Bí thư TP.HCM mời Intel tư vấn về smart city

Thứ năm, 29/06/2017, 09:57
Bí thư Thành uỷ TP.HCM trò chuyện với Giám đốc Intel Products Vietnam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tập đoàn công nghệ lớn của thế giới với đầu tàu kinh tế của Việt Nam.

Chiều 28/6, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc gặp mặt với bà Sherry S. Boger, Tổng Giám đốc công ty Intel Products Vietnam. Đây cũng là buổi nói chuyện đầu tiên của ông Nguyễn Thiện Nhân với đại diện các tập đoàn công nghệ nước ngoài với tư cách là người đứng đầu thành phố.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và bà Sherry S. Boger, Tổng Giám đốc công ty Intel Products Vietnam trong cuộc gặp chiều 28/6. Ảnh: Duy Tín.

Vào cuối 2016, trong sự kiện kỷ niệm 10 năm có mặt tại Việt Nam, Intel cũng đã cam kết với TP.HCM đào tạo nhân lực để xây dựng thành phố thông minh. Đúng nửa năm sau, trong buổi gặp bà Sherry S. Boger, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh đến sự hợp tác này.

Bí thư thành uỷ TP.HCM cho biết đã tham khảo mô hình "quốc gia thông minh" của Singapore và rút ra một số vấn đề để có thể áp dụng tại Việt Nam, nhưng theo một cách khác.

Cụ thể, Bí thư Nhân cho rằng Việt Nam có 5 thành phố và 2 tỉnh thành phát triển nhất. 7 địa phương này đóng góp phần lớn GDP và hơn 72% doanh thu thuế cả nước. Riêng TP.HCM là đầu tàu kinh tế với hơn 10 triệu dân và nhiều tiềm lực để phát triển.

Bí thư Nhân muốn Việt Nam phát triển 7 địa phương quan trọng theo mô hình đô thị thông minh. Ảnh: Duy Tín.

Do đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trước mắt Việt Nam không cần đặt mục tiêu phát triển "quốc gia thông minh" quá tầm cỡ như Singapore, mà chỉ cần phát triển "đô thị thông minh" tại 7 địa phương chủ chốt này. Trong diễn đàn về đô thị thông minh sắp diễn ra, Intel sẽ được mời để cố vấn, đưa ra các giải pháp cho những địa phương này.

Bên cạnh đó, người đứng đầu TP.HCM cũng gợi ý Intel mở thêm trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Việt Nam. Ông Nhân lấy ví dụ về Samsung, khi công ty này quyết định đóng cửa trung tâm R&D tại Singapore để dời về Việt Nam. Hiện đội ngũ này ở Việt Nam có khoảng 700 người và Samsung đang có ý định nâng con số này lên từ 3.000 đến 5.000 người.

"Intel cần nhanh chân hơn nữa và tôi cam kết hỗ trợ công ty ở TP.HCM", ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Trước lời đề nghị đó, bà Sherry S. Boger cho rằng "câu chuyện R&D của Samsung là một ví dụ thú vị" và "Intel cũng đang thử nghiệm với khoảng 10 người có khả năng nhất và tập trung nguồn lực vào đó, song song với hoạt động sản xuất của nhà máy".

Người đại diện của Intel Products Vietnam cũng cho biết nhà máy tại TP.HCM đã trở thành một trong những đơn vị sản xuất chủ lực của Intel trên toàn cầu. Đã có 27 sản phẩm khác nhau đang được sản xuất tại đây và nhiều trong số đó đã 100% "made in Vietnam", từ khâu R&D cho đến lắp ráp thành phẩm.

Bà Sherry S. Boger cho biết Intel rất muốn tạo cơ hội cho sinh viên, giảng viên ngành kỹ thuật tại Việt Nam có cơ hội học tập, tu nghiệp tại Mỹ. Hiện đã có một thế hệ trở về Việt Nam và đóng góp lớn cho nhà máy của Intel Products Vietnam. Ảnh: Duy Tín.

Theo bà Sherry S. Boger, song song với hoạt động sản xuất, từ 2009 đến nay Intel có nhiều hoạt động hỗ trợ giáo dục. Đáng kể nhất là chương trình hỗ trợ học bổng toàn phần cho 114 sinh viên Việt Nam học đại học và thạc sĩ ở Mỹ và Úc. Nhiều người đã trở về làm việc cho nhà máy tại Intel.

Công ty cũng hỗ trợ các sinh viên trong nước theo học ngành kỹ thuật nhiều hơn, đặc biệt là nữ giới. Hiện nhà máy của Intel tại Việt Nam có 38% là nữ kỹ thuật viên, kỹ sư và một số trong đó đã nắm vai trò lãnh đạo.

Bên cạnh đó, Intel cũng hỗ trợ giảng viên tại Việt Nam bằng Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật tại Việt Nam (HEEAP) do Intel và Đại học bang Arizona (ASU) phối hợp. Chương trình này đã đào tạo 7.161 giảng viên và lãnh đạo của 8 trường, trong đó có 5 trường đại học và 3 trường cao đẳng kỹ thuật. Chương trình này còn tiếp tục cho đến hết 2018.

Cách đây 2 tuần, Intel cũng khai trương trung tâm "Maker Space" ở Khu công nghệ cao. Không gian này trưng bày nhiều sản phẩm của công ty công nghệ, người trẻ tại TP.HCM có thể đến để tìm hiểu, đưa ra những sáng kiến và biến ý tưởng thành những sản phẩm có thể thương mại hoá.

Cũng theo Intel, trong chương trình HEEAP, có 30% nữ giảng viên Việt Nam đang được đào tạo ở Mỹ. Hiện Intel cũng tiếp tục trao học bổng cho 7 sinh viên ngành kỹ thuật Việt Nam tiếp tục học thạc sĩ ở đại học Arizona.

Người đại diện của Intel cũng cho rằng việc đào tạo cho sinh viên, giảng viên không hẳn nhằm tuyển dụng cho Intel Việt Nam, mà còn là cách để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư mới.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích