“Bí quyết” giúp phim Hàn đẩy lùi Hollywood

Thứ hai, 22/10/2012, 11:54
Bên lề LHP Việt – Hàn, một cuộc đối thoại nhỏ hé lộ phần nào cách thức và nỗ lực của điện ảnh Hàn Quốc nhằm đẩy lùi Hollywood trên rạp nội.
 
Những người Hàn có mặt ở buổi thảo luận điện ảnh Việt – Hàn, diễn ra vào chiều ngày 19/10, có quyền vui và tự hào. Dĩ nhiên, chẳng phải vì thói hãnh tiến trong cái nhìn hẹp hòi về đẳng cấp, mà bởi họ nhìn thấy ở VN hình ảnh quá khứ vào khoảng 20 năm trước của họ. Khi mà nền điện ảnh nội địa cũng chật vật tìm lối đi giữa lúc hệ thống kiểm duyệt khắt khe, còn màn ảnh thì bị thống trị bởi phim ngoại nhập.
 

Không chỉ đầu tư, mua lại rạp chiếu, điện ảnh Hàn sẽ gần hơn với điện ảnh Việt qua các hoạt động giao lưu và hợp tác làm phim sắp tới?
 
Nhưng hôm nay, các nhà làm phim Hàn có thể ngẩng cao đầu sau những gì họ làm được. Ông Jung Tae-Sun đến từ tập đoàn giải trí CJ E&M hồ hởi nói: "Trong sáu tháng đầu năm nay, không khí điện ảnh Hàn Quốc (HQ) rất khả quan. Doanh thu phòng vé tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Phim Hàn đã chiếm được 53,4% thị trường, tăng 5% so với năm ngoái, do kết quả của các bộ phim tốt hơn”.
 
Phim Hàn chiếm bảy trên mười bộ phim ăn khách nhất phòng vé HQ từ đầu năm tới nay.Trong đó “Thieves” và “Masquerade” đánh bại những người dơi, người nhện, người sắt để chiếm giữ hai vị trí đầu bảng với doanh thu lần lượt 82 triệu USD và 61 triệu USD.
 
Có thể nói thành công trong việc đẩy lùi được sự thống trị của Hollywood đã đưa điện ảnh HQ lên vị trí mẫu hình đáng học hỏi. Niềm tự hào có lẽ đã mang lại cho họ sự cởi mở khi chia sẻ bài học thành công của mình cho các nước đang phải đối diện với vấn đề tương tự, trong đó có VN. Và cuộc đối thoại bên lề liên hoan phim đang diễn ra đã hé lộ phần nào những bài học này.
 
Từ chia sẻ của nhà sản xuất Won Dong-Yeoh, đạo diễn Choo Chang-Min (hai nhà sáng tạo phim “Masquerade”) và ông Jung Tae-Sun, những bài học được trao đổi xem ra đã được các nhà làm phim VN dò dẫm thực hiện, nhưng mức độ chuyên nghiệp thì quả thực cách nhau rất xa.
 

“Masquerade”, bộ phim sáng tạo câu chuyện về một vị vua có thật nhưng không câu nệ vào hiện thực lịch sử
 

Nếu như điện ảnh Việt đang chỉ trông chờ vào các kỳ nghỉ trong năm như Tết hoặc Quốc khánh để làm những bộ phim hài vui vẻ cho chắc ăn doanh thu. Thì điện ảnh Hàn, dù cũng “ăn theo thuở ở theo thời” nhưng nhanh nhạy hơn nhiều trong nắm bắt tâm lý khán giả qua các cuộc điều tra thường xuyên.
 
Nhà sản xuất Won Dong-Yeoh cho rằng phim “Sắc đẹp ngàn cân” (200 Pounds Beauty) của ông ăn khách là nhờ kết hợp được mối bận tâm về giải phẫu thẩm mỹ của khán giả và sự yêu thích những cuốn truyện tranh manga Nhật Bản “tán” về các chiêu trò làm đẹp.
 
Hay như “Masquerade” đang đứng nhất nhiều tuần liền trên phòng vé. Kể câu chuyện về một vị vua hồi thế kỷ 17 thuộc triều đại Joseon, bộ phim này khai thác niềm kỳ vọng của người dân đối với một vị tổng thống mới nhân cuộc bầu cử vào tháng 12 sắp tới.

Không câu nệ vào hiện thực lịch sử, “Masquerade” sẵn sàng hư cấu thêm nhân vật phục vụ mô típ cổ tích “nhà vua và kẻ ăn mày” để làm bật lên những tiến bộ của vị vua này.
 
Không chỉ nhanh nhạy về khẩu vị khán giả, guồng máy vận hành chuyên nghiệp đã giúp điện ảnh Hàn phát huy được tất cả nội lực sáng tạo và trả công xứng đáng cho các thành phần tham gia.
 
Có mặt tại hội thảo, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết ông thường chỉ có khoảng 9 tháng cho một bộ phim, từ viết kịch bản chi tiết, tiền kỳ cho đến hậu kỳ, tính từ khi nhà sản xuất gật đầu trên nội dung câu chuyện.

Còn ở HQ, nhà sản xuất Won Dong-Yeoh nói thời gian từ phát triển đến hoàn chỉnh kịch bản thường mất khoảng…2 năm, và người biên kịch được nhận trước một khoản thù lao từ nhà sản xuất, cộng thêm nhiều khoản khác sau này để kích thích họ sáng tạo.
 

Đạo diễn Choo Chang-Min nói cách nay 20 năm, các nghệ sĩ HQ cũng phải đấu tranh cho tự do sáng tạo
 
Ngay như chuyện kiểm duyệt, các đại biểu HQ tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe đạo diễn Charlie Nguyễn kể chuyện để không phải đối diện với nguy cơ bị cấm phát hành, những bộ phim của ông luôn phải qua hai bước kiểm duyệt. Một lần (không chính thức) trên kịch bản và một lần trên phim (để có giấy phép phát hành).
 
“Khâu kiểm duyệt gần như lũng đoạn bộ phim, làm các tình tiết được kết nối rời rạc. Khán giả được cho gì ăn nấy vì họ không biết những gì bị cắt ra, làm cho đạo diễn rất ức chế”, ông nói.
 
Chia sẻ chuyện này, nhà sản xuất Jung Tae-Sun nói trước đây các nhà làm phim HQ cũng từng đối diện với chuyện kiểm duyệt nội dung phim ảnh tương tự VN. Nhưng điều quan trọng là họ đã tập hợp lại trong các tổ chức dân sự để đấu tranh loại bỏ được hệ thống này và thay nó bằng hệ thống phân loại phim theo lứa tuổi khán giả.
 
Một điều rất rõ ràng, bản thân hệ thống phân loại phim cũng là một hình thức kiểm duyệt, nhưng nó không bóp chết tự do sáng tạo của các nhà làm phim, mà điều chỉnh họ trong phạm vi trách nhiệm đối với khán giả.

Nhưng ngay cả khi hệ thống này đã được vận hành trơn tru như các nền điện ảnh tiên tiến, các tổ chức dân sự ở HQ vẫn cứ tiếp tục đấu tranh chống lại những biểu hiện lạm dụng hệ thống này để làm hẹp lại tự do sáng tạo.
 
Một cái nhìn về điện ảnh Hàn quả thật có thể gợi lên nhiều lối đi cho điện ảnh Việt.
 
Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn