Mức giá vé rẻ được quyết định như thế nào?
Thời điểm trước năm 2012, rất hiếm những chuyến bay tại Việt Nam có giá vé ở mức dưới 100.000 đồng, ngoài trừ một vài lần bán vé miễn phí của Tổng công ty hàng không Việt Nam nhân dịp năm mới. Thế nhưng, mọi chuyện đã khác từ 2 năm trở lại đây, khi hàng loạt mức giá danh nghĩa đước các hãng hàng không liên tục chào bán, từ 10.000 đồng, 3.000 đồng, 1 đồng rồi 0 đồng cho chuyến bay trong nước và dưới 10 USD cho các chuyến bay quốc tế.
Đại diện một hãng hàng không tiết lộ, trong quy định của luật hàng không, các hãng thường phải đăng ký một dải giá được phép bán, nhưng bán trong khoảng nào là tùy vào việc cân đối thu chi của các hãng hàng không. "Ví dụ một hãng đăng ký 12 mức giá trong khoảng từ 100.000 đồng đến 3.000.000 đồng thì hãng chỉ được phép tung các mức giá trong khoảng đó. Tuy nhiên, thông thường giá vé máy bay chỉ quy định mức trần, còn để ngỏ mức giá sàn".
5% vé trong một chuyến bay được xác định là "cho không"
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh hàng không cho biết, có rất ít chuyến bay được lấp đầy chỗ, do đó, luôn có một lượng vé nhất định được các hãng dành cho khuyến mại. Thực tế, vé giá rẻ không chỉ xuất hiện vào những mùa thấp điểm, khai trương đường bay mới hoặc trên các chuyến bay lệch đầu, mà có cả trong những dịp lễ, tết, mùa du lịch cao điểm. Tỷ lệ vé này được tiết lộ là khoảng 5% cho toàn hệ thống.
Số lượng vé giá rẻ: "Cung 1 cầu vô hạn"
Hầu hết các đợt bán vé giá rẻ của hàng không Việt đều trở thành "trận chiến" thực sự, khi các hãng cho biết lượng cầu thường cao gấp hàng chục lần lượng cung, khiến trang web của các hãng trên cả 2 kênh tiếng Việt và tiếng Anh đều thường xuyên xảy ra tình trạng nghẽn mạng, không truy cập được, hoặc xảy ra sự cố trong quá trình truyền dữ liệu. Tình trạng này khiến không ít lần các hãng hàng không bị "tố" lừa bán vé giá rẻ, nhưng các hãng đều phủ nhận thông tin này.
Đại diện hãng hàng không Vietjet Air, cho biết chỉ trong một ngày 21/8, sau khi chương trình bán vé máy bay 3.000 đồng của hãng công bố, đã có tới gần 10.000 người đặt mua được vé. Nếu tính theo con số 300.000 vé bán rải rác trong vòng 30 ngày, hãng cho rằng sẽ không xảy ra tình trạng nghẽn mạng giống như những đợt bán trước đó. Trong khi đó, Jetstar cho biết nhiều đợt bán giá sốc hoặc 1 đồng, vé thường được gom hết chỉ trong vài giờ.
Vé siêu rẻ sẽ không còn rẻ trong tương lai
Đưa ra những chương trình khuyến mại rầm rộ và những mốc giá sốc, các hãng hàng không giá rẻ thường nêu lý do là tạo ra thói quen đi lại cho khách hàng. Tuy nhiên, trong tương lai gần sắp tới, tần suất cho những chiếc vé giá sốc, giá siêu rẻ như vậy xuất hiện trên thị trường được dự báo là sẽ giảm mạnh.
"Trước đây hãng có thể bán vé trong một chặng bay với mức chỉ từ 100.000 đồng, nhưng gần đây, mức giá đã tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba lần. Đây là xu hướng của kinh doanh hàng không, bởi với mức giá dù gấp ba, những người có nhu cầu vẫn thấy rẻ, trong khi hạn chế được số lượng người mua ảo, chưa có nhu cầu bay thực sự", một chuyên gia hàng không nhận xét.
Vé rẻ bị mua bán lại giá gấp đôi: Chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của hãng bay
Đại diện các hãng hàng không đều khẳng định, việc vé giá rẻ của họ được mua rồi bán lại với giá cao gấp nhiều lần ngoài thị trường là có, nhưng chỉ là chuyện hi hữu. "Việc trùng tên vốn đã hiếm, mà chuyện những người trùng tên có cùng nhu cầu bay một chặng càng hiếm hơn. Các hãng không có yêu cầu đăng ký cả ngày sinh của khách hàng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch mua vé, còn chuyện họ mua bán lại là chuyện mà hãng không cấm, nhưng cũng không thể kiểm soát".
Theo Tri Thức