VFA chấp nhận bán gạo giá rẻ để kiếm hợp đồng

Thứ hai, 10/06/2013, 14:30
Thông tin Chính phủ thông qua quyết định triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu 2013 (tương đương 2 triệu tấn lúa), từ 15/6 đến 31/7/2013, lập tức có tác dụng kéo giá lúa gạo thị trường nội địa tăng nhẹ trở lại. Trong khi đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết đang tìm cách tìm thêm hợp đồng xuất khẩu, dù phải chấp nhận mức giá thấp.

Giá lúa gạo tăng nhẹ

Sau một thời gian dài giảm giá, hôm 6/6, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL đã tăng khoảng 50 - 100 đồng/kí lô gam, sau khi thông tin tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vừa được Chính phủ thông qua lan rộng trong giới thương nhân kinh doanh lúa gạo. 

Theo các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại tỉnh Đồng Tháp, những cánh đồng lúa được thương nhân tại địa phương thu mua có giá 3.950 - 4.050 đồng/kg (giống IR 50404); còn những cánh đồng do thương nhân từ những địa phương khác đến mua có giá thấp hơn, khoảng 3.800 - 3.900 đồng/kg (do phải tốn thêm chi phí vận chuyển - PV), tăng 50 - 100 đồng/kg so với mức giá ngày hôm 5/6.

giá lúa gạo 
 Thu hoạch lúa hè thu tại Tiền Giang.

Nguyên nhân của đợt tăng giá này là do tác động từ thông tin chương trình tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu 2013 sắp bắt đầu. Thậm chí đã có doanh nghiệp đã bỏ nhiều tiền ra thu mua lúa trước khi chương trình tạm trữ được Chính phủ thông qua.

Nguyễn Văn Tiến, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết: “Thật ra, những thông tin rò rỉ về chương trình tạm trữ lúa gạo đã có cách đây cả tuần rồi. Không ít doanh nghiệp đã chi một khoản tiền lớn để gom lúa của nông dân, có người thu mua cùng lúc cả chục héc ta lúa rồi phơi khô và chờ chương trình tạm trữ triển khai để bán ra hưởng chênh lệch khi giá tăng, do đó, kéo giá lúa nội địa tăng nhẹ trở lại”.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại tỉnh Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, giá gạo nguyên liệu của giống lúa IR 50404 ngày 6/6 tăng khoảng 50 đồng/kg so với hôm 5/6 và dao động khoảng 6.000 - 6.050 đồng/kg; gạo nguyên liệu của các giống lúa hạt như OM 4218, OM 5451, OM 6976… có giá dao động khoảng 6.200 - 6.400 đồng/kg.  

Chấp nhận xuất khẩu giá rẻ

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, châu Á là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam; trong đó, Trung Quốc là nước nhập nhiều nhất, chiếm khoảng 35% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam (tính đến 31-5-2013 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 2,8 triệu tấn). Tuy nhiên, tình trạng thương nhân Trung Quốc ép giá, hủy hợp đồng nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhiều khiến tình hình xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn.

VFA cho biết, đến cuối tháng 5/2013, có đến 64% lượng hợp đồng bán sang Trung Quốc bị hủy nhưng hiệp hội này không tiết lộ con số cụ thể bị hủy cũng như tăng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu tính trong 4 tháng đầu năm 2013, Việt Nam có 280.000 tấn gạo bị hủy, trong đó, chủ yếu là những hợp đồng từ thương nhân Trung Quốc.

Lý giải nguyên nhân gạo Việt Nam bán sang Trung Quốc bị hủy nhiều, ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu (Cần Thơ), cho biết do yếu tố về giá, nghĩa là khi ký giá cao nhưng đến lúc giao hàng giá trong nước xuống thấp nên Trung Quốc hủy hợp đồng, không nhận hàng.

“Thị trường Trung Quốc là thị trường hết sức khó, khi họ ký và nhận hàng có giá thấp họ sẵn sàng lấy ngay nhưng lúc ký giá cao mà khi nhận giá trong nước giảm là họ hủy, đặc biệt, khi thông tin nói gạo mình ế, gạo mình khó bán, tồn kho nhiều… họ tìm cách ép liền”, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát tại tỉnh Bến Tre, cho biết.

Theo ông Tuấn, dù Trung Quốc hủy hợp đồng nhiều nhưng phía Việt Nam vẫn không dám phạt khi họ vi phạm. “Khi bán gạo cho thương nhân Trung Quốc, Việt Nam trong tư thế cần bán hơn nhu cầu của họ cần mua. Do đó, thương nhân Trung Quốc làm chủ, mình vi phạm là họ phạt ngay, còn họ vi phạm thì ít khi nào mình phạt bởi mình làm căng thì sợ mai mốt không bán được nữa”, ông Tuấn nói.

Các doanh nghiệp xuất khẩu không những gặp khó đối với thị trường Trung Quốc mà, theo VFA, là thị trường xuất khẩu chung nên khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được chào ở mức thấp.

“Thị trường xuất khẩu khó khăn nên chúng tôi chấp nhận bán (gạo) rẻ, bán thấp để tiêu thụ lúa hàng hóa. Nếu không giải quyết được lượng gạo còn tồn kho ở vụ đông xuân, thì vụ hè thu này không biết làm gì cho hết lúa”, ông Phong cho biết.

Từ đầu tháng 5/2013 đến nay, VFA liên tục hạ giá xuất khẩu để tìm kiếm thêm hợp đồng bán gạo. Hiện giá chào xuất khẩu đối với gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ 370 - 380 đô la Mỹ/tấn và 350 - 360 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm.

Số liệu được công bố từ Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cho thấy hiện tượng giảm giá của Việt Nam chỉ là cá biệt, đi ngược lại với xu thế chung của thế giới.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2013, chỉ số giá lương thực thế giới tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2012. Giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng tăng so với cùng kỳ, với mức tăng bình quân 0,3% đối với gạo chất lượng thấp và 2,4% đối với gạo chất lượng cao.

Một điểm đáng lưu ý là trong khi VFA cho rằng xuất khẩu gạo Việt Nam 5 tháng đầu năm nay gặp rất nhiều khó khăn thì khối lượng hợp đồng xuất khẩu lại tăng đến 13% so với cùng kỳ năm ngoái (dù VFA không công bố cụ thể con số).

Theo TBKTSG

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích