“Lộ trình giá nước giai đoạn 2010-2013 sắp hết, Sawaco đang xây dựng lộ trình đơn giá mới cho giai đoạn 2014-2018. Kiến nghị HĐND TP.HCM ủng hộ, thông qua lộ trình giá nước mới nhằm tạo điều kiện cho Sawaco có nguồn vốn đầu tư cũng như giải quyết, chăm lo cho người nghèo” - ông Trần Đình Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), nói tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, ngày 8/8.
Mỗi năm cần 200 triệu USD
Theo ông Phú, trong sáu tháng đầu năm 2013, Sawaco đã gắn mới trên 29.700 đồng hồ nước, nâng tỉ lệ hộ dân đô thị được cấp nước sạch lên trên 88%. Chỉ tiêu cung cấp nước sinh hoạt đạt khoảng 132 lít/người/ngày.
Để đạt được điều này, trong năm 2013, Sawaco cần hơn 2.900 tỉ đồng nhằm tăng cường phát triển, sửa chữa mạng lưới cấp nước và quyết liệt giảm thất thoát nước. Trong đó, vốn từ ngân sách chỉ gần 100 tỉ đồng, vốn của đơn vị trên 2.000 tỉ đồng và vốn vay gần 800 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lạm phát nên tổng mức đầu tư các dự án đều tăng cao, nguồn vốn của Sawaco chỉ mới đáp ứng khoảng 68% nhu cầu.
Thi công một đường ống cấp nước tại TP.HCM. |
“Để thực hiện quy hoạch cấp nước của TP đã được Thủ tướng phê duyệt, Sawaco cần một số vốn lớn hơn nhiều so với khả năng đáp ứng. Theo tính toán, từ nay đến năm 2025, Sawaco sẽ cần trên 2,5 tỉ USD vốn, tức mỗi năm hơn 200 triệu USD” - ông Phú nói thêm.
Cũng theo ông Phú, bên cạnh việc thiếu vốn, Sawaco còn gặp khó khăn khi thu hút đầu tư cho các dự án phát triển mạng lưới cấp nước. Nguyên do là giá nước thấp nên lãi suất đầu tư thấp, các nhà đầu tư không mặn mà tham gia.
“Giá nước sẽ trên 8.000 đồng/m3”
Từ thực tế trên, ông Phú kiến nghị một loạt giải pháp để Sawaco có nguồn vốn đầu tư. Cụ thể, dùng nguồn ngân sách để đầu tư mạng lưới truyền dẫn, cấp 1 và cho vay (không tính lãi) để phát triển mạng lưới cấp 2; kiến nghị UBND TP đề nghị Chính phủ cho phép Sawaco tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, biện pháp đặc biệt liên quan đến hàng triệu người dân TP.HCM là điều chỉnh giá nước.
“Thách thức lớn mà Sawaco đang đối mặt là thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư cung cấp nước sạch. Theo đó, giá nước phải được tính đúng, tính đủ và phù hợp với nhu cầu, khả năng của người dân nhưng cũng phải đủ hấp dẫn để khuyến khích kêu gọi đầu tư vào ngành cấp nước” - ông Phú trình bày.
Đại diện Sawaco còn kiến nghị được vay ưu đãi đầu tư với lãi suất 5%-6% với thời hạn trên 10 năm. Hoặc Sawaco sẽ vay và trả theo lãi suất thương mại nhưng lãi suất này sẽ được tính vào giá nước. “Giá nước trong định mức (1-4 m3) hiện là 5.300 đồng/m3. Mức giá này quá thấp, khó đảm bảo thu hồi vốn và sinh lợi” - ông Phú nói.
Theo lời ông Phú, UBND TP đã giao Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM phối hợp với Sawaco xây dựng lại đơn giá nước mới cho lộ trình 2014-2018. Hiện chưa có mức tăng cụ thể nhưng nếu tính đúng, tính đủ thì giá nước trong định mức phải trên 8.000 đồng/m3.
Sẽ có nước uống tại vòi Theo ông Võ Quang Châu, Phó Tổng Giám đốc Sawaco, Sawaco đang hướng đến mục tiêu chất lượng nước sạch có thể uống trực tiếp tại vòi. Từ nay đến năm 2015 có thể thí điểm tại khu vực đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và sau đó mở rộng ra toàn quận 2, 9 và Thủ Đức (giai đoạn 2015-2020). |
Theo PLTP