Tôi may mắn có chuyến thăm tới khu Long Hoa, Thẩm Quyến, Trung Quốc. Đây là nơi mà ngành công nghiệp sản xuất iPhone phát triển mạnh mẽ và chứng kiến cảnh hàng nghìn công nhân đang chôn vùi cuộc sống.
Khung cảnh ở Long Hoa tràn ngập những khu phức hợp công nghiệp, các khu nhà ở xám xịt, nhiều kho chứa hàng sừng sững mọc lên lố nhố như nấm sau mưa. Khu ngoại ô của Thẩm Quyến có bầu không khí không mấy trong lành.
Tại Long Hoa, Foxconn là đối tác sản xuất lớn nhất của Apple bởi tính chuyên nghiệp trong từng khâu sản xuất cũng như bảo mật cực kỳ cao. Foxconn có rất nhiều nhân viên bảo vệ túc trực ở các cổng ra vào. Nhân viên, công nhân bắt buộc trang bị một thẻ ID và các tài xế chở hàng phải qua một máy quét vân tay. Công tác bảo mật của Foxconn nhiều lúc nghiêm ngặt tới nỗi từng có một phóng viên của Reuters bị khống chế và kéo ra khỏi xe khi đang chụp ảnh ngoài hàng rào.
Nhiều tín đồ Táo khuyết có thể dễ dàng để ý thấy dòng chữ sau lưng của mỗi chiếc iPhone rằng: “Thiết kế bởi Apple tại California, sản xuất tại Trung Quốc”. Bên cạnh đó, những phát kiến công nghệ mang tính đột phá tuy được lên ý tưởng từ thung lũng Sillicon, nhưng các sản phẩm ấy lại được chế tạo bởi bàn tay của nhân công Trung Quốc.
Trung Quốc hiện nay được mệnh danh là “công xưởng lớn nhất thế giới”, thu hút nhiều ông lớn ngành công nghệ chính bởi nguồn nhân công rẻ mạt. Theo Cục thống kê lao động Mỹ, tính đến 2009 có khoảng 99 triệu nhân công làm việc trong các nhà máy ở Trung Quốc, biến nước này thành nền công nghiệp phát triển thứ hai thế giới.
Foxconn là tập đoàn có lượng nhân công lớn nhất tại đất nước tỷ dân. Công ty này sở hữu khoảng 1,3 triệu nhân viên. Hiện nay, những chiếc iPhone được sản xuất dàn trải ở các xí nghiệp công nghệ cao khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm iPhone được chế tạo tại Foxconn luôn lớn nhất.
Trên báo chí, Foxconn được biết đến nhiều hơn nhờ các vụ tự tử. Từ năm 2010, nhiều công nhân gieo mình xuống từ những tầng nhà cao nhất ngay giữa ban ngày để phản đối điều kiện làm việc tại Foxconn. Đã có khoảng 18 vụ tự tử, trong đó 14 nạn nhân đã chết trong năm đó.
Theo lời kể lại của những người sống sót, nguyên nhân những vụ tự sát trên là do thời gian làm việc kéo dài, môi trường căng thẳng và quản lý khó tính sẵn sàng lăng mạ công nhân bởi một vài lỗi nhỏ. Hơn nữa, Foxconn còn được cho là không đáp ứng những phúc lợi đã hứa với nhân công.
Tuy nhiên, Foxconn lại giải quyết những vấn đề trên một cách rất gượng gạo. Terry Gou, CEO Foxconn cho lắp đặt nhiều tấm lưới lớn bên ngoài các tòa nhà để ngăn không cho ai nhảy lầu tự sát. Không những thế, công ty còn chọn ra những công nhân bị mua chuộc làm đại diện và bắt họ kí vào các cam kết không tự tử.
“Nơi này không dành cho con người”, chàng trai trẻ tuổi tên Xu chia sẻ. Anh ta làm việc tại khu Long Hoa đã được một năm, môi trường làm việc ở đây vẫn không có những biến chuyển tích cực. Công việc lúc nào cũng dồn dập gây nên rất nhiều áp lực, những người công nhân ở đây buộc phải làm việc liên tục suốt 12 tiếng đồng hồ.
Theo Xu, những tay quản lý ở đây thường có thái độ thô lỗ, sẵn sàng chửi mắng nhân công chỉ vì họ làm việc chậm và thường thất hứa. Nhiều người trước khi làm việc được hứa hẹn trả gấp đôi tiền lương nếu làm thêm giờ nhưng rốt cuộc công ty vẫn "xù" khoản tiền này.
“Nếu không có người tự sát thì đó không phải là Foxconn nữa. Mỗi năm người ta đều tự kết liễu đời mình và Foxconn cho rằng đó là chuyện thường ngày ở huyện”, Xu nói.
