Từ một "điều gì điên khùng" trước "ngày tận thế"
Các người đẹp Việt Nam không còn mặc cảm về thước tấc nữa, nhưng khi ứng thí cùng thiên hạ thì ngay lập tức bộc lộ sự vụng về và ngây ngô. Điểm yếu ấy phần nhiều do nền tảng đào tạo. Nếu tạm vượt qua được rào cản ngoại ngữ, thì hầu hết người đẹp của chúng ta đều lơ ngơ khi thể hiện bản thân ở phần thi năng khiếu và ở phần thi ứng xử.
Á hậu Hoàng Anh trong màn trình diễn biniki tại cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2012. |
Nói đến năng khiếu, có thể biện minh do…Thượng Đế bất công, đành gác sang một bên. Còn ứng xử luôn có ý nghĩa phơi bày kiến thức và bản lĩnh của mỗi thí sinh, không thể đổ thừa cho ai được.
Nếu so với các câu trả lời của những thí sinh khác, sẽ thấy hàm lượng thông tin cũng như hàm lượng chất xám của người đẹp nước ta khá thấp (đấy là chưa nói một câu trả lời muốn chinh phục ban giám khảo phải bộc lộ sự thông minh và sự hóm hỉnh nữa).
Trong clip phỏng vấn ngắn cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ, khi được hỏi: "Nếu mai là ngày tận thế, bạn sẽ làm điều gì điên khùng?", Hoa hậu Diễm Hương trả lời: "Một ngày trước khi tận thế, tôi muốn trở thành tên cướp, đến ngân hàng vơ vét sạch tiền rồi cho người nghèo, để họ có thể thành người giàu dù chỉ trong một ngày".
Mới nghe qua, ngỡ đấy là câu trả lời có cá tính, nhưng thực ra Diễm Hương lại hoàn toàn lạc đề. Đã làm điều điên khùng thì không thể giải thích và không cần giải thích. Đằng này, người đẹp tranh thủ phô diễn cảm hứng giúp đỡ người nghèo một cách hồn nhiên.
Mục đích của câu hỏi này nhằm khai thác khả năng hài hước ở thí sinh, nhưng Diễm Hương lại nghiêm túc bày tỏ ước mong nghĩa hiệp kiểu… Lương Sơn Bạc.
Nếu trả lời ngắn gọn: "Một ngày trước khi tận thế, tôi muốn trở thành tên cướp xinh đẹp nhất thế gian!" thì hẳn có sức thuyết phục công chúng hơn.
Bởi lẽ, không thể đánh lận điều điên khùng và điều phạm pháp. Và nếu tận thế xảy ra thật, thì chẳng ngân hàng nào còn mở cửa cho mỹ nhân trổ tài đạo tặc, và cũng chẳng người nghèo nào còn cần sự tấm lòng hỉ xả ban phát tiền bạc nữa!
Từ trường hợp của Diễm Hương ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2012 càng khiến những người tha thiết với việc xây dựng hình ảnh người Việt Nam hiện đại phải được ưu tư nhiều hơn.
Phương pháp giáo dục áp đặt khô cứng của chúng ta ngay trong các bậc học phổ thông đã triệt tiêu nhiều thăng hoa sáng tạo cá nhân.
Thông qua những phần thi ứng xử luôn khiến giám khảo và khán giả hồi hộp đứng tim tại các cuộc thi nhan sắc diễn ra khắp nước ta hàng chục năm nay, ít nhiều phản ánh người Việt đang rất hạn chế khả năng phát biểu trước đám đông.
Chúng ta quen thói nói gì cũng cầm giấy và cúi gằm mặt xuống mà đọc từng chữ.Các hoa hậu chính là minh chứng cụ thể nhất cho quá trình thiếu khả năng suy nghĩ độc lập. Suy nghĩ nương dựa vào người khác thì nói năng phải ngập ngừng thôi.
Tuy hơi cay nghiệt nhưng phải sòng phẳng nhắc nhau rằng: Các người đẹp Việt Nam chỉ diễn đạt tương đối trôi chảy khi được "mớm" trước câu trả lời để học thuộc lòng!
Hoa hậu Diễm Hương (thứ hai từ phải qua) cùng thí sinh một số nước tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2012. |
Chúng ta không trách Diễm Hương hay các hoa hậu khác. Lỗi chia đều cho mọi người trong chúng ta.
