Cây mía ta “ngắn” hơn cây mía Tây chăng?

Chủ nhật, 01/09/2013, 00:56
Cậu bạn tôi lý luận: “Vì sao không chọn cây mía ta thẳng mà chọn cây mía tây cong, trông không đẹp chút nào? Quả là ngu ngơ, thầy giáo toán đã dạy, đường ngắn nhất là con đường thẳng. Liệu có phải vì thế nên cây mía ngoại đem đi ép đường dôi hơn, nhà sản xuất có lời hơn và mỗi kilôgram đường vì thế cũng rẻ đi?”.

Đây chỉ là câu chuyện vui, nhưng đường của ta sản xuất ra không đấu nổi đường ngoại là có thật.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/8/2013, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 315.010 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 136.910 tấn. Chưa giải quyết hết hàng tồn, các doanh nghiệp mía đường mà “lộ diện” là những DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán đối mặt với lợi nhuận sụt giảm mạnh, làm các cổ đông choáng váng.

Trong khi, đường lậu lại tràn về, ước 400.000 - 500.000 tấn, do giá đường từ Thái Lan - nước thứ hai trên thế giới, sau Brazil về xuất khẩu đường - rẻ hơn 2.000-3.000 đồng/kg. Chênh lệch này khiến một số người kinh doanh hám lợi tìm đủ cách cho đường lậu vào “sân nhà”, thay vì đi buôn đường trong nước chẳng lãi lời là bao.

cay mia ta


Theo Hiệp hội Mía đường, sở dĩ đường ta thua đường Tây là do sức cạnh tranh của ngành mía đường trong nước yếu, sản xuất manh mún, quy mô nhỏ chưa khép kín từ đầu vào tới đầu ra, ngoài đường họ còn tạo ra các sản phẩm khác như cồn, điện, phân hữu cơ… có giá trị gia tăng cao.

Ở ta công suất ép lên 5.000 tấn mía cây/ngày đã là “khủng”, nhưng so với một số nước trong khu vực như Thái Lan thì công suất này chẳng thấm vào đâu, gần bằng 1/9 của họ. Song song với đó, cây mía ở Thái Lan có hàm lượng đường cao hơn từ 2 CCS, làm chi phí sản xuất mía cũng như đường của nước này thấp.

Ở ta, khâu thu hoạch chiếm gần 60% chi phí sản xuất do công tác cơ giới hóa trong sản xuất kém. Quy mô nguồn nguyên liệu cũng thua xa nước bạn với những đồn điền lớn, làm giá mía chiếm 80% giá thành sản xuất đường.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới giá đường tiếp tục giảm, do nguồn cung dồi dào, gây tình trạng dư thừa. Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE giảm hôm 28.8 do áp lực bởi lượng sản xuất tăng lên tại nước trồng mía hàng đầu Brazil và đồng real của nước này đã kích thích xuất khẩu lượng đường lớn ra thị trường quốc tế.

Chốt phiên, đường thô kỳ hạn tháng 10 trên sàn ICE giảm nhẹ 0,02 cent- tương đương 0,1%, xuống 16,44 cent/pound, trong khi mức thấp 3 năm là 15,93 cent/pound chạm tới hôm 16/7. Giá giảm dưới áp lực thặng dư sản lượng toàn cầu của ngành mía đường. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 10 trên sàn Liffe chốt phiên giảm 1,50USD tương đương 0,3%, xuống 477,90USD/tấn.

Cũng đã có những đề xuất “giải cứu” các doanh nghiệp mía đường như cơ cấu giống, nguồn nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, cải tiến công nghệ…, nhưng xem ra vẫn còn nhiều nan giải, chưa làm được ngay. Trước áp lực giá bên ngoài và tồn kho ở mức cao, thì hạn chế đường lậu đã có thể giúp thị trường hấp thụ một phần lượng đường tồn.

Theo Laodong

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn