"Đi thi quốc tế, xấu hổ vì hoa hậu Việt bon chen"

Thứ ba, 29/01/2013, 08:31
"Có lần tôi xem một cuộc thi quốc tế, rất xấu hổ vì thí sinh của ta cứ chen chúc, chạy lung tung trên sân khấu để tìm chỗ đứng ngay trung tâm của ống kính. Điều này làm hình ảnh của người Việt ta rất bon chen, tranh giành và thiếu thanh lịch".

Đó là ý kiến của bà Võ Thị Xuân Trang - Hiệu trưởng trường John Robert Powers Việt Nam, một trường đào tạo học viên hướng đến sự tự hoàn thiện về nhân cách và phát huy hết tiềm năng của bản thân.

Từ năm 2008, John Robert Powers Việt Nam cũng là trường đồng hành cùng các cuộc thi hoa hậu lớn nhất nhì Việt Nam hiện nay như Hoa hậu Việt Nam, Miss Photo,…

Xung quanh câu chuyện về thất bại của các người đẹp Việt Nam trên trường sắc đẹp quốc tế, bà Xuân Trang đã gửi tới báo điện tử VTC News bài viết nêu ý kiến của mình.

Hoa hậu Việt hình thể xấu, trả lời ngớ ngẩn

Tham gia huấn luyện cho các cuộc thi người đẹp, hoa hậu, người mẫu từ 2008 đến nay, tôi thấy các thí sinh đa phần đến cuộc thi đều mong chiến thắng nhưng để chuẩn bị cho chiến thắng đó thì hầu như chính các em không chuẩn bị gì, nếu có thì do người khác chuẩn bị giùm.

Các em đến thi vì thích từ nhỏ, vì mọi người khuyến khích, vì muốn được đổi đời, vì thích được nổi tiếng... Hầu hết các em là những cô gái thông minh, gan dạ, có chiều cao nhưng hiếm có bạn nào đủ tiêu chuẩn về hình thể khỏe mạnh và có luyện tập.

Khả năng giao tiếp của Hoa hậu Việt luôn được đánh giá là kém. Trả lời phỏng vấn thường lạc đề, không biết nói gì hay trả lời ngớ ngẩn. (Ảnh minh hoạ) 

Đó cũng là lý do chúng ta không có giải cao ở các cuộc thi quốc tế. Cơ thể các em thiếu săn chắc. Thêm vào đó quan trọng nhất là các em chưa ý thức được vẻ đẹp của người con gái không chỉ có bề ngoài, mà là tâm hồn, tình cảm của mình với người khác được thể hiện thông qua cách các em ứng xử trong suốt cuộc thi.

Vì chưa phát triển vẻ đẹp nội tâm, nên cách giao tiếp ứng xử, trả lời báo chí hay trả lời phỏng vấn thường lạc đề, không biết nói gì hoặc trả lời ngớ ngẩn.

Kiến thức xã hội, kinh tế, chính trị, đời sống cũng là phần không mạnh của phần lớn các thí sinh, các em chỉ biết nhiều thông tin về thời trang, ca nhạc, người nổi tiếng mà thôi....

Không những thế, cũng có tình trạng bắt nạt lẫn nhau, nói xấu người này hay người khác, chửi sau lưng các quản lý thí sinh. Thói xấu như giấu giày, áo, trang sức của bạn thi vẫn còn tồn tại ở một vài thí sinh.

Trong quá trình truyền dạy cho các thí sinh ở những cuộc thi hoa hậu cũng như cho các học viên của trường John Robert Powers, điều đầu tiên tôi luôn nhấn mạnh với các em về cái đẹp trọn vẹn của một người phụ nữ nói chung và người con gái Việt Nam nói riêng.

Hoàng My là một trong những thí sinh Việt Nam được đánh giá là có ứng xử khôn khéo nhất tại đấu trường sắc đẹp thế giới.

Tâm lý của hầu hết thí sinh khi đến cuộc thi là căng thẳng, cạnh tranh, sợ bị hại, sợ bị ghét, sợ mình xấu hơn người khác… nên các em không mở lòng và nghi ngờ. Vì vậy, chúng tôi có những bài học tâm lý giúp các bạn gỡ bớt những rào cản đó thì tinh thần mới thoải mái và nhan sắc mới tỏa sáng được.

 Vì chưa phát triển vẻ đẹp nội tâm, nên cách giao tiếp ứng xử, trả lời báo chí hay trả lời phỏng vấn thường lạc đề, không biết nói gì hoặc trả lời ngớ ngẩn.


Những bài học về giao tiếp thanh lịch từ đi đứng, cách nói, giọng nói, xây dựng lòng tự tin, kỹ năng sàn diễn, ngôn ngữ hình thể đều được chúng tôi huấn luyện trong vòng chung kết.

Thí sinh Việt rất bon chen và thiếu thanh lịch

Có ý kiến cho rằng thí sinh của chúng ta chưa biết cách làm nổi bật mình trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế lớn như Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu thế giới. Nhưng theo tôi, kỹ năng làm nổi bật mình không hay chút nào mà nó còn làm cho người khác không thích mình.

Có lần tôi xem một cuộc thi quốc tế và rất xấu hổ vì thí sinh của ta cứ chen chúc, chạy lung tung trên sân khấu để tìm chỗ đứng ngay trung tâm của ống kính. Điều này làm hình ảnh của người Việt ta rất bon chen, tranh giành và thiếu thanh lịch.

Miss Leila Lopez thật sự không nổi bật, thường rất lặng lẽ trong tất cả các hoạt động của cuộc thi, nhưng cô vẫn chiến thắng. 

Ông bà ta hay nói "em xinh em đứng một mình cũng xinh" đến giờ vẫn còn giá trị, tôi có dịp đi xem Miss Universe 2011 tại Sao Paulo, cô thí sinh đạt giải đến từ Angola, Miss Leila Lopez thật sự không nổi bật.

Cô ấy 25 tuổi và thường rất lặng lẽ trong tất cả các hoạt động của cuộc thi, có thể nói cô ấy là người hiền nhất (theo đánh giá của Á hậu Hoàng My), nhưng cô ấy vẫn chiến thắng vì nụ cười nổi bật toát lên vẻ hiền hậu dịu dàng.

Trong những năm gần đây, tiêu chí của Miss Universe chọn những thí sinh có tính cách chân thành, thông minh trong ứng xử, có gương mặt khả ái và dịu dàng, chứ họ không chọn chân dài, quá chuyên nghiệp hay quá nổi bật… Đó cũng là lý do Miss China 2011 hay Miss Venuezela 2012 rất nổi bật nhưng chỉ trong top 5 mà thôi.

Không dễ để có vương miện ở các cuộc thi quốc tế

Trong bất cứ một cuộc thi hoa hậu nào ở Việt Nam và cả những cuộc thi cấp thế giới về nhan sắc, các thí sinh Việt Nam luôn được đánh giá là yếu trong giao tiếp để ghi điểm với giám khảo.

Chúng ta yếu ở các cuộc thi vì thường thí sinh ta không có nhiều thời gian huấn luyện các kỹ năng trước khi thi quốc tế.

Hàn Quốc là một ví dụ rất hay, họ tổ chức cuộc thi Miss Universe Korea vào khoảng giữa năm 2011, cô này sẽ có trên một năm học tập và chuẩn bị, và cô tham gia Miss Universe năm 2012.

Ngôn ngữ cũng là vấn đề lớn cho thí sinh không biết tiếng Anh. Ngoài ra văn hóa giao tiếp của phương Tây có những chuẩn mực phải tuân theo, nếu ta không biết cũng làm ta thiếu tự tin.

Để có vương miện ở các cuộc thi quốc tế lớn không phải là điều dễ dàng. Gần 100 quốc gia tham gia cuộc thi này, nhưng trong vòng 60 năm chỉ có 30 quốc gia có thí sinh đăng quang hoa hậu mà thôi. 

Muốn giao tiếp tốt thì phải học hiểu mình, hiểu người và học các nguyên tắc giao tiếp dựa trên nền tảng văn hóa của từng dân tộc. Và dĩ nhiên phải chọn hoa hậu có kiến thức, chịu học, có nội tâm và có sự thu hút từ cái rất duyên và rất riêng của cô ấy.

Ngoài những yếu tố trên, về kỹ năng, các Hoa hậu Việt Nam còn thiếu những yếu tố như phải được đào tạo bài bản về xây dựng sự tự tin, ăn nói duyên dáng, nội tâm mạnh mẽ,... Phải có gương mặt đẹp, duyên dáng, có trình độ. Phải biết tự trang điểm, trang phục và tự chải chuốt cho riêng mình,…

Để có vương miện ở các cuộc thi quốc tế lớn không phải là điều dễ dàng. Có những nơi có đại diện tham gia từ 1952 như Hong Kong chưa bao giờ có giải, Trung Quốc cũng chưa có ai trở thành Miss Universe. Gần 100 quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia cuộc thi này, nhưng trong vòng 60 năm chỉ có 30 quốc gia/vùng lãnh thổ có thí sinh đăng quang hoa hậu mà thôi.

Nói vậy không có nghĩa là chúng ta khó mà mơ đến vị trí số một này. Cái gì cũng có thể xảy ra, biết đâu Hoa hậu Việt Nam ta sẽ đạt được vương miện Miss Universe trong những năm sau.

Theo VTCNews 

Các tin cũ hơn