Bàn về pháp lý nhân vụ ĐD Lê Hoàng bị tố “tráo ruột“ kịch bản

Thứ tư, 02/01/2013, 14:03
Nhân vụ đạo diễn Lê Hoàng bị tố "tráo ruột" kịch bản phim "Cát nóng", ông Trần Đình Thu, một luật gia sinh hoạt tại Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM trực thuộc Trung ương Hội luật gia Việt Nam, đồng thời là Trưởng các dự án phim của Hãng phim Thanh niên, bàn về mối quan hệ pháp lý giữa biên kịch và đạo diễn trong quá trình làm phim.
Phim "Cát nóng"
Đạo diễn Trần Đình Thu

- Xin anh cho biết quyền tác giả của các thành phần trong một dự án sản xuất phim, nhất là biên kịch và đạo diễn hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?

- Chúng ta có 2 luật quy định về vấn đề này. Một là Bộ luật Dân sự, hai là Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ Luật Dân sự quy định khái quát, Luật Sở hữu trí tuệ quy định cụ thể, chuyên sâu, cả hai đều xác định, tác phẩm điện ảnh thuộc loại hình sản phẩm được bảo hộ bản quyền, biên kịch, đạo diễn (cùng với quay phim, dựng phim, người sáng tác âm nhạc, người thiết kế bối cảnh, đạo cụ, kỹ xảo và những người làm công việc sáng tạo khác) thuộc nhóm đối tượng được bảo hộ quyền tác giả.

Như vậy kịch bản phim của biên kịch, ca khúc trong phim của nhạc sĩ, kỹ xảo có tính mới của nhà dựng phim, trang phục có tính mới của nhà thiết kế, bộ phim của đạo diễn… đều được bảo hộ quyền tác giả.

- Nhà sản xuất, người bỏ tiền ra làm phim, họ có quyền gì, thưa ông?

- Chúng ta biết quyền tác giả gồm có 2 phần: Quyền tài sản và quyền nhân thân. Tổ chức cá nhân bỏ tiền ra làm phim thì họ được toàn bộ quyền tài sản. Về quyền nhân thân, họ được một phần quyền là công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

Họ không được các quyền còn lại trong quyền nhân thân như đặt tên, đứng tên và cắt xén sửa chữa gây phương hại đến uy tín tác giả.

Như trường hợp của ông Thái Hòa, việc cho phép ông Lê Hoàng viết lại kịch bản và việc này gây phương hại đến uy tín của ông Phạm Thùy Nhân là vi phạm quyền tác giả.

Nhưng ở đây cần lưu ý, các quyền này chỉ được xác lập khi công việc đã hoàn thành chứ không tính trong giai đoạn sửa chữa để nghiệm thu.

Thí dụ biên kịch viết kịch bản không đạt chất lượng hoặc không đúng định hướng của nhà đầu tư thì Hội đồng biên tập có quyền yêu cầu tác giả sửa chữa hoặc viết lại.

Bộ phim mà đạo diễn vừa làm xong hậu kỳ nhưng có nhiều lỗi thì cũng phải sửa theo yêu cầu của hội đồng biên tập.

Tôi phải nhấn mạnh điều này vì hiện nay hiện tượng biên kịch không thống nhất với hội đồng biên tập của hãng phim gây đỗ vỡ dự án khá nhiều, hoặc đạo diễn khó tính khăng khăng không cho sửa phim cũng hay xảy ra. Những việc này đều không đúng quy định pháp luật.

Biên kịch đạo diễn không được vin vào cớ bảo vệ quyền tác giả để gây khó cho nhà sản xuất. Trường hợp của ông Phạm Thùy Nhân, kịch bản đã được Bộ văn hóa duyệt rồi nên bản quyền đã được xác lập rồi.

- Quy định này có mâu thuẫn với thực tế không thưa ông, khi mà đạo diễn là người được giao toàn quyền sản xuất một bộ phim? Nếu đạo diễn không hài lòng với kịch bản phim, thì người này sẽ sử dụng quyền chỉ huy của mình như thế nào để sửa chữa kịch bản?.

