Trong những năm gần đây, số người sử dụng Facebook không ngừng gia tăng. Bên cạnh những lợi ích, việc dùng mạng xã hội cũng mang lại nhiều hệ lụy nguy hiểm đối với sức khỏe.
Co giật vì không được dùng Facebook
Theo tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại chưa có mã bệnh về nghiện Facebook. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân được gia đình đưa đến điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt có yếu tố liên quan tới việc dùng mạng xã hội.
Cách đây 3 tháng, cơ sở y tế này đã tiếp nhận một nam học sinh (14 tuổi) nhập viện với các biểu hiện co giật phân ly. Theo chia sẻ từ gia đình, cậu bé này có tiền sử sử dụng Facebook rất nhiều, có thời điểm 10 tiếng mỗi ngày. Thấy vậy, gia đình đã thu điện thoại, cấm con lên mạng xã hội. Sau đó, cháu bỗng xuất hiện các cơn co giật.
Theo tiến sĩ Phương, sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện cơn co giật xuất phát từ việc cháu không được dùng Facebook. Do đó, bên cạnh các liệu pháp điều trị, bác sĩ phải tư vấn cho gia đình cách hướng dẫn cháu sử dụng điện thoại và mạng xã hội trong khoảng thời gian hợp lý.
Tại Viện Sức khỏe Tâm tâm thần, các bác sĩ cũng tiếp nhận các bệnh nhi ngại giao tiếp thực tế, thường xuyên “sống ảo” trên mạng xã hội, gặp hoang tưởng, ảo thanh. Đây là biểu hiện rất đặc trưng của bệnh tâm thần phân liệt.
Hiện tại chưa có mã bệnh về nghiện Facebook. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân được gia đình đưa đến điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt có yếu tố liên quan tới việc dùng mạng xã hội. Ảnh: Snopes. |
Dấu hiện nghiện Facebook
Theo thạc sĩ Hà, nghiện Facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian để sử dụng mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ trong gia đình và ngoài đời. Người dùng Facebook có mục đích rõ ràng thì không được xem là nghiện.
Để kiểm tra bản thân có bị nghiện, lệ thuộc Facebook hay không, thạc sĩ Hà khuyến nghị có thể dùng thang đo nghiện được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na Uy.
- Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về Facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó?
- Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng Facebook càng ngày càng nhiều.
- Bạn sử dụng Facebook để quên đi các vấn đề cá nhân.
- Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công.
- Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bạn bị cấm sử dụng Facebook.
- Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/học tập của bạn.
Người trả lời mỗi câu hỏi trong thang từ 1-5 điểm: rất hiếm khi, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên, và rất thường xuyên. Điểm số từ 24 điểm trở lên được xem là nghiện.
Theo Zing