Đến chiến lược dài hạn cho đại diện nhan sắc Việt
So với các hoa hậu thế giới thì hoa hậu Việt Nam có sức ảnh hưởng khá khiêm tốn. Có thể các hoa hậu có quá nhiều mưu cầu cá nhân, mà cũng có thể các tổ chức xã hội chưa có hành động cụ thể ủng hộ hoa hậu tham gia vào đời sống xã hội.Ở đây, rõ ràng khó có thể trách ai được.
Lý do đơn giản nhất là chúng ta mới dừng ở khái niệm hoa hậu của sàn diễn, hoa hậu của tiệc tùng, hoa hậu của hoan hô, hoa hậu của chào đón.
Từ hai phía, với trách nhiệm và lương tri ở một đất nước khao khát vươn lên, thì hoa hậu nhận một phần lỗi về hoa hậu, và các tổ chức xã hội nhận một phần lỗi về các tổ chức xã hội, vì chúng ta chưa kịp hình thành khái niệm ứng xử của hoa hậu. Nghĩa là, song song với một hoa hậu được vinh danh phải có một hoa hậu được cống hiến!
Ngoài chiếc áo dài nền nã để mỗi bước đi toát ra cốt cách người Việt, các hoa hậu chúng ta có gì để tỏa sáng? Nếu Ban tổ chức cuộc thi hoa hậu quốc tế biết rằng, có người đẹp của chúng ta khi được chọn ứng thí mới vội vàng tập môn… đá cầu để đối phó với phần thi năng khiếu, thì không khác gì chuyện tiếu lâm liên lục địa.
Nếu muốn Hoa hậu Việt Nam có vị trí cao hơn nữa, thì trang bị ngoại ngữ vẫn chưa đủ. Tương lai Hoa hậu Việt Namphải có bản lĩnh của một người thanh lịch, biết chơi một loại nhạc cụ nào đó, biết múa một vũ điệu truyền thống của dân tộc, biết kể một câu chuyện duyên dáng…
Những điều đó ở đâu ra?Tất nhiên, không thể trông cậy vào những khóa đào tạo cấp tốc dăm bữa nửa tháng!Cái đẹp phải được bồi đắp một cách bền bỉ mới có sức lay động và cảm hóa người khác.
Sự thực lỡ làng, nói ra thật nao lòng, chính vì quan điểm giáo dục vẫn còn nhiều khô cứng của chúng ta, mà người Việt thời hội nhập với hình ảnh tiêu biểu là Hoa hậu Việt Nam luôn phơi bày không ít sự vụng về, sự lúng túng khi muốn phô diện vẻ đẹp với năm châu.
Đành rằng, chúng ta rất cần những nhà toán học đỉnh cao để thể hiện trí thông minh người Việt, nhưng chúng ta cũng cần những hoa hậu hoàn mỹ để thể hiện nét đẹp rạng ngời người Việt.
Để nhan sắc Việt tỏa sáng với thế giới, trước mắt còn nhiều việc phải làm. Quan trọng nhất là chúng ta phải có nhận thức đầy đủ và nghiêm túc về xây dựng hình tượng hoa hậu. Hoa hậu Việt Nam không chỉ đại diện cho dung mạo Việt Nam, mà còn đại diện cho thẩm mỹ Việt Nam, tấm lòng Việt Nam.
Thật nuối tiếc, nếu một ngày nào đó, chúng ta lỡ làng nhận ra thực trạng tôn vinh hoa hậu cũng giống như thực trạng đào tạo tiến sĩ.
Đành rằng, một đất nước phồn vinh thì càng nhiều hoa hậu càng tốt, càng nhiều tiến sĩ càng tốt. Song, phải chân thành e ngại, khi có rất nhiều học vị tiến sĩ mà lại có rất ít công trình khoa học giá trị; có rất nhiều danh xưng hoa hậu mà lại có rất ít vẻ đẹp nhan sắc lấp lánh.
Nói cách khác, hoa hậu và tiến sĩ là đỉnh cao cho cộng đồng chiêm bái. Nếu có khả năng chọn đỉnh cao của ngọn núi, thì không nên chọn đỉnh cao của vạt đồi!
Hình như trên thế giới, không có một quốc gia thịnh vượng nào có ý định bình dân hóa hoa hậu và quần chúng hóa tiến sĩ!
Theo CAND