- Tôi đã nghiên cứu nhiều tài liệu nói về mối quan hệ cũng như vai trò của đạo diễn, biên kịch, có dịp tìm hiểu một số nhà làm phim nước ngoài, đối chiếu với thực tế và quy định pháp luật, tôi thấy rằng, hiện nay có rất nhiều người ở Việt Nam chúng ta ngộ nhận về vai trò của đạo diễn phim.

Vào thời kỳ điện ảnh mới phát triển, khoảng giữa thế kỷ 20, đạo diễn đảm nhiệm rất nhiều vai trò, họ được tôn xưng là “vua phim trường”. Nhưng việc làm phim ngày càng chuyên môn hóa cao, mỗi người trong đoàn làm phim ngày nay hầu như chỉ đảm nhiệm một khâu.

Biên kịch có nhiệm vụ viết kịch bản, hội đồng biên tập có nhiệm vụ giám sát chất lượng kịch bản, đạo diễn có nhiệm vụ chỉ huy việc diễn xuất, thu hình, dựng phim lồng tiếng để cho ra bộ phim.

Như vậy đạo diễn dần tách khỏi vai trò “tổng điều hành”, tiến đến vai trò “kỹ sư thi công”.Chúng ta hình dung một quy trình khác tương tự là xây một ngôi nhà. Kiến trúc sư sẽ thiết kế bản vẽ (tương tự vai trò biên kịch), đơn vị giám sát thiết kế sẽ thẩm định bản vẽ (tương tự vai trò hội đồng biên tập), kỹ sư xây dựng sẽ chỉ huy công nhân xây nhà theo bản thiết kế (tương tự vai trò đạo diễn).

Dĩ nhiên do đặc thù một bộ phim là một sản phẩm nghệ thuật nên có một số điểm khác với việc xây nhà mà tôi sẽ nói ở sau, nhưng nhìn chung vai trò của đạo diễn đã được xác lập là “chỉ huy thi công”.

Ở đây, vấn đề đặt ra khi đạo diễn nhận thấy kịch bản dở, thì xử lý như thế nào?. Xin nhắc lại, việc thẩm định kịch bản không phải là việc của đạo diễn mà là của hội đồng biên tập. Đạo diễn nếu thấy dở thì có ý kiến với hội đồng biên tập, hội đồng biên tập sẽ làm việc với biên kịch, chứ còn đạo diễn không được viết lại hoặc sửa lại kịch bản.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều đơn vị làm phim ở Việt Nam hiện nay không có hội đồng biên tập nên giao luôn cho đạo diễn kiêm nhiệm việc này nên mới sinh ra các vụ kiện biên kịch – đạo diễn như vừa qua.

Tôi xin nói thêm, không phải cứ là đạo diễn phim thì có khả năng thẩm định chính xác chất lượng kịch bản phim. Đây là một sự ngộ nhận. Chỉ có các biên tập viên trong hội đồng biên tập mới có khả năng này.

Vì kịch bản là một chuyên môn rất sâu, đạo diễn không thể biết luôn phần này, dù ở trường học các đạo diễn được trang bị kiến thức kịch bản nhưng hoàn toàn chưa đủ để sửa chữa kịch bản.

-  Đạo diễn làm sao sáng tạo khi phải tuân thủ kịch bản chặt chẽ như vậy?

- Đạo diễn sẽ sáng tạo trong giai đoạn thi công. Có biết bao nhiêu thứ để sáng tạo trong đó. Đây là điểm khác với việc xây một ngôi nhà như nói ở trên.

Đạo diễn được quyền tung tẩy ở các khâu chọn bối cảnh,  chọn diễn viên, chỉ đạo diễn xuất, thu hình, lựa chọn kỹ xảo, nhạc phim…

Nhiều thứ để sáng tạo. Nhưng tuyệt đối không được phép viết lại kịch bản phim hoặc cắt sửa đảo lộn phần lớn kịch bản.

Vừa qua, tôi thấy một số tòa án lúng túng ở chỗ này, họ không biết dựa vào đâu để xử, và cũng từ đó nhiều đạo diễn không có chuyên môn về kịch bản vẫn tự cho mình quyền chế tác lại kịch bản, gây rắc rối nhiều thứ cho nhà sản xuất. Đây là điều nên tránh trong khi làm phim.

- Cảm ơn ông.

Theo Phapluatvn

Các tin cũ hơn