp chỗ kia, tới lúc không còn nhờ được ai buộc phải co cụm lại. Kết quả, 20 người đành nghỉ việc, trong đó có chị vì nếu có ở lại cũng không hưởng trọn vẹn mức lương như trước. Không may mắn tìm được vị trí giám đốc kinh doanh như mong muốn, chị Thủy, giờ chuyển qua làm quản lý một nhóm nhỏ ở công ty thương mại dịch vụ ở quận Tân Bình.
"Tôi cứ nhận công việc này trước để san sẻ tài chính với chồng, nhưng vẫn để mắt tìm chỗ tốt hơn", chị cho biết.
Theo thông tin từ Anphabe Top Headhunt (chuyên cung ứng các đầu việc cho người lao động trên trang mạng cộng đồng Anphabe), hiện có từ 300 - 500 đầu việc dành cho giới nhân sự cấp cao (chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh, marketing) với mức lương trên 1.000 USD.
Vị đại diện cho biết, trong tháng 2, có tới 54% nhân sự cao cấp tham gia khảo sát có mong muốn tìm công việc xứng tầm hơn. Khảo sát trực tuyến xu hướng tuyển dụng và dịch chuyển nhân lực cao cấp này có hơn 55.000 người tham gia.
Nhóm cũng khảo sát nhu cầu tìm việc của 11 công ty "săn đầu người" tại Việt Nam để tham chiếu kết quả. Kết quả cho thấy, doanh nghiệp thu hẹp kinh doanh nên giảm bớt vị trí (từ nhân sự cấp thấp đến cấp cao); lương, thưởng bị giảm hoặc không tăng như ý; kinh doanh khó khăn dẫn tới môi trường làm việc căng thẳng; khó nhìn thấy cơ hội thăng tiến...
Trao đổi với PV, đại diện của một trang web việc làm ở TP.HCM cũng cho hay, trong một tháng trở lại đây, số lượng người tìm việc từ cấp trưởng phòng trở lên tại TP.HCM khoảng 27 người và nhưng công việc dành cho vị trí này chỉ 15.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong tháng 5 và các tháng tới, các nhóm ngành dưới đây tiếp tục gia tăng nhu cầu tuyển dụng: - Marketing – Quan hệ công chúng – Tổ chức sự kiện; - Dịch vụ thông tin – Tư vấn – Chăm sóc khách hàng; - Dệt may – Giày da; - Tài chính – Ngân hàng – Kế toán – Kiểm toán (Nhân sự chất lượng cao); - Dịch vụ, phục vụ - Nhà hàng khách sạn – Du lịch; - Xây dựng – Vận tải; - Công nghệ thông tin (Lập trình viên, Quản trị mạng…). |
Theo VnExpress