Viễn cảnh về một công việc mơ ước trong ngành công nghiệp sản xuất iPhone tạo cho người ta rất nhiều mộng tưởng. Có người cảm thấy rằng góp sức cho công cuộc cải tiến bộ mặt thế giới công nghệ là một điều tuyệt vời. Người thì luôn suy nghĩ về lựa chọn của mình, lại có người gục ngã bởi áp lực công việc hay thực dụng hơn, có người xem công việc này như một công cụ để cưa gái.
Đã có rất nhiều bài viết về môi trường làm việc tồi tệ trong nhà máy sản xuất iPhone. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tham gia vào công việc này, một phần là vì họ không quan tâm lắm hoặc có thể họ đang thất nghiệp.
Chiếc iPhone hiện nay là một tổ hợp của những công nghệ và thiết bị phức tạp đòi hỏi quy trình khép kín, nghiêm ngặt. Một nữ công nhân chia sẻ mỗi ngày có hơn 1.700 chiếc iPhone qua tay mình, cô ấy phụ trách khâu quét một lớp xi đánh bóng lên trên màn hình. Tốc độ làm việc phải luôn giữ mức một phút hoàn thành 3 màn hình, trong khoảng thời gian suốt 12 tiếng.
Nhiều công việc đòi hỏi nhiều kiểu năng hơn như lắp bảng mạch và ghép vỏ sau điện thoại thì cho phép tốc độ chậm hơn. Trung bình một công nhân làm ở khâu này phải làm được 600 tới 700 chiếc iPhone mỗi ngày. Khi làm việc mọi người bắt buộc phải im lặng tuyệt đối và có thể làm sếp quát tháo nếu xin ra ngoài đi vệ sinh.
“Nhiều người bảo Foxconn đích thị là cái bẫy vì rất nhiều người đã bị dụ dỗ”, Xu trả lời. Foxconn hứa hẹn sẽ cung cấp cho họ nơi ở miễn phí nhưng lại thu phí bất hợp lý tiền điện và nước. Một phòng trong những khu nhà ở của Foxconn chứa được 8 người, nhưng có lúc con số này lên tới 12 người/phòng.
Hơn nữa, Foxconn còn tự ý cắt giảm những bảo hiểm phúc lợi xã hội và chậm trễ trong việc trả tiền lương hay tiền thưởng. Không những thế, nhiều công nhân phải chịu nộp tiền phạt nếu bỏ việc trong khoảng thời gian 3 tháng thử việc.
Bạn luôn phải chuẩn bị trước tinh thần vì có khả năng những người giám sát sẽ lăng mạ bạn trước bao nhiêu đồng nghiệp. Thay vì nhẹ nhàng nhắc nhở hay kêu bạn ra một góc mà la mắng, các quản đốc thích chồng chất mọi chuyện sau đó đổ hết lên đầu bạn trước mặt mọi người sau khi kết thúc công việc”, Xu bức xúc.
“Họ lăng nhục mọi người mọi lúc mọi nơi. Các quản đốc luôn trừng phạt một cá nhân để làm gương cho toàn tập thể. Khi có một công nhân mắc phải lỗi mà họ cho là lớn, anh/cô ấy bắt buộc phải viết một bức thư xin lỗi và trịnh trọng đọc nó trước mặt mọi người”, đồng nghiệp của Xu thêm vào.
Chính bởi vì môi trường làm việc đầy căng thẳng cộng với nỗi sợ hãi thường trực bị bêu xấu trước đông người mà áp lực công việc ngày càng gia tăng tới mức báo động.
“Tôi có biết một cậu sinh viên mới xin vào làm việc cho dây chuyền sản xuất iPhone, cậu ấy hay lảng vảng quanh chỗ tôi ngồi mỗi khi tới giờ ăn. Tuy nhiên, sau khi bị quản đốc chửi mắng trước mặt đông đảo mọi người, cậu ấy đã cãi nhau với họ và sau đó bị cảnh sát tạm giam vài ngày. 3 ngày sau, cậu ấy đã tự nhảy từ tầng 9 xuống kết liễu đời mình”, Xu kể lại.
Tôi hỏi rằng một chuyện lớn như vậy mà sao không có ai tới đưa tin, chụp ảnh. Nhưng Xu và người bạn nhìn nhau và nhún vai rằng. “Ở đây có nhiều người chết lắm rồi, nhưng hôm sau thì chẳng có gì xảy ra cả, mọi người cho là việc bình thường và bắt đầu quên nó đi”.
Vào năm 2012, 150 công nhân leo lên mái nhà của một tòa cao nhất và dọa sẽ nhảy xuống tự vẫn. Họ là những người cảm thấy thất vọng vì quản lý không giữ lời.
Vài năm sau đó, năm 2016, một nhóm nhỏ hơn lặp lại hành động trên bởi vì không nhận được bất kì đồng tiền thưởng đã được hứa hẹn nào. Bên cạnh đó, gần đây nhất là tháng trước, 8 công nhân cũng đã làm việc tương tự, đòi hỏi đơn vị chủ quản phải trả tiền đúng với sức lao động của họ.
Tuy nhiên, Foxconn luôn hứa hẹn rằng sẽ trả cho họ đúng hạn để giải quyết những vụ tự tử nhưng các công nhân lại bị thất hứa hết lần này tới lần khác.
“Chúng tôi không đổ lỗi cho Apple, lỗi là ở Foxconn”, Xu trả lời khi tôi hỏi anh ấy nghĩ thế nào về vai trò của Apple trong việc này.
“Khi tôi hỏi mọi người rằng liệu họ có muốn làm việc tại Foxconn lần nữa không khi môi trường làm việc đã được cải thiện hơn, hầu hết mọi người đều lắc đầu”, Xu thêm vào.
Theo những gì tôi tìm hiểu, không có một phóng viên người Mỹ nào được phép ra vào Foxconn, có chăng chỉ là một vài hướng dẫn viên được tuyển lựa kĩ càng. Điều làm tôi và những người đồng hành cảm thấy choáng ngợp nhất không chỉ là độ rộng lớn của khu vực này mà là sự thay đổi rõ rệt mang tính tiêu cực của nó.
Vùng ngoại ô Thẩm Quyến - thành phố công nghệ lớn nhất Trung Quốc - đầy rẫy những nhà máy xí nghiệp không ngừng xả khí thải, những ngôi nhà bỏ hoang rỉ sét, các điểm thải hóa chất và rác công nghiệp. Khuôn mặt thất thần của những nhân công nơi đây tạo nên một khung cảnh “địa ngục trần gian”.
Tuy nhiên, cảnh quan xung quanh càng thay đổi khi chúng tôi tiến vào trung tâm thành phố, nhà cửa, cơ sở hạ tầng có khang trang hơn chút đỉnh nhưng vẫn còn rất nhiều nhà máy xí nghiệp.
Sau khi đi dạo vòng quanh khu vực Long Hoa chúng tôi quyết định tiến về tòa nhà G2 - nơi mà những chiếc iPhone được sản xuất. Nhưng, trái ngược với suy nghĩ của tôi, tòa G2 dường như đã bị bỏ hoang từ rất lâu rồi. Không có bóng dáng của một chiếc iPhone nào cả, trong này chỉ có những thiết bị, dây chuyền sản xuất phủ bụi và rỉ sét.
Thất vọng tràn trề, chúng tôi ra ngoài và tiếp tục đi vòng quanh tòa G3, sau đó đi hết khu Long Hoa. Nếu nơi này thực sự là nơi chế tạo ra những chiếc iPhone và Apple TV, thì đúng là nó chỉ phù hợp làm nơi chứa hàng hóa, không một con người nào có thể sống nổi ở đây cả, trừ khi bạn thích hòa mình với đống xi măng và bê tông cốt thép rỉ sét.
Long Hoa tiêu điều ảm đạm, trông giống như bối cảnh trong những cuốn tiểu thuyết ngày tận thế, nơi mà mọi thứ từ cốt truyện cho tới nhân vật đều u ám.
Chúng tôi rẽ trái và bắt gặp một tổ hợp nhà ở trong giống như một dạng ký túc xá, tường rào trải dài xung quanh khu nhà và bao quanh trên mái nhà lẫn cửa sổ đều có lưới thép. Khu ký túc xá này trông giống như một cái lồng chim cỡ lớn. Dưới mỗi tòa nhà trang bị lưới cỡ lớn dùng để ngăn cản những người nhảy lầu tự sát. Nhưng, chúng có vẻ ẻo lả và đã lún đi ít nhiều do sức nặng của nhiều người từng nhảy xuống.
“Mấy cái lưới kiểu này vô dụng thôi. Nếu người ta đã muốn chết rồi thì không thiếu gì cách tự sát đâu”, Xu chia sẻ.
Tại nơi đây, có rất nhiều điều vi phạm những quy tắc của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe tại Mỹ, chẳng hạn như không mặc đồ bảo hộ lao động khi thi công, hóa chất không được xử lý, những công trình cũ kĩ mục nát và nhiều thứ khác. Bên cạnh đó, môi trường làm việc ở Foxcomm hoàn toàn “độc hại” như điều luật giữ yên lặng tuyệt đối khi làm và cá nhân đem ra nhục mạ để noi gương cho một tập thể.
Khi nhìn lại những tấm ảnh tôi đã chụp lúc ở khu Long Hoa, không có một bức nào mà mọi người nở một nụ cười cả. Điều này không làm tôi ngạc nhiên nếu những công nhân làm việc trong một môi trường bao quanh bởi sự căng thẳng và nỗi sợ hãi thường trực lặp đi lặp lại như thể gặp vấn đề về thần kinh. Ngay cả khung cảnh ở Long Hoa dường như cũng bị “căng thẳng” như những con người sống trong ấy, như Xu đã từng nói: "Đây không phải là nơi con người có thể ở được”.
Theo Zing