Báo cáo mới nhất của IDC cho thấy, thị phần của Huawei theo đà lên dốc liên tục: từ 4,3% năm 2013 lên 6,7% trong năm 2014 và trong báo cáo Quý 2 năm 2015, Huawei đã nắm trọn 8,7% thị phần của thị trường di động trên toàn cầu. Tại Trung Quốc, sân nhà của Huawei, Canalys đã chỉ ra hãng này vừa cướp được “ngai” từ tay Xiaomi và giành vị trí số 1 trong Quý 3 của năm. Từ những con số này, giới chuyên gia bắt đầu nhìn nhận và đặt ra ba hướng đi tiếp theo cho Huawei: tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới, duy trì phong độ hay sẽ bị thoái trào?
Huawei và những bước tiến không ngừng nghỉ
Trong một vài năm trở lại đây, thị trường smartphone ngày càng khốc liệt giống “đấu trường sinh tử”, và các nhà sản xuất mới nổi giống như lính trẻ dai sức và hiếu thắng, luôn tìm mọi chiến lược để cạnh tranh về giá thành với các “đàn anh” đi trước. Kết quả là những “bậc tiền bối” cũng phải lao đao trong cuộc chiến tranh giành từng thị phần: Samsung bị sụt giảm trong doanh số, các “anh hùng” một thời như Sony, HTC và Motorola phải vật lộn để có thể tồn tại giữa đấu trường khắc nghiệt. Trong khi đó, Huawei vẫn đều bước tiến vượt qua mọi sóng gió trên thị trường và liên tục đạt mức tăng trưởng về doanh số trên toàn cầu.
Dĩ nhiên thành công của Huawei không đến từ may mắn! Dựa trên quy mô dân số ngày một gia tăng, Huawei xây dựng chiến lược về giá linh hoạt, đưa ra các mức giá tăng dần từ dòng sản phẩm giá rẻ cho tới các sản phẩm tầm trung và mới đây nhất là các sản phẩm cao cấp với thông số “đẹp như mơ”.
Bên cạnh chiến lược về giá, Huawei cũng có những thay đổi về tên sản phẩm để định vị thương hiệu trong trí nhớ khách hàng. Thay vì cái tên dài dòng như những năm đầu tiên là Huawei Ascend, hãng này đã mạnh dạn cắt bỏ chữ Ascend khi ra mắt Huawei P8. Một số hiệu ngắn gọn đi kèm với tên thương hiệu là điều Huawei học được từ các “đại gia” trong ngành như Samsung và Apple. Điều này một lần nữa được khẳng định khi vị CEO đầy tài năng của Huawei, Richard Yu phát biểu trên Bloomberg hồi đầu năm: “Huawei đang dần từ bỏ phân khúc giá rẻ của thị trường di động bởi rất nhiều hãng sản xuất khác đang bị lao đao khi cố gắng cắt giảm về giá. Trong khi đó, chỉ có duy nhất 2 tên tuổi vẫn “sống tốt” là Samsung và Apple.”
Tuy nhiên, chứng kiến những động thái của Huawei trong suốt 10 tháng kể từ phát biểu của Richard, mọi người hẳn sẽ hoài nghi về khẳng định trên. Huawei vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách cạnh tranh về giá khi cho ra mắt những dòng sản phẩm có thông số tốt, thiết kế sang trọng đi kèm nhiều tính năng nhưng mức giá thì cực kỳ hấp dẫn khi đặt cạnh các sản phẩm của Samsung và Apple.
Và không phải ngạc nhiên khi thấy kết quả cực kỳ khả quan của Huawei: hãng này trở thành cái tên đi đầu trong việc bán các thiết bị đồng hồ thông minh Android Wear đồng thời giành luôn “giải” điện thoại Android tốt nhất với siêu phẩm liên kết Nexus 6P cùng Google
Chưa hết, Huawei còn tham vọng khi theo đuổi cả phân khúc cao cấp trong khi vẫn níu giữ phân khúc giá rẻ. Để cạnh tranh với ông vua giá rẻ Xiaomi, Huawei cho ra mắt dòng sản phẩm độc lập là Honor. Các sản phẩm của Honor được bán theo gói tính năng (feature-packed) và phân phối qua các kênh thương mại điện tử bán hàng trực tiếp, hướng tới đối tượng khách hàng trẻ tuổi chưa có thu nhập. Mặc dù hoạt động độc lập với công ty mẹ Huawei nhưng Honor đã nhanh chóng chứng tỏ bản lĩnh và mở rộng thị trường tới hơn 70 quốc gia khác nhau. Hiện Honor đang được đón nhận rộng rãi bởi sở hữu các thông số ấn tượng nhưng mức giá thì vô cùng hợp lý.
Huawei “tiến quân” chinh phục thị trường Mỹ
Bắt đầu từ Trung Quốc, cái tên Huawei lan tỏa nhanh chóng ra khắp khu vực Trung Đông, châu Mỹ La tinh và Châu Phi. Ở khu vực châu Âu, các kết quả kinh doanh của Huawei cũng đang trên đà “lên dốc” sau khi hãng này tung ra chiến dịch marketing sâu rộng. Điện thoại của Huawei xuất hiện ở khắp nơi, từ đất nước mặt trời mọc Nhật Bản cho tới Jamaica, một đảo quốc nhỏ bé vùng Caribe. Tuy nhiên, mục tiêu xa hơn của thương hiệu Hoa Vỹ là chinh phục Hoa Kỳ.
Với một thương hiệu có xuất xứ từ Trung Quốc như Huawei thì chắc chắn rằng mục tiêu “tiến quân” vào thị trường Mỹ không dễ dàng chút nào. Đặc biệt là trong năm 2012, Huawei đã từng bị Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ cáo buộc là có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc và bị đánh giá là mối đe dọa an ninh. Mặc dù cáo buộc này có vẻ như “oan ức” cho Huawei bởi theo tờ New York Times, cựu tình báo Snowden tiết lộ rằng chính Cơ quan an ninh Quốc gia của Mỹ (NSA) đã từng tìm cách hack hệ thống của Huawei.
Bất chấp những “tai tiếng” không mong muốn như vậy, doanh số bán smartphone tại Mỹ của Huawei vẫn tăng nhẹ kể từ mùa hè năm ngoái. Nối tiếp những thành công ban đầu, Huawei tiếp tục cho ra mắt dòng P8 Lite vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên có vẻ như hãng này thấy đã quả đủ với những thử nghiệm điện thoại giá rẻ.
Mới đây, Huawei đã bắt tay với Google để ra mắt và giới thiệu sản phẩm Nexus 6P. Điều này được kỳ vọng là sẽ mang lại doanh số tốt nhất cho Huawei kể từ khi xâm nhập thị trường Mỹ, đồng thời sẽ là “bàn đạp” cho bước tiến của hãng tại xứ sở cờ hoa. Tất nhiên là Google không làm điều gì miễn phí và thỏa thuận với Huawei cũng nhằm hướng tới mục tiêu xa hơn là quay lại chinh phục thị trường Trung Quốc, sân nhà của Huawei. Đây cũng là điểm mấu chốt trong mối quan hệ giữa Google và thương hiệu Hoa Vỹ cũng như cho thấy tầm nhìn của hãng này khi xâm nhập thị trường Mỹ.
Huawei có mọi thứ trong tầm tay
Với những ai chưa biết về Huawei, xin điểm nhanh các thành tích mà hãng này có được: Năm 2010, Huawei được tạp chí Fortune 500 vinh danh và hãng này cũng là tên tuổi nổi bật trong ngành công nghiệp viễn thông với các sản phẩm đầu phát, bộ chuyển mạch điện được sử dụng rộng rãi trong nhiều thiết bị. Nói một cách khác, Huawei không phải là “tay mơ” trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh mà thực tế thì hãng này là một “đại gia” sản xuất với gia tài kinh nghiệm và thành tích khổng lồ.
Mới đây nhất, Huawei kết hợp cùng Hong Kong Telecom cho thử nghiệm công nghệ di động tân tiến nhất trên thế giới, công nghệ 4,5G. Chưa hết, Huawei còn là một tên tuổi “đáng gờm” trong ngành công nghiệp lưu trữ. Theo The Register đưa tin, Huawei cùng với Micron là hai đối tác chủ lực cung cấp dịch vụ lưu trữ dạng flash cho Trung tâm dữ liệu châu Âu. Có thể thấy rằng Huawei có mọi thứ trong tầm với.
Huawei và bước tiến tiếp theo
Mặc dù Nexus 6P là một bước đi quan trọng của Huawei nhưng khi đặt lên bàn cân so sánh cùng các sản phẩm như Galaxy S và iPhone thì doanh số của 6P vẫn còn thua xa. Tuy nhiên, chừng đó không đủ khiến Huawei phải chùn bước. Hãng này hiện đang khẩn trương chuẩn bị lễ ra mắt hoành tráng cho sản phẩm mới là Huawei Mate 8 vào cuối tháng 11. Mate 8 được kỳ vọng là sẽ sử dụng chip 8 lõi mạnh mẽ HiSilicon Kirin 950 và hỗ trợ kết nối mạng Cat 10 LTE, cho hiệu năng sử dụng mượt mà và tốc độ download siêu nhanh. Đồng thời, thiết kế của Mate 8 hứa hẹn sẽ là một tuyệt tác khác của Huawei, đi kèm với công nghệ màn hình cảm ứng lực Force Touch (như đã từng được ứng dụng trên phiên bản Mate S trước đó) và camera có gờ hơi nổi.
Với sự kiện ra mắt Mate 8, Huawei có khả năng giữ được vị trí smartphone tân tiến nhất trên thị trường trong một vài tháng cuối năm. Bên cạnh những kỳ vọng về thông số, hình thức phát hành sản phẩm của Huawei cũng đang được nhiều người chú ý. Liệu rằng Huawei có bán thiết bị mới trên toàn cầu hay đây sẽ là “siêu phẩm” đầu tiên của Huawei tấn công vào thị trường Mỹ?
Chắc chắn rằng với những động thái và bước tiến không ngừng nghỉ của Huawei, cả Samsung và Apple đều cần phải nhìn nhận và xem xét lại đối thủ đáng gờm đến từ Trung Quốc. Và có thể trong tương lai không xa Huawei sẽ trực tiếp đe dọa vị trí đầu bảng của cả hai đại gia này.
Theo ICTnews