Trong nhà của Phương Linh (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội), không ít món đồ được mua từ vay trả góp như điện thoại di động, tivi LCD... Theo cách nghĩ của Linh, đi làm được một năm, thu nhập 5 triệu đồng một tháng, trừ các loại chi phí nếu để tự lực, cô khó mua được một chiếc điện thoại 8-9 triệu hay chiếc tivi 6 triệu mà gia đình đang sử dụng.
"Tivi giá 6 triệu nhưng mình chỉ trả nửa tiền, phần còn lại trả góp trong 6 tháng. Cứ lĩnh lương xong là trả dần, mỗi lần không nhiều lắm nên cảm thấy chịu được", Linh chia sẻ.
Nhiều trung tâm xe máy áp dụng chương trình mua hàng trả góp để hút khách. |
Năm ngoái, anh Trung (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đã mua chiếc xe gas Liberty trị giá 65 triệu đồng dù chỉ đủ 30 triệu đồng trong tay. Anh vay tiền để mua chiếc xe này qua một công ty tài chính tiêu dùng có liên kết với đơn vị bán xe. Trong vòng 2 năm, mỗi tháng anh trả thêm cả gốc và lãi cho chiếc xe khoảng 2,1 triệu đồng.
Tương tự, chị Thanh Nhàn, quận 6, TP.HCM cho biết, đám bạn ai cũng có điện thoại xịn nên chị muốn mua một chiếc cho bằng chị bằng em. Thu nhập của chị trừ các khoản chi phí chẳng còn dư bao nhiêu nên rất khó kiếm đủ ngay khoản tiền lớn để mua. Sau nhiều lần cân nhắc, chị quyết định mua một chiếc smartphone giá 12 triệu đồng bằng hình thức trả góp. Chị chỉ thanh toán trước cho nơi bán 2,52 triệu. Số tiền còn lại chị trả trong vòng 6 tháng, kèm theo lãi suất 2,43% một tháng (gần 30% một năm).
Như vậy, hàng tháng, số tiền gốc và lãi chị phải đóng là 1,82 triệu đồng, nâng tổng số tiền phải trả cho chiếc điện thoại lên đến 13,44 triệu đồng so với giá gốc 12 triệu ban đầu. “Mình biết số tiền phải trả cho món đồ mua theo hình thức trả góp tính ra cao hơn rất nhiều so với việc mua đứt bán đoạn. Nhưng vì kẹt tiền mặt đành phải mua như vậy”, chị Nhàn bộc bạch.
Anh Trung cũng cho rằng cùng một lúc khó có thể kiếm ra 65 triệu để mua được chiếc xe máy ưng ý nên chấp nhận cách này, coi như đi đường vòng.
Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều ngân hàng, công ty tài chính đua nhau liên kết với các trung tâm điện thoại, điện máy, xe máy… để tung ra chương trình cho vay mua hàng trả góp. Một số trung tâm điện máy lớn tại TP.HCM hiện nay còn cho phép khách hàng mua trả góp bằng thẻ tín dụng của ngân hàng đối tác với lãi suất 0% trong vòng 12 tháng.
Hoặc một số công ty tài chính liên kết với các trung tâm điện thoại hoặc xe máy khác cho vay tiền mua hàng trả góp với những điều kiện khá thông thoáng như không cần thế chấp, không cần hộ khẩu, thủ tục nhanh chóng…. Thời gian trả nợ thì có thể linh hoạt tính theo ngày.
Một chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, đây thực chất là một loại hình cho vay tín chấp. Nó cũng có mặt lợi là người mua có thể trả tiền theo mức thu nhập hàng tháng, khi không có sẵn tiền mặt để mua đứt sản phẩm.
Tuy nhiên, ông cho rằng khi mua trả góp thường người mua phải chịu lãi suất cao 2-4% mỗi tháng. Còn với những chương trình cho vay mua hàng lãi suất 0%, khách phải đóng thêm mức phí chuyển đổi trả góp 2,99% tổng giá trị sản phẩm. Chưa kể, một số nơi còn bán sản phẩm trả góp cao hơn so với nơi khác khiến số tiền phải trả thêm để mua trả góp không hề ít.
Ngoài ra, theo ông, điều khoản trong hợp đồng cũng có nhiều bất lợi cho khách như trả nợ chậm khả năng sản phẩm bị thu hồi, còn trả sớm thì bị phạt… nên khách hàng phải hết sức lưu ý.
Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn đầu tư tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM từng cảnh báo, động lực tăng trưởng kinh tế không đến từ tiêu dùng cá nhân mà chủ yếu phụ thuộc vào chi tiêu của Chính phủ, doanh nghiệp... Do đó, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Việt Nam không nên đẩy mạnh tín dụng cá nhân một cách đại trà. Vì như thế chỉ làm người dân thêm bần cùng hóa.
Một chuyên gia khác nhìn nhận, việc "đi đường vòng" bằng việc vay tiền mua hàng trả góp cũng là một "mẹo" để người tiêu dùng sắm sửa cho mình những món đồ đắt tiền khi chưa có đủ tiền mặt. Nhưng ông khuyến cáo người mua cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký vào hợp đồng vay trả góp. Ông lấy ví dụ, với trường hợp vay mua chiếc xe máy Liberty, nếu mỗi tháng trả cả gốc và lãi, nhìn chung tổng số tiền khách hàng phải trả cho chiếc xe giá niêm yết 65 triệu là 80,4 triệu (đắt hơn khoảng 1,3 lần).
Như vậy, chi phí đánh đổi cho khoản vay này không phải rẻ. Người tiêu dùng cần tính toán thật kỹ, tránh việc khó trả nợ sau này. “Chỉ nên mua những vật dụng cần thiết cho công việc hay cuộc sống chứ không nên mua trả góp tràn lan sẽ dễ rơi vào cảnh túng thiếu, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con”, ông khuyến cáo.
Theo VnExpress