Nghiên cứu mới từ Juniper cho thấy Google Android là nền tảng di động được ứng dụng nhiễm độc “ưu ái” nhất. Tuy nhiên, iOS của Apple cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm.
Sau khi kiểm tra hàng trăm ngàn ứng dụng di động, báo cáo Hiểm họa di động 2011 của Juniper tiết lộ hơn 28.000 phần mềm mã độc, tăng 155% so với năm 2010. Đúng như dự đoán, Android là mục tiêu phổ biến nhất, trong khi trước năm 2011, hầu hết mã độc di động đều nhằm vào Symbian của Nokia và Java ME chạy trên điện thoại phổ thông. Phần mềm độc hại tấn công hệ điều hành của Google chiếm 13.000 mẫu vào thời điểm cuối năm 2011, tăng 3.325% so với 400 mẫu hồi tháng 6.
Chính thị phần dẫn đầu và thiếu biện pháp kiểm soát trong kho ứng dụng Android đã thu hút rất nhiều nhà viết phần mềm độc hại. Một nguyên nhân khác là sự phân mảnh của Android khiến các hãng sản xuất và nhà mạng chậm đưa ra các bản vá lỗi cho thiết bị. Thậm chí, dù chờ “dài cổ”, thiết bị Android rất có thể không nhận được bản cập nhật bảo mật nào, do đó càng dễ bị tổn thương và dễ bị mã độc tấn công.
Về phía Apple iOS, cơ sở dữ liệu của Juniper không bao gồm mẫu mã độc của nền tảng vì Apple không muốn công bố dữ liệu hoặc mở nền tảng cho các phân tích dạng này. Trong báo cáo, Juniper nhấn mạnh dù số lượng ứng dụng iOS nhiễm độc còn hạn chế nhờ chợ ứng dụng “đóng” và mô hình sàng lọc nghiêm ngặt, về cơ bản người dùng iOS cũng không an toàn hơn. Ví dụ, khi người dùng phá khóa thiết bị bằng cách xóa bỏ các giới hạn trên hệ điều hành, thiết bị trở nên nhạy cảm với ứng dụng độc hại tải từ nguồn thứ ba. Ngoài ra, theo báo cáo, Apple cũng không cung cấp cho các nhà phát triển công cụ tạo ra ứng dụng chặn mã độc.