Đạo diễn Lê Hoàng 'đòi' quyền rửa bát cho đàn ông

Thứ bảy, 22/12/2012, 11:18
Cây bút châm biếm Lê Hoàng trào lộng về chuyện làm việc nhà: 'Gần đây toàn nhân loại ngã ngửa khi lục trong thư viện cổ, bản gốc của Shakespeare cho Hamlet kêu lên 'To wash dishes or to not wash dishes' có nghĩa 'Rửa bát hay không rửa bát'.

Phát ngôn này của đạo diễn đồng thời là cây bút châm biếm Lê Hoàng gây sốt qua trang Facebook "Mỗi tuần một chuyện - Đối thoại với Lê Hoàng". Từ góc nhìn đó, việc nhà bỗng trở nên nhẹ nhàng và rất đỗi thú vị với đàn ông. Dưới đây là bài viết của  Lê Hoàng về chuyện đàn ông làm việc nhà.

LE HOANG

Đạo diễn Lê Hoàng

Shakespeare là nhà viết kịch vĩ đại của nhân loại. Hamlet là vở bi kịch vĩ đại của ông. Trong tác phẩm nổi tiếng này, nhân vật nam thường xuyên thét lên "To be or not to be" có nghĩa "Tồn tại hay không tồn tại".

Ai cũng chắc mẩm câu nói đấy là kinh điển. Thế nhưng, gần đây toàn nhân loại đã ngã ngửa người khi lục trong thư viện cổ, bản gốc của Shakespeare cho Hamlet kêu lên "To wash dishes or to not wash dishes" có nghĩa "Rửa bát hay không rửa bát".

Hóa ra, rửa bát, lau nhà, chùi đồ vật, đánh bóng và làm sạch chúng là nỗi khao khát cháy bỏng của đàn ông. Nhưng hàng trăm năm qua điều ấy đã bị phụ nữ xuyên tạc và vùi dập, cướp lấy một cách trắng trợn.

Đàn ông trước hết là con người. Mà con người, chả ai muốn nặng nhọc, muốn nguy hiểm. Do đó, thay vì xông ra chiến trận, lao vào gươm giáo kẻ thù hay bom đạn, đàn ông đều thích vào bếp, vừa mở vòi nước, vừa quét dọn, vừa ca hát, vừa múa giẻ lau. Nhưng phụ nữ, ác thay, đã tranh mất phần này.

LE HOANG

Không dựa trên một văn bản rõ ràng nào, không căn cứ vào điều lệ nào, do ai ban bố, chỉ xuất phát từ thói quen, từ quan niệm và từ mong mỏi thầm kín là chiếm lấy những công việc dễ dàng, phụ nữ đã ngang nhiên, trắng trợn, bất chấp dư luận trong gia đình, trong nước và quốc tế dành lấy độc quyền làm chủ trong bếp.

Hầu như trong mọi gia đình hôm nay, ông chồng ngủ dậy đã thấy bà vợ đang xào nấu, băm chặt, chùi rửa chén đĩa và toilet. Dù chàng có dậy sớm tới đâu thì nàng cũng dậy sớm hơn. Dù chàng có bưng mâm chén đĩa lao tới vòi thì nàng cũng cướp lấy tức thì.

Ai cũng tưởng như thế là các cô gái đảm đang, là nề nếp, là yêu chồng. Không ai chịu hiểu thực ra đó là một cách tạo sức ép tinh vi, đẩy đàn ông ra vỉa hè, bắt họ phải lao vào những cuộc cạnh tranh khó khăn hơn, tàn nhẫn và ít thơ mộng hơn.

Khi phụ nữ giành hết việc nhà, lại còn che đậy điều ấy bằng những khẩu hiệu như "Hy sinh thầm lặng" hoặc "Vì chồng vì con", với các hình ảnh "Đầu tắt mặt tối", đàn ông chả còn cách tồn tại nào nữa, buộc phải tìm vinh quang ở nơi khác ngoài gia đình. Mà những chỗ đó, ôi thôi, đầy khó khăn, gian khổ, cạm bẫy.

Bị tước quyền nội trợ một cách hồn nhiên, bị tống ra khỏi bếp một cách dễ thương, dịu dàng, đàn ông chỉ còn việc suốt ngày đêm, năm tháng, lang thang ở các công ty, các cơ quan xí nghiệp, hay tệ hơn, các quán rượu để tìm một chút hào quang.

Phụ nữ thật tinh khôn. Chả những lấy đi của đàn ông phần lau dọn, họ còn tước đi niềm yêu thích chúng. Họ tung ra đủ các luận điệu, tuyên truyền, nói rằng việc nhà là việc vụn vặt, tủn mủn, không xứng đáng với sức khỏe, kiến thức cũng như phẩm giá cao quý của mọi ông chồng.

Hậu quả là bao nhiêu thế kỷ qua, đàn ông bị dằn vặt như Hamlet: "Rửa bát hay không rửa bát". Rửa thì bị nghĩ là tầm thường, không làm được việc lớn. Không rửa thì tiếc nuối vì đó thực ra vẫn còn dễ chịu hơn nghìn lần những việc mình sẽ phải gặp ở công ty (thời Hamlet chưa có công ty, nhưng đã có triều đình!)

le hoang

Đã tới lúc đàn ông phải siết chặt hàng ngũ, đấu tranh một cách mạnh mẽ, thẳng thắn để giành quyền lau chùi của mình, không cho phụ nữ thao túng và xâm chiếm.

Sự nghiệp đấu tranh này phải có sự giúp sức của dư luận tiến bộ, của các cơ quan báo chí, tuyên truyền. Nếu đâu đó có tổ chức cuộc thi làm việc nhà mà phụ nữ đạt hết các giải thưởng do đàn ông không tham gia thì cũng rất lãng phí. Việc nuôi nấng, đào tạo, giáo dục và mở rộng cửa cho đàn ông vào bếp một cách tự nguyện cần coi như một tiêu chuẩn của phụ nữ thông minh.

Hãy thay đổi tận gốc cách miêu tả đàn ông, ví dụ như hình ảnh người doanh nhân mặc comlê, xách cặp da không đẹp bằng khi họ đeo tạp dề, ôm chai nước rửa chén. Hoặc ông giám đốc ngồi uy nghi bên bàn giấy không sang trọng bằng ngồi tươi cười trước đống xoong nồi. Sự nghiệp này không phải khôi hài, nó là khao khát cháy bỏng mà đàn ông mong mỏi.

Theo VNE

Các tin cũ